Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 17:42 (GMT +7)
Kỳ bí ngôi chùa dưới chân núi chứa cổ vật vạn năm
Thứ 3, 23/05/2023 | 17:06:23 [GMT +7] A A
Nằm giữa vùng núi non trùng điệp, chùa Thánh Quang (còn gọi là chùa Nhẫm Dương) - chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam ở phường Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) chứa đựng nhiều điều kỳ bí về lịch sử, văn hoá từ cách đây hàng vạn năm mà ít nơi nào sánh được.
Những ngọn núi nghiêng mình về chốn tổ
Chùa Nhẫm Dương nằm tựa vào dãy núi cùng tên. Ngôi chùa ẩn mình giữa bạt ngàn cây cối xanh tươi quanh năm cùng một quần thể hang động kỳ thú hiếm có. Xung quanh ngôi chùa này, người ta đã phát hiện ra hàng chục hang động lớn nhỏ với những cái tên như Thánh Hoá, Tĩnh Niệm, Tối, Bò Lê, Ma, Mạt, Thung Xanh, Chuông, Trống, Luồn… Quần thể núi non trùng điệp cùng hệ thống hang động nơi đây bao quanh ngôi chùa, chạy dài tựa thế “rồng uốn, voi phục” tiếp nối hài hoà tới tận Mạo Khê, Đông Triều, thông với dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh). Phía trước ngôi chùa có hàng chục núi đá, đồi, mô nhấp nhô. Điều đặc biệt là ngọn của chúng đều nghiêng về phía chùa Nhẫm Dương. “Rất nhiều thầy địa lý giỏi từng tới đây và cùng có chung một nhận xét linh khí nơi này tụ rất dày, hiếm có. Điều này cũng giải thích vì sao xưa kia sư tổ lại chọn nơi này để làm nơi dựng chùa tu hành”, ni sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương nói.
Theo nhiều tư liệu lịch sử, chùa Nhẫm Dương được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ 13), tôn tạo vào thời hậu Lê, Nguyễn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa và hệ thống các hang động xung quanh đã trở thành căn cứ cách mạng, cất giấu vũ khí, lương thực của bộ đội… Ngôi chùa này buộc phải tiêu thổ để phục vụ kháng chiến sau khi bị địch phát hiện. Năm 1954, nhân dân, phật tử địa phương dựng lại chùa bằng tranh tre, nứa lá. Năm 1960-1961, hoà thượng Thích Vô Vi về trụ trì đã cùng phật tử, nhân dân xây dựng ngôi Bảo điện tạm thời theo kiểu chữ “Đinh” bằng vật liệu chủ yếu là đá, vôi, mái lợp tre, ngói đỏ. Năm 1996, chùa Nhẫm Dương xuống cấp nghiêm trọng, ni sư Thích Diệu Mơ đã đứng lên vận động phật tử xa gần phát tâm xây dựng lại trên nền đất cũ. Hiện chùa có quy mố khá bề thế với kiến trúc nhà chữ Công thuần Việt gồm 5 gian tiền đường, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung. 5 gian tiền đường thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm), thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam) và thiền sư Tông Diễn (đệ nhị tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam). Ngoài ngôi chính điện, trong khuôn viên chùa Nhẫm Dương còn có nhà thờ tổ, vườn tháp, vườn mộ…
Không chỉ được bao bọc bởi hệ thống núi đá, hang động, chùa Nhẫm Dương còn được phủ xanh bởi gần 250 loại thực vật khác nhau. Tại đây vẫn còn nhiều loài thú tự nhiên sinh sống, trong đó đáng chú ý là đàn khỉ lên tới hơn 30 con vẫn đang được ni sư Thích Diệu Mơ chăm sóc, bảo tồn.
Lễ hội chùa Nhẫm Dương hằng năm diễn ra từ ngày 5-7.3 âm lịch nhằm tưởng niệm ngày Thánh tổ Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn. Lễ hội có nhiều nghi lễ đặc sắc như rước nước, dâng hương tưởng niệm, cầu quốc thái dân an, đàn Mông Sơn thí thực. Phần hội có giải cờ tướng, các trò chơi dân gian và giao lưu văn nghệ...
Ngày 29.10.2003, chùa Thánh Quang được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Ngày 22.12.2016, cùng với quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Những hiện vật hiếm có
Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi về chùa Nhẫm Dương đã không khỏi kinh ngạc về những phát hiện khảo cổ học tại đây. Tại nhà thờ tổ ngôi chùa này đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài liên tục suốt thời hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những hiện vật đó gồm nhiều loại di cốt, hoá thạch của người, động vật, đồ đá thời nguyên thuỷ đến đồ đồng thời Đông Sơn, đồ gốm, tiền cổ… Các nhà khảo cổ học đánh giá chùa Nhẫm Dương là một “kho tàng khảo cổ học”. Tại Việt Nam, rất ít địa điểm khảo cổ học có giá trị đặc biệt như ở ngôi chùa này.
Ni sư Thích Diệu Mơ là người phát hiện ra những hiện vật khảo cổ học đầu tiên tại chùa Nhẫm Dương. “Đó là một sự tình cờ. Từ năm 1999-2000, trong quá trình đào động Tĩnh Niệm để tìm tượng phục vụ việc trùng tu, tôn tạo chùa theo lời căn dặn của sư trụ trì đi trước, tôi thấy có nhiều răng to, nhỏ bám chi chít vào vách đá. Tôi nghĩ đây là răng bộ đội nên thu gom định làm lễ cầu siêu. Lúc cuốc đất vườn cũng phát hiện nhiều tiền cổ, đồ gốm, dụng cụ thời xưa… ”, ni sư Thích Diệu Mơ nhớ lại.
Các cuộc thám sát, khai quật, nghiên cứu tại chùa Nhẫm Dương đã được Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành ngay sau đó với sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ học nổi tiếng Việt Nam
Chỉ tính riêng tại động Thánh Hoá, trong một thời gian ngắn, các nhà khảo cổ đã phát hiện và nghiên cứu 471 mẫu hoá thạch xương, răng của người và động vật. Dựa trên quần cư động vật, trầm tích và vị trí hang, nhóm nghiên cứu của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh ước đoán niên đại của các hoá thạch ở Nhẫm Dương thuộc hậu kỳ Cánh Tân, có khả năng từ khoảng 50.000 đến 30.000 năm trước. “Trời ơi! Răng pongo! PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã vui mừng hét toáng lên khi tôi đưa cho ông ấy chiếc răng hoá thạch của đười ươi. Có 3 vị khách nước ngoài cũng đến đây mê mẩn với những hiện vật trưng bày tại chùa”, ni sư Thích Diệu Mơ kể.
PSG.TS Nguyễn Lân Cường nhớ thời điểm khai quật tại động Thánh Hoá, ông còn tìm thấy một đoạn hàm dưới của tê giác, trên đó vẫn còn 1 chiếc răng. Theo ông, thường trong các di chỉ khảo cổ học thời Cánh Tân (Pleistocene) chỉ tìm được răng tê giác hoá thạch, chưa bao giờ tìm được cả một đoạn hàm như ở chùa Nhẫm Dương. Ngoài ra, trong hang còn tìm thấy răng của voi Ấn Độ, gấu, ngựa, khỉ, nhím, beo, lợn rừng, hươu, nai, trâu. “Tháng 7.2003, tôi trở lại chùa thì thầy Mơ lại khoe vừa tìm thấy thêm một ít hoá thạch mới, trong đó có 2 chiếc răng người có cách đây khoảng 3 vạn năm - một báu vật mà tôi chờ đợi bấy lâu”, ông Cường nhớ lại.
Tại di tích chùa Nhẫm Dương, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số hiện vật thời hậu kỳ đá mới - sơ kỳ thời đại kim khí. Đó là những loại đồ đá có kích thước lớn, những chiếc rìu, bôn hoặc cuốc đá có vai hình tứ giác. Những loại đồ đá này đã được ghè đẽo tạo hình còn thô. Năm 1999, khi bắn mìn phá đá tại khu vực Trung Thóc, hang Giữa, công nhân và nhân dân địa phương đã tìm được nhiều hiện vật đá như rìu, đục, hòn nghè, bàn mài, lõi khoan. Có thể thấy các dấu tích văn hoá Kinh Môn thời ấy hoặc thuộc vùng phân bố của văn hoá Hạ Long hoặc là một vùng văn hoá chịu ảnh hưởng đậm của văn hoá Hạ Long.
Các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra rìu gót vuông có trang trí hình hai người múa, chó săn, hai con hươu và hoa văn hình học Đông Sơn. Các loại rìu xéo gót vuông và gót tròn, gót nhọn, rìu đồng hình chữ nhật, rìu xèo cân, mai đồng, giáo đồng, qua đồng, thạp đồng, chuông đồng, dao đồng, giáo đồng, đồ đựng bằng đồng như rùi xéo, vòng đồng, muôi đồng, gương đồng.
Qua các hiện vật khảo cổ, có thể bước đầu phác hoạ đôi nét về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ ở Kinh Môn cách đây khoảng 4.000 năm, qua các di vật đá, di cốt, đồ gốm có thể thấy đây đã là một trung tâm tụ cư của người nguyên thuỷ. Người nguyên thuỷ thời ấy đã biết khai hoang lập ấp bằng rìu đá, biết đến đun nấu bằng nồi gốm thô. Đến văn hoá Đông Sơn, đời sống nơi đây có sự chuyển biến vượt bậc. Trong hơn 2.000 năm, thư tịch cổ Việt Nam cho biết vùng đất Kinh Môn thuộc bộ Dương Tuyền của các vua Hùng và nước Văn Lang. Đây là nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Nhà nước này dựa trên nền tảng vật chất là nền văn hoá Đông Sơn. Qua các di vật thời Đông Sơn có thể thấy cư dân đã biết đến nông nghiệp trồng lúa nước bằng cách khai phá đất đai bằng cuốc, mai, rìu đồng, rìu đá. Họ cũng là người săn bắn giỏi. Việc săn bắn có thêm trợ thủ đắc lực là chó nhà như hình ảnh chó săn hươu trên rìu đồng gót vuông, các loại giáo đồng, qua đồng. Khi có chiến tranh, họ cũng sử dụng các loại vũ khí này để chiến đấu. Họ biết đeo vòng đồng, biết đến âm nhạc như đánh chuông. Họ còn có thạp đồng để đựng đồ quý như thóc giống, biết nấu ăn bằng nồi gốm thô, dùng gương đồng để trang điểm. Trên một chiếc rìu xéo, một mặt có hình hươu, một mặc có hình bồ nông. Đây là những hoa văn rất đẹp và ít thấy trên đồ đồng Đông Sơn.
Chùa Nhẫm Dương cũng đang lưu giữ một bộ sưu tập tiền cổ hiếm có. Qua một số lần khai quật, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã nghiên cứu 728 đồng tiền với 120 loại khác nhau của 4 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Lào. Bộ sưu tập tiền cổ tại đây có một số đồng tiền quý hiếm chưa từng thấy công bố trong các sách về tiền cổ của Việt Nam như Thiên Phù Nguyên Bảo thời Lý Nhân Tông, Đoan Khánh thông bảo thời Lê Uy Mục, Trí Pháp Thông Bảo (là loại tiền chùa, chưa từng phát hiện được ở đâu)... Tiền cổ Trung Quốc cũng có một số đồng hiếm gặp như Thiệu Hy Nguyên Bảo thời Nam Tống, Hồng Hoá Thông Bảo thời cuối Minh. Tiền “Lát” của Lào (thế kỷ thứ 14), tiền Nhật Bản (thế kỷ 17) đều là các loại tiền hiếm trong các di chỉ khảo cổ học Việt Nam. “Trong bộ sưu tập tiền cổ ở đây có đủ tiền đồng Việt Nam phong phú, niên đại trải dài từ thời Lý cho đến thời hiện đại là một trong những sưu tập tiền hiếm trong lịch sử khảo cổ học tiền tệ Việt Nam. Với việc phát hiện 4 loại tiền của 4 nước tại đây thì có thể trước kia nơi đây là một nơi buôn bán, thương cảng vì xung quanh khu vực này có rất nhiều con sông lớn”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định.
Chùa Nhẫm Dương cũng đang lưu giữ một bộ sưu tập phong phú về đồ đất nung, trong đó có những đồ vật được làm từ thế kỷ thứ 1. Ngoài ra, ngôi chùa này cũng lưu giữ một lượng lớn đồ gốm trải dài từ thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ 20, được phát hiện trong quá trình tôn tạo chùa, chủ yếu được tìm thấy trong các hốc đá, ngách đá, dưới nền các hang động và khu vực vườn chùa. Tại đây có ít nhất hơn 700 hiện vật đồ gốm đã được các nhà khảo cổ nghiên cứu như nồi, bát, đĩa, âu, ấm đầu gà, bình hình con tiện, nắp vung, hũ, vò… Những đồ gốm khoảng thế kỷ thứ 1-3 khá phong phú đã nói lên từ xa xưa, Kinh Môn có thể là nơi tập kết mua bán đồ gốm, trên cơ sở đó có một cảng sông hình thành ở đây. Bởi đây cũng là thời kỳ hình thành việc buôn bán Đông - Tây qua con đường biển Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, từ thế kỷ 13-15, đồ gốm cuối thời Lý, thời Trần, thời Hồ khá nguyên vẹn, đồ gốm Trung Quốc thời Nguyên... tiếp tục phản ánh đây là cửa ngõ ra vào buôn bán sầm uất trong nhiều thế kỷ… “Sưu tập gốm hay các hiện vật khác ở chùa Nhẫm Dương là hiện tượng hy hữu có được trong một ngôi chùa cổ từng tồn tại từ thế kỷ 13 cho tới ngày nay”, tiến sĩ Trần Anh Dũng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định.
Các cuộc thám sát điền dã, khai quật của các chuyên gia tại di tích chùa Nhẫm Dương đều khẳng định các di chỉ khảo cổ học ở đây rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá quốc gia mà còn mang ý nghĩa quốc tế, rất cần được bảo vệ, khai quật để nghiên cứu những giá trị đặc biệt của khu di tích này.
Xây dựng bảo tàng khảo cổ học
Những năm gần đây, Hải Dương nói chung, thị xã Kinh Môn nói riêng đã tranh thủ tối đa mọi nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt của khu di tích Nhẫm Dương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chùa Nhẫm Dương để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã Kinh Môn đã cơ bản thi công nâng cấp, cải tạo đường nối trung tâm phường Duy Tân đi Tân Dân và khu di tích Nhẫm Dương với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công - ngân sách thị xã… Các hoạt động khai thác đá tại khu vực này cũng đã được nghiêm cấm. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo tồn, gìn giữ phát huy những giá trị di tích lịch sử, văn hoá của khu di tích này được thực hiện thường xuyên.
Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh, địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Trong đó, cụm di tích Nhẫm Dương sau khi quy hoạch có diện tích 344,6 ha. Tại cụm di tích này, theo dự kiến quy hoạch một khu giảng đường Phật học phía trước bên hữu nội tự phục vụ việc nghiên cứu, thuyết pháp Phật phái Tào Động. Đồng thời, xây dựng một bảo tàng khảo cổ học tại phía tây và tây bắc núi Nhẫm Dương làm nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật khảo cổ học. Bảo tàng này sẽ liên thông, đan xen với không gian bên ngoài giúp nhân dân, du khách có thể dễ dàng tham quan, nghiên cứu.
Khu vực núi Nhẫm Dương từng có hệ thống động thực vật phong phú. Vì vậy, trên đỉnh và sườn phía nam của núi sẽ quy hoạch khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, động thực vật. Những vị trí sườn núi bị khai thác đá trước đây sẽ được phục hồi cảnh quan, tạo lập nghiên cứu sinh học, cứu hộ động vật của địa phương cũng như khu vực. “Cụm di tích Nhẫm Dương khi được hoàn thiện đồng bộ sẽ phát huy tối đa giá trị, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Huyền nhận định.
Theo Báo Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()