Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 02:10 (GMT +7)
Khắc phục "điểm nghẽn" thu hút đầu tư
Thứ 7, 23/08/2014 | 05:02:12 [GMT +7] A A
Lao động không tìm được việc làm, DN không tuyển được lao động: Tại sao?
Quảng Ninh hiện có số dân khoảng 1,2 triệu người, lực lượng lao động chiếm 56,3% (trên 670.000 người), trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 92%. Số có việc làm là 650.000 người (97%). Như vậy, về số lượng, cung đáp ứng đủ cầu, thất nghiệp ở mức trên dưới 3%. Về chất lượng, lao động qua đào tạo chiếm gần 59%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Một số ngành, doanh nghiệp xuất phát từ sức hút nội ngành và hệ thống các cơ sở đào tạo trên địa bàn, nhu cầu lao động về cơ bản được đáp ứng đủ về số và chất lượng như ngành than, điện, vận tải, ngân hàng… Tuy nhiên, nhìn chung về cơ cấu nghề, cơ cấu trình độ đào tạo, các yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tác phong, thái độ làm việc của lao động còn nhiều bất cập. Kết quả qua các phiên giao dịch việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm cũng như phản hồi từ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến… cho thấy cung chưa đáp ứng đủ cầu ở tất cả các cấp trình độ, nhất là lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật (qua đào tạo nghề) cả về số lượng và chất lượng.
Trên 2.000 nhân lực của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long đều do tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ tuyển dụng. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hoá tại kho của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực còn hạn chế làm giảm sức hút đầu tư của Quảng Ninh. Trước hết về công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo trong nhiều năm qua chưa coi trọng yếu tố nguồn nhân lực nên chưa có giải pháp tổng thể và hành động tích cực để chủ động đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đối với chất lượng đào tạo nói chung của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Về phía nhà đầu tư, ngay cả đến giai đoạn chuẩn bị đầu tư cũng chưa có kế hoạch cụ thể về nhu cầu lao động hoặc chưa tích cực phối hợp với các bên liên quan để chuẩn bị nguồn lao động…
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, các nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng đào tạo không sát với nhu cầu sử dụng, vênh về cơ cấu nghề và cấp trình độ. Trong khi đó, một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao lại tìm con đường đi khỏi Quảng Ninh. Tình trạng lao động không tìm được việc làm song hành cùng việc doanh nghiệp không tuyển được lao động, thậm chí rất khó khăn trong tuyển lao động.
Cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 nhà
Để giải quyết vấn đề trên, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nguồn nhân lực của tỉnh từ nay đến 2015, 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu không để yếu tố nguồn nhân lực trở thành “điểm nghẽn” trong quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Trước mắt, Quảng Ninh cũng đã áp dụng một số giải pháp tức thời, nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư trên địa bàn phải có báo cáo dự kiến về nhu cầu nhân lực, phương án tuyển dụng, đào tạo, những vấn đề cần hỗ trợ… đặc biệt những trường hợp cần tuyển số lượng lớn lao động hoặc tuyển lao động có tay nghề. IPA và các cơ quan chức năng, các địa phương hỗ trợ nhà đầu tư tuyển dụng lao động và giới thiệu để ký các hợp đồng đào tạo trong và ngoài tỉnh, tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các doanh nghiệp hoặc địa bàn thích hợp… Điển hình như ở Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, theo ông Dương Dũng, Tổng Giám đốc Công ty, toàn bộ nguồn nhân sự trên 2.000 người của Công ty đều do chính quyền tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ tuyển dụng. Và việc tuyển dụng nhân lực thành công chính là nhờ áp dụng giải pháp này của Quảng Ninh.
Đối với các giải pháp lâu dài, liên tục, tỉnh cũng có định hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp như: Xây dựng và triển khai các chương trình chăm sóc sức khoẻ giai đoạn trước tuổi lao động; công bố công khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới cơ sở dạy nghề sau khi phê duyệt; xây dựng và hiện đại hoá hệ thống thông tin thị trường lao động; xây dựng mối liên kết, trao đổi thông tin giữa 3 nhà là nhà doanh nghiệp - nhà trường - nhà quản lý; đẩy mạnh tiến độ xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề; kiểm soát chất lượng dạy nghề. Đặc biệt tỉnh cần ban hành các chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học, các nghệ nhân, các chuyên gia, thợ lành nghề; chính sách hỗ trợ người học nghề…
Với nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chú ý nâng cao chất lượng việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ để ổn định lực lượng lao động; có chính sách khuyến khích về tiền lương, thưởng và tăng thu nhập cho người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập các quy hoạch, dự báo về nhu cầu lao động, báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng để chuẩn bị sớm nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh; phối hợp với cơ sở đào tạo trên cơ sở các hợp đồng kinh tế để đào tạo kỹ năng nghề, tác phong, thái độ làm việc cho người lao động; tham gia xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, tập huấn giáo viên. Các cơ sở đào tạo cần bám sát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nguồn nhân lực của tỉnh, các thông tin về thị trường lao động để lập quy hoạch phát triển, kế hoạch đào tạo cho sát thực tế; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát yêu cầu của thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình biên soạn tài liệu đào tạo…
Tin rằng, với hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được định hướng, đề ra có tính chiến lược, Quảng Ninh sẽ sớm khắc phục được “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư kinh doanh về chất lượng nguồn nhân lực.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()