Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:15 (GMT +7)
"Không cửa" trong giải quyết thủ tục hành chính
Thứ 5, 10/11/2022 | 10:29:20 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi, tỉnh tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để xây dựng cơ chế “không cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn.
CCHC được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển KT-XH. Với quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền điện tử, trong đó, tập trung ứng dụng CNTT vào công tác CCHC; triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sâu rộng tại tất cả các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.806 dịch vụ công, trong đó 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.429 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công cấp huyện và 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được tích hợp với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống giám sát, đánh giá tự động của Văn phòng Chính phủ để giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng xây dựng và áp dụng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia là 1.223 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Đặc biệt, để hiện thực hóa cơ chế “không cửa” trong giải quyết TTHC, từ 1/6/2022, tỉnh đã thí điểm triển khai số hóa và bóc tách dữ liệu trong 5 ngành, lĩnh vực trọng điểm; từ ngày 1/7, tỉnh tiếp tục triển khai nội dung này đối với 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Đến nay, công tác số hóa, bóc tách dữ liệu và thực hiện 5 bước trên môi trường điện tử đối với các dịch vụ công trực tuyến đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 80% dịch vụ công trực tuyến tỉnh cung cấp có phát sinh hồ sơ. Tính trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 300.000 hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến trên tổng số gần 430.000 hồ sơ (đạt tỷ lệ 70%); riêng quý III/2022, tỷ lệ này đạt 75%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng và trước hạn trong 9 tháng qua đạt trung bình gần 98%.
Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), hiện đã có 20 dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến với tỷ lệ hơn 67%. Trong đó có nhiều dịch vụ công đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao, như: Thủ tục đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân (100%); thủ tục cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V) (100%); thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng (trên 99%); các dịch vụ khai sinh, khai tử, kết hôn (đạt trên 80%)...
Để triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã hoàn thành tích hợp chữ ký số, sim ký số và dịch vụ ký số công cộng trên Cổng dịch vụ công; tích hợp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại 100% các bước xử lý giải quyết hồ sơ TTHC; hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với 6 Hệ thống giải quyết TTHC của các bộ, ngành: Tư pháp, kế hoạch và đầu tư, Tổng Công ty Bưu điện và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ ngày 30/8/2022, tỉnh cũng đã hoàn thành kết nối, khai thác sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Xác định dịch vụ công trực tuyến nhằm mục đích phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh hết sức chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đưa dịch vụ công trực tuyến đi sâu vào đời sống KT-XH. Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, cho biết: Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, để người dân, doanh nghiệp được hưởng những lợi ích thiết thực của công tác CCHC và chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai tuyên truyền trên các kênh thông tin như cổng thông tin và trang dịch vụ công trực tuyến, trang fanpage, zalo của Trung tâm. Trong đó, đặc biệt tập trung tuyên truyền về tiện ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán điện tử, chuyển đổi số, số hóa hồ sơ TTHC...
Cùng với đó, nhiều mô hình, sáng kiến trong cải cách TTHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng đã và đang được triển khai áp dụng, như: “Ứng dụng Zalo trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”, “Hoàn thiện quy trình ứng dụng biên lai thu phí, lệ phí điện tử trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”, “Ứng dụng mã QR trong niêm yết, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận Tiếp nhận trả kết quả hiện đại cấp xã”, “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()