Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 08:25 (GMT +7)
Khi phụ nữ đảm nhận vai trò của phái mạnh
Chủ nhật, 13/03/2022 | 13:04:31 [GMT +7] A A
Nếu như ở dưới xuôi, người đàn ông thường giữ vai trò là trụ cột gia đình về làm kinh tế và cả khi tham gia các trò chơi thể thao đòi hỏi sức mạnh thì ở nhiều xã thuộc các huyện miền Đông Quảng Ninh, không ít chị em phụ nữ nổi trội hơn nam giới về làm kinh tế gia đình và các hoạt động thể thao.
Nếu du khách có dịp đến xã Húc Động (Bình Liêu) vào những buổi chiều, ở sân Nhà văn hóa cộng đồng của xã thường diễn ra các trận đấu bóng. Thế nhưng chủ thể của các hoạt động này lại là các cô gái, còn đàn ông đứng bên ngoài trông con nhỏ và cổ vũ.
Húc Động có tới 6 đội bóng nữ thuộc các thôn Nà Ếch, Khe Mó, Mó Túc, Pò Đán, Lục Ngù, Thánh Thìn. Chị em thi đấu ở xã và giao lưu giữa các đội trong huyện Bình Liêu, họ lại còn “mang chuông đi đánh xứ người” đưa quân đi giao lưu bóng đá với phụ nữ ở Tiên Yên, Móng Cái. Họ nổi tiếng trong cả nước, hình ảnh của họ xuất hiện nhiều trên báo chí trong và ngoài tỉnh. Thậm chí cuối tháng 11/2020, các hoa hậu, á hậu Việt Nam cũng đã có cuộc giao lưu bóng đá với đội bóng của thôn Nà Ếch, xã Húc Động.
Chị Trạc Thị Sín, là cầu thủ đá bóng nữ của thôn Lục Ngù, xã Húc Động. Chị Sín là lao động giỏi của thôn, bởi gia đình chị phát triển kinh tế với nhiều mô hình như làm miến dong, nuôi dê, nuôi lợn rừng, trồng hồi. Gia đình chị Sín tiêu biểu cho mô hình xóa nghèo của xã Húc Động. Chị Sín thay chồng điều khiển cả một xưởng sản xuất miến dong ở thôn Lục Ngù.
Cùng xã Húc Động còn có chị Đặng Thị Lò ở thôn Nà Ếch, sau khi rời sân bóng, chị Lò lại xắn quần lội ruộng làm quần quật suốt ngày. Chị Lò cũng là người năng động trong phát triển kinh tế, gia đình chị Lò mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng xi măng, sắt thép cho người dân trong xã...
Đây chỉ là 2 trong số những phụ nữ điển hình ở xã Húc Động. Bởi hầu hết người phụ nữ tính cách mạnh mẽ ở xã Húc Động, họ đều có gia đình khấm khá và hạnh phúc. Và hình như các ông chồng đều hài lòng với người vợ mạnh mẽ của mình.
Đến nay, ở các huyện miền Đông của tỉnh, phần lớn các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số nếu không vì đại dịch Covid-19 thì hàng năm họ đều tổ chức lễ hội văn hoá - thể thao các dân tộc. Ở đó, ta sẽ bắt gặp nhiều phụ nữ tham gia các môn thi phô trương sức mạnh như đẩy gậy và đánh quay. Đây là những môn thể thao cũng một thời độc quyền của đàn ông.
Ở huyện Tiên Yên, phụ nữ lại tham gia đua thuyền. Trong khi, ở nhiều huyện thị có biển khác, môn thi này đa số là đàn ông tham gia, phụ nữ chỉ đóng vai trò là những người cổ vũ trên bờ. Xã Tiên Lãng (Tiên Yên) cũng có đội đua thuyền nữ. Tiên Lãng vốn nổi tiếng với làng chài Thủy Cơ, có nhiều gia đình lấy thuyền làm nhà. Do cuộc sống mưu sinh, nên nhiều phụ nữ cũng phải hàng ngày cùng chồng bồng bềnh trên biển kiếm sống và họ rất giỏi chèo thuyền.
Năm nay, vào dịp tháng 8, huyện Tiên Yên sẽ tổ chức Lễ hội đua thuyền huyện Tiên Yên 2022 trên sông Tiên Yên giữa các xã trên địa bàn, dự kiến có rất nhiều phụ nữ tham gia. Riêng xã Đồng Rui (Tiên Yên) đến tháng 9 tới, địa phương tổ chức đua thuyền riêng giữa các thôn của xã với nhau. Trong Hội đua thuyền Tiên Yên năm 2020, thôn Đồng Rui tham gia 3 đội thì 2 đội là nữ. Sở dĩ, các cô gái Đồng Rui lại mạnh mẽ như vậy do công việc của họ hàng ngày gắn liền với khai thác hải sản trong rừng ngập mặn và bãi triều. Đồng Rui có 2.500ha rừng ngập mặn, dưới các tán rừng là những vựa hải sản khổng lồ như ngao, vạng, ngán, cáy, sá sùng, là nguồn thu hoạch của người dân trong xã. Công việc bắt hải sản dưới tán rừng ngập mặn đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và thường là phụ nữ chiếm ưu thế hơn. Để khai thác có hiệu quả, chị em sắm thuyền mủng, rồi chèo theo các con lạch để di chuyển được nhanh, chở hải sản mà họ đã đánh bắt được trong ngày nên rất nhiều phụ nữ chèo thuyền giỏi.
Vậy là người phụ nữ từ công việc mưu sinh hàng ngày, giúp họ sống mạnh mẽ hơn và từ đó trở thành những người phụ nữ năng động của xã hội.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()