Ở Quảng Ninh hiếm có một gia đình nào có đến 3 thế hệ cùng đam mê và gắn bó với cờ vua như gia đình của đại kiện tướng Nguyễn Anh Dũng và kiện tướng Lê Thị Phương Liên.
Người thầy đầu tiên của cha con anh Dũng chính là ông Nguyễn Khắc Hùng, ông nội cháu Cẩm Hiền. Ông cũng chính là người đã có công đầu trong việc thắp lên “ngọn lửa đam mê” cờ vua cho bé Cẩm Hiền, cũng như đã từng làm thế với con trai mình mấy chục năm về trước. Ông Hùng vốn là kỹ sư địa chất rất yêu thích cờ vua. Từ khi lên 4 tuổi, Nguyễn Anh Dũng đã được bố dạy chơi cờ. Và anh đã lẽo đẽo theo bố đi thi đấu trong các câu lạc bộ cờ vua ở Cẩm Phả.
Ông Nguyễn Khắc Hùng chia sẻ: “Tôi rất đam mê cờ vua nhưng không có điều kiện theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp. Tôi chơi cờ phong trào và cắt những quân cờ giấy để dạy Dũng chơi, không ngờ cháu lại say mê bộ môn này và quyết tâm theo đuổi nó. Với Dũng đúng là cờ vua đã chọn Dũng, nghề đã chọn người. Sau này, Dũng có thành tích rồi được vào lớp năng khiếu, được Nhà nước đầu tư cho đi học nước ngoài”.
Nhờ sống trong môi trường cờ vua và sự kèm cặp của cha, đến năm 11 tuổi, Nguyễn Anh Dũng đã giành được Huy chương Vàng môn cờ vua tại Hội khoẻ Phù Đổng các tỉnh phía Bắc. Sau đó, ông Hùng với lão kỳ thủ Phạm Văn Tuyển, người đã có công rất lớn trong việc đào tạo vận động viên cờ vua trẻ ở Cẩm Phả đã tìm mọi cách để anh được sang Nga tập huấn. Đây chính là bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp của kỳ thủ Nguyễn Anh Dũng. Anh đã vươn lên xếp hạng nổi tiếng thứ 73.974 trên thế giới và thứ 6 trong danh sách Kiện tướng cờ vua nổi tiếng. Là vận động viên của đoàn cờ vua Việt Nam, anh đã được phong danh hiệu Kiện tướng thế giới. Anh từng vô địch Giải cờ vua châu Á năm 1993 tổ chức tại Qatar. Năm 1994, Nguyễn Anh Dũng được Liên đoàn Cờ vua thế giới xếp vào top 20 kỳ thủ trẻ có sức cờ mạnh nhất hành tinh. Năm 1998, anh được cử đi tập huấn tại Hungary. Năm 2001 được phong danh hiệu Đại kiện tướng (Grandmaster). Tại giải cờ vua “JAPFA Grandmaster Tournament” năm 2015, diễn ra tại thủ đô Jakatar, Indonesia, Nguyễn Anh Dũng là một trong số 12 kỳ thủ được ban tổ chức mời tham dự. Trong suốt giải đấu, Nguyễn Anh Dũng luôn đứng ở vị trí đầu tiên về thành tích.
Tập trung đội tuyển quốc gia dài ngày để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế, chính những quân cờ vua lại kết nối, xe duyên cho anh và Kiện tướng Fide Lê Thị Phương Liên nên duyên chồng vợ. Sinh năm 1979 tại phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và biết chơi cờ từ khi còn rất nhỏ, thế nhưng chị Liên cũng không nghĩ có ngày mình trở thành VĐV thi đấu cờ vua chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cái nghiệp 64 ô vuông đen trắng cứ gắn chặt lấy chị cho đến tận bây giờ. Chuỗi thành tích thi đấu ấn tượng, cộng với khả năng phát triển tốt nên năm 2000, chị đã được Liên đoàn Cờ vua thế giới phong danh hiệu Kiện tướng Fide quốc tế.
Sau khi kết hôn, anh chị đã được tỉnh ưu tiên cấp đất xây nhà ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Hiện ở đây đang có ba thế hệ cùng chung sống, là ông bà nội cùng vợ chồng Dũng và hai cô công chúa nhỏ. Từ đây, chị Liên không nhận lời thi đấu các giải quốc tế để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Năm 2007, gia đình anh chị đón tin vui khi bé Nguyễn Lê Cẩm Hiền ra đời. Bao nhiêu hy vọng đều được vợ chồng anh gửi gắm vào bé Cẩm Hiền.
Thừa hưởng gen của bố mẹ, Cẩm Hiền đã nhanh chóng bộc lộ niềm đam mê cũng như tố chất chơi cờ của mình. Bên cạnh sự hướng dẫn của ông nội, của bố thì Cẩm Hiền cũng được mẹ chỉ bảo từng đường đi nước bước. Chị cũng thường xuyên động viên con tham khảo thêm kiến thức từ mạng internet. Để cho con gái Nguyễn Lê Cẩm Hiền có được thời gian hợp lý, chị đã phải lên kế hoạch cụ thể từ việc học văn hoá ở trường đến thời gian sinh hoạt và luyện tập, thi đấu. Chị cũng hướng dẫn những việc làm khác giúp đỡ ông, bà, bố, mẹ và những việc lặt vặt để Cẩm Hiền có thêm sự vận động để linh hoạt hơn.
Thông minh, nhanh nhẹn, mê tìm hiểu và khám phá, mặc dù chưa hề biết mặt chữ nhưng Hiền đã có thể nhớ đủ 32 quân cờ. Được sự hướng dẫn của bố mẹ cộng với sự thông minh sẵn có, 4 tuổi Hiền đã biết chơi những nước cờ cơ bản. Dường như trong các trò chơi, đùa nghịch với quân cờ là niềm thích thú và mê say của cô bé Cẩm Hiền.
Biết con có tố chất về cờ vua, lại ham học hỏi, khi Cẩm Hiền lên 5 tuổi, anh Dũng quyết định đưa con vào lớp năng khiếu cờ vua Quảng Ninh, nơi anh làm Trưởng bộ môn kiêm huấn luyện viên trưởng còn vợ là huấn luyện viên chuyên đào tạo tài năng trẻ. Một hành trình phát triển bài bản của kỳ thủ nhí đã bắt đầu. Hàng ngày, anh Dũng đảm trách việc xây dựng một kế hoạch, lộ trình riêng cho Hiền, còn chị Liên triển khai với tư cách huấn luyện viên trực tiếp của con. Ngoài các buổi tập luyện trên lớp, tối về, bố mẹ và ông nội lại thay nhau rèn thêm cho Cẩm Hiền.
Năm 2013, khi mới lên 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp một, Nguyễn Lê Cẩm Hiền bắt đầu tham gia thi đấu cờ vua Giải Kim Đồng và đoạt cúp. Ngay sau đó, Hiền tiếp tục tham gia thi đấu tại Giải vô địch trẻ lứa tuổi U6 châu Á tổ chức ở Iran và đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Tài năng của cô bé càng ngày càng được mọi người chú ý khi trong năm 2015, Cẩm Hiền thắng lớn liên tiếp tại các giải đấu quốc tế ở Singapore, Hàn Quốc. Đặc biệt, Cẩm Hiền đã xuất sắc giành Cúp vô địch lứa tuổi U8 tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới tổ chức tại Hy Lạp. Tại giải đấu này, đoàn kỳ thủ Việt Nam gồm 20 em, thi đấu ở các nhóm tuổi dưới 18, nhưng chỉ có Cẩm Hiền giành được huy chương. Cô bé đã chứng tỏ câu nói của người xưa “Hổ phụ sinh hổ tử” quả không sai. Đại kiện tướng Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Bản thân Cẩm Hiền có tố chất thông minh và hơn hết, cháu rất đam mê cờ vua. Do đó, gia đình chúng tôi sẽ phối hợp cùng các cấp, ngành, các đơn vị tài trợ để đầu tư cho vận động viên rất triển vọng này. Gia đình chúng tôi luôn đi theo bám sát và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Cẩm Hiền. Để cháu hoàn thiện hơn về tư duy chiến thuật, cọ xát nhiều, rèn luyện tâm lý thi đấu, chúng tôi dự định trong thời gian tới sẽ đưa cháu tập huấn ở nước ngoài tại các nước có nền cờ vua phát triển”.
Liên tiếp sau đó, VĐV nhí Cẩm Hiền giành Huy chương Vàng Giải vô địch cờ vua trẻ xuất sắc toàn quốc các năm 2016 và 2017, đoạt 2 Huy chương Vàng tại Giải vô địch Cờ vua trẻ Đông Nam Á năm 2017. Chưa hết, Cẩm Hiền còn giành 5 huy chương tại Giải cờ vua nhanh Hà Nội mở rộng 2018 hạng mục U11 nữ, giành 5 Huy chương Vàng tại Giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2019. Sau khi Cẩm Hiền đoạt thành tích cao, Sở Văn hóa - Thể thao đã đưa em vào nhóm những VĐV được hưởng lương như các VĐV thể thao thành tích cao. Sự quan tâm đó đã giúp cho Cẩm Hiền cảm thấy tự tin hơn trong quá trình luyện tập và thi đấu.
Ở trường, Cẩm Hiền là cô học trò chăm ngoan, lễ phép. Ở nhà, Cẩm Hiền là cô bé hiếu thảo biết giúp đỡ bố mẹ, ông bà. Trong gia đình ấm cúng của Hiền, cờ vua luôn là chủ đề bàn luận thường nhật giống như thể cơm ăn nước uống của tất cả các thành viên. Môi trường và truyền thống gia đình đã là động lực, là bệ phóng vững chắc để cho VĐV nhí Cẩm Hiền bước tiếp và theo đuổi ước mơ của mình. Cẩm Hiền chia sẻ: “Khi con còn nhỏ xíu, nhìn ông và bố chơi cờ, con rất thích những quân cờ. Sau đó thì ông nội đã dạy cờ cho con. Con vẫn luôn mơ ước rằng sau này con sẽ trở thành một đại kiện tướng cờ vua giống như bố con. Bố con là một người chơi cờ rất giỏi và đến tận bây giờ vẫn giữ được phong độ. Vì vậy, bố luôn là một mẫu hình hoàn hảo để con theo đuổi”.
Cẩm Hiền thật may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình như vậy. Ở đó, cả 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Dù cho tuổi tác, tâm lý, tính cách mỗi người có khác nhau nhưng họ cùng chung một niềm đam mê cờ vua. Ngoài tình cảm cha con, ông cháu chồng vợ thì cờ vua là thứ đã gắn kết chặt chẽ gia đình họ như thể gia đình này sinh ra là để dành cho cờ vua.
Bài: Phạm Học
Ảnh: Phạm Học; gia đình cung cấp
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()