Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:28 (GMT +7)
Khi nhà báo xuống lò...
Chủ nhật, 21/06/2015 | 05:34:00 [GMT +7] A A
Cũng quần áo bảo hộ màu xanh trên người, cũng mũ, cũng đèn pha trên đầu... Trông 12 anh chị em chúng tôi trong chuyến đi thực tế ở Công ty Than Thống Nhất hôm ấy hệt như một tốp thợ lò sắp sửa vào ca! Nếu có khác là ngoài các trang bị bảo hộ của công nhân, ai cũng đều lỉnh kỉnh nào máy ảnh, máy ghi âm, rồi sổ sách v.v.
Chuyện, mấy khi nhà báo được trực tiếp xuống hầm lò ở mức -35 mét so với mực nước biển. Phải chuẩn bị thật chu đáo chứ! Thế nhưng...
Các nhà báo chuẩn bị giao lại thiết bị tác nghiệp trước khi xuống lò. |
Từ chuyện các nhà báo nữ suýt hụt chuyến đi
Đoàn chúng tôi gồm 12 thành viên, đến từ 10 cơ quan báo chí khác nhau trong cả nước: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Báo Quân đội Nhân dân v.v.. Tuổi nghề cũng rất khác nhau, có người mới vào nghề một, vài năm, có người đã có thâm niên làm báo trên dưới 30 năm, thậm chí có người sắp giải nghệ v.v.. Tuy nhiên, hầu như với ai thì việc được vào lò hôm nay đều là “sự kiện” quan trọng trong đời làm báo, bởi hầu như chưa ai từng may mắn có dịp như thế này cả. Nhưng có lẽ hăng hái nhất vẫn là cánh phóng viên trẻ. Nữ phóng viên Thanh Hiên (Báo Đời sống và Pháp luật), mới vào nghề được hơn một năm nay, tỏ ra rất phấn khích. Xúng xính trong bộ quần áo màu xanh của thợ lò, Thanh Hiên cứ đưa điện thoại lên chụp ảnh “tự sướng” liên tục. Chụp xong là tải lên face book khoe với bạn bè ngay. Như thể vẫn chưa thỏa mãn, cô còn làm dáng đủ kiểu bắt tội mấy ông phóng viên ảnh bấm máy liên tục đến mỏi tay.
Nhưng như quả bóng đang căng thì “xì hơi”, Thanh Hiên xịu mặt xuống khi Phó Chánh văn phòng Hà Tuấn Anh vừa đến nơi đã tuyên bố một câu “xanh rờn”: “- Đề nghị các đồng chí nữ không xuống lò!”.
Không riêng gì Thanh Hiên, hai nữ nhà báo khác trong đoàn nữa cũng lắc đầu quầy quậy. Ba chị em mặt méo xệch như bị dội nước lạnh. Nhà báo Thanh Tuyền (Trưởng Ban Doanh nghiệp - Doanh nhân, Báo Đất Việt), nữ nhà báo lớn tuổi nhất trong đoàn, “khiếu nại” rằng công văn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có ghi rõ ràng: Mời các nhà báo đi thực tế sáng tác, nào có dòng nào ghi “cấm phụ nữ xuống lò” đâu! Mà chuyện đi lò đâu dễ gì nhà báo nào cũng có cơ hội... Thế nhưng, xem ra “cụ phó chánh” vẫn không lay chuyển. Dường như các ý kiến phản đối của chị em, nào là chẳng mấy khi được tác nghiệp trong hầm lò, nào là như thế chẳng hoá ra ở đây còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ” à v.v. và v.v. đều không làm “cụ phó chánh” bận tâm. Ông nói ngay: “- Đó là nguyên tắc an toàn lao động!”. Lý do được đưa ra là hầm lò sâu ở mức -35, lại đã vận hành khai thác khá lâu, thời gian đi lại mất cả buổi đường, lò hẹp, chật chội… nên không phù hợp với sức khỏe của phụ nữ.
Chuẩn bị hành trang đóng vai thợ lò. |
Cũng may, khi Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, cán bộ thi đua của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Trưởng đoàn, gọi điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì cuối cùng 3 nữ nhà báo cũng được “đặc cách” cho đi cùng xuống lò. “Cụ Phó chánh” Hà Tuấn Anh chấp hành lệnh cấp trên nhưng vẫn tỏ ra rất lo lắng. Ông quay sang dặn dò những cán bộ phòng, ban của Công ty có mặt đi cùng phải chú ý, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào. Nghe họ nói với nhau, tôi càng hiểu hơn tầm quan trọng của những quy định ATLĐ đối với thợ lò lớn đến mức nào. Kể cũng phải thôi, bởi ở độ sâu -35m, ai mà lường hết được mọi chuyện có thể xảy ra.
Và không khí hồ hởi, vui vẻ lại trở lại. Nhất là khi mấy anh thợ lò trẻ vừa tan ca ba ra cửa lò gặp chúng tôi chuẩn bị đi vào thì đùa tếu: “- Tí nữa mấy cô nhà báo chui lò lên thì không biết tắm tập thể thế nào đây?”. Một cô phóng viên trẻ cũng đáo để không kém: “Bọn em có gì mà không dám. Chỉ sợ các anh thợ lò có cho tắm chung không thôi”. Nghe vậy, mọi người đều cười vui vẻ…
Đến chuyện bị “tước vũ khí”...
Vừa “thắng lợi” trong vụ đòi “quyền bình đẳng” của mấy nữ nhà báo trong đoàn, tưởng mọi chuyện suôn sẻ rồi, ai ngờ lại tiếp tục gặp “sự cố”... khi Trưởng Ban Tuyên giáo, Bí thư Đoàn TN và Trưởng phòng An toàn, những người làm nhiệm vụ “tháp tùng” các nhà báo xuống lò, yêu cầu mọi người để máy ảnh, máy quay phim, ghi âm v.v. lại phòng thay đồ, không được mang xuống lò để đề phòng cháy nổ. Mấy phóng viên ảnh, quay phim mặt méo xệch: “- Đề nghị các anh xem lại, nếu “tước vũ khí” của chúng tôi như thế thì chúng tôi làm ăn thế nào được?”.
Nhưng khác với lần trước, lần này các cán bộ Công ty kiên quyết không chịu nhượng bộ. Họ bảo, nếu máy có chức năng chống cháy nổ chuyên dụng thì mới được mang theo. Có người cằn nhằn: “- Phóng viên nghèo lắm, làm gì có mấy người đủ tiền mua máy chuyên dụng chống cháy nổ”... Nói thì nói vậy nhưng cuối cùng vẫn phải chấp hành. Anh chị em trong đoàn đành ngậm ngùi “giã từ vũ khí” để làm khách du lịch tham quan đường lò. Tôi biết mọi người đều không vui, nhưng làm sao được! Không có “đồ nghề” hỗ trợ thì phải dùng các giác quan của mình mà ghi lại thôi! Và vì phải bỏ lại máy ảnh, ghi âm trước khi xuống lò nên lúc này mọi người thi nhau chụp ảnh trước cửa lò. Người chụp công nhân tan ca, công nhân vận tải đang làm việc, người khác lại chụp ảnh làm kỷ niệm lần đầu tiên được xuống lò v.v.
Tạm biệt nhé, chúng tôi vào lò! |
Và những trải nghiệm dưới độ sâu -35m
Chiếc xe song loan (loại xe chở thợ lò lên xuống) vừa lao vút vào đường lò rất tối, đã thấy nữ nhà báo Thanh Tuyền nhắm nghiền mắt lại, bám chặt lấy thành xe. Khi xe dừng hẳn trong đường lò, một anh bạn đồng nghiệp quay sang nói đùa: Khi ở cửa lò thì nói hăng hái vậy, sao vừa xuống đã “ngất xỉu” thế? Chị Thanh Tuyền chống chế: Mình nhắm mắt là để… cảm nhận rõ tiếng xe chạy đấy chứ (!). Nói thì nói vậy nhưng rồi nữ “nhà báo già” cũng thừa nhận quả là có sợ đôi chút! Chỉ có điều biết chắc chỗ mình đến là nơi mấy thợ lò đang làm việc thì cũng yên tâm…
Quả thực, nếu ai lần đầu xuống lò, chắc cũng đều hồi hộp như thế cả thôi. Chính vì vậy, việc cán bộ Công ty khắt khe, lúc đầu còn không cho chị em xuống lò cũng là dễ hiểu. Thậm chí như hôm ấy, mấy anh người Công ty còn không đưa chúng tôi đến tận nơi thợ lò đang khai thác. Các anh sợ mất an toàn khi vào những đường lò quá hẹp. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, trưởng đoàn, nói với chúng tôi: Tuy từng là thợ mỏ, nhưng chị cũng ít khi được xuống lò. Có lần đích thân giám đốc một công ty đưa chị đi vào nơi thợ lò quen gọi là “họng sáo”. Vừa lách người chui vào khe lò hẹp thì bỗng nhiên thấy than rơi lộp bộp trên lưng… Lúc đó thấy cứ “lạnh cả sống lưng”. Càng cảm nhận sâu sắc hơn cái vất vả của những người thợ chui lò.
Bỗng dưng tôi nẩy ra ý so sánh: Mình xuống đây, ở độ sâu -35 này, chỉ trong nửa ngày mà đã thấy lâu, còn thợ lò, họ cả đời làm việc tại đây thì sao? Thật cũng là đáng nể!
Đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm sau khi chui lò. |
Trong khi chúng tôi đang chăm chú lắng nghe “hướng dẫn viên” giới thiệu về công việc khai thác than trong lò thì bỗng nhiên anh chàng phóng viên Báo Quân đội Nhân dân vô ý bị trượt chân. Anh vội vồ lấy một thanh sắt nằm ngang. Thanh sắt văng ra khỏi máng trượt. Mọi người quay lại nhìn đầy sợ hãi. Chưa kịp định thần thì thanh sắt bung ra lao về phía cô phóng viên Thanh Hiên trẻ nhất đoàn. Cô gái hoảng hốt, may sao chiếc mũ thợ lò rất cứng, thanh sắt văng về phía cô không gây chấn thương, chỉ đủ để cô bé này hét lên đầy sợ hãi. Một thợ lò đứng bên động viên, rằng chuyện đó cũng bình thường thôi, chưa có gì cả. Chị Thảo Ngọc cười, nói nửa đùa nửa thật: Có vậy mới thấm thía được phần nào hiểm nguy của người thợ mỏ...
Khoảng 11 giờ trưa thì chúng tôi đi đến cuối đoạn đường lò, ai cũng cố gắng ghi hết vào đầu những gì đã nghe, đã thấy, đã sờ… Đó chính là những tư liệu quý mà không dễ gì một người làm báo có điều kiện được thường xuyên. Cuốn sổ tay của tôi cũng chi chít chữ viết nguệch ngoạc, có nhiều chỗ bị nhoè do nước bắn vào. Chúng tôi trở lại chiếc xe song loan để lên mặt đất. Ai nấy thở phào khi lại được nhìn thấy mặt trời. Đúng là xuống lò thiếu dưỡng khí nên cảm giác khá mệt mỏi. Đón chúng tôi, “cụ phó chánh” Hà Tuấn Anh giờ nét mặt không còn “khó đăm đăm” như lúc xuống lò mà rất cởi mở. Nữ nhà báo Thanh Tuyền hồ hởi bắt tay anh, bảo: Lúc đầu thấy ông anh hắc xì dầu cái mặt không chơi được, giờ đi lò về mới thấy ông anh quả là người bạn đáng mến. Đúng là phụ nữ xuống lò nguy hiểm, nhất là những đường lò cũ đã khai thác từ lâu như thế này…
Câu chuyện của chúng tôi lại rôm rả hơn lúc chưa xuống lò. Anh Hà Tuấn Anh giờ mới ngồi kể lại những chuyện về các phóng viên báo chí mà ông đã từng tháp tùng đi lò. Đã từng có một nữ phóng viên ngất xỉu thiếu dưỡng khí phải thay nhau cõng lên. Lần khác có phóng viên chui lò lên mệt quá bảo sao đi trên mặt đất mà như bay vậy. Lại có lần một phóng viên hăm hở xuống lò chụp ảnh, khi lên mặt đất mở máy ra… Ôi thôi, cái ống kính mấy chục triệu đi tong vì hơi ẩm quá nhiều...
Nhà báo Nguyễn Hải Vân, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Năng lượng Việt Nam và nhà báo Thanh Tuyền tỏ ra rất sôi nổi, hào hứng. Cả hai đều nói ngay tối nay sẽ phải khởi thảo một cái ghi chép về chuyến đi này để cảm xúc không “bị nguội” mất. Còn tôi, thôi thì cũng xin kể mấy chuyện vui vui về chuyến đi này nhân “ngày Tết” của những người làm báo Việt Nam...
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()