Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:17 (GMT +7)
Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
Thứ 3, 17/05/2022 | 07:16:24 [GMT +7] A A
Với bờ biển dài trên 250km, 40.000ha bãi triều, trên 2000 đảo lớn nhỏ,... là lợi thế lớn cho Quảng Ninh phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, song hành với đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển, hải đảo, tỉnh tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Quảng Ninh đã kiện toàn bộ máy quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; ban hành chính sách khuyến khích thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển; chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lồng ghép các mục tiêu, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phương án phát triển kinh tế biển và sử dụng không gian biển tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2050... Ngoài việc quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo, tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp kịp thời, tăng cường năng lực ứng phó trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện dự án quy hoạch hành lang bảo vệ bờ biển. Đến nay, các sản phẩm của dự án đã cơ bản được hoàn thiện (Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh kèm theo Tập danh mục và bản đồ các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỷ lệ 1/25.000; Bản đồ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm tỷ lệ 1/25.000; Bản đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỷ lệ 1/10.000...)
Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó khắc phục sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu được cấp, ngành chú trọng. Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, địa phương ven biển tăng cường quan trắc, kiểm soát môi trường vùng biển để theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời.
Mạng điểm quan trắc hiện trạng môi trường của tỉnh đối với nước biển ven bờ có 99 vị trí quan trắc định kỳ chủ động và 07 trạm quan trắc tự động; đối với môi trường trầm tích có 44 vị trí quan trắc định kỳ. Tỉnh đã rà soát, thống kê các nguồn thải ven biển, trên biển. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên đều đã được yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Tất cả các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động khí thải - bụi. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 139 trạm quan trắc môi trường tự động có khả năng truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Sở đã chính thức tiếp nhận và sử dụng dữ liệu của 104 trạm. Trong đó có 10 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh, 37 trạm quan trắc khí thải, 8 trạm nước mặt và nước biển, 49 trạm nước thải tại nguồn.
Để nâng cao hiệu quả quản lý phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, trong đó giao Sở TN&MT phụ trách công tác ứng phó sự cố môi trường (bao gồm cả ứng phó sự cố tràn dầu). Trên cơ sở quy định pháp luật, Sở TN&MT đã ban hành các văn bản hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các cảng, dự án ngoài khơi, các tàu chở dầu và các loại tàu khác gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định. Hầu hết các đơn vị có hoạt động xăng dầu trên địa bàn đã có ý thức quan tâm, chú trọng đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và đào tạo tập huấn cho cán bộ nhân viên các kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu chủ động theo phương châm 4 tại chỗ. Do vậy, dù trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 sự cố tràn dầu nhưng đã được các đơn vị liên quan tiến hành ứng phó kịp thời, xử lý, khắc phục triệt để không để ảnh hưởng tới môi trường khu vực.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, tất cả các tàu du lịch trên địa bàn đều bắt buộc lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị. Nhiều giải pháp quyết liệt trong bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã được triển khai, như chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ, di dời các nhà bè trên vịnh...
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hoạt động kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, phát triển kinh tế biển bền vững.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()