Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:18 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12: HĐND tỉnh nghe báo cáo, tờ trình
Thứ 4, 07/12/2022 | 08:56:43 [GMT +7] A A
Ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV đã nghe các báo cáo, tờ trình, dự thảo các nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới"
Trong báo cáo, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Kế thừa thành quả giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” 2 năm liên tiếp (2020 - 2021), năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Ước cả năm đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng đã giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 56.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Xác định năm 2023 là năm có tính bản lề, có ý nghĩa quan trọng để góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và cũng là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, tỉnh đã đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu mới cho phát triển KT-XH năm 2023.
Trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, toàn tỉnh cần phải tập trung cao độ cho những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023 như sau: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: “Niềm tin của cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh tiếp tục được củng cố, trở thành sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn, thách thức”
Thông báo kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ tỉnh năm 2022 và những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh:
Năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động, linh hoạt triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt là trong thực hiện công tác GPMB, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và từng địa phương; tổ chức thành công kỳ bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt trên 98,2%, 100% trưởng thôn, bản, khu phố trúng cử Bí thư chi bộ theo phương châm “Dân tin, Đảng cử”; tổ chức thành công ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại 1.452 khu dân cư trên địa bàn tỉnh…; phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả của đại dịch; xây dựng NTM, đô thị văn minh; thực hiện chuyển đổi số toàn diện… Qua đó, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giữ vững đà tăng trưởng ổn định QP-AN và phát triển KT-XH.
Trong năm, MTTQ đã huy động các nguồn xã hội hóa đạt 15,9 tỷ đồng, triển khai hỗ trợ, giúp đỡ xây mới và sửa chữa 318 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương; huy động và trao 210.421 suất quà Tết với tổng số tiền và giá trị hiện vật trên 99,7 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người nghèo.
Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ đã phối hợp tổ chức 53 hội nghị trực tiếp và kết hợp trực tuyến để Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri; duy trì tổ chức họp 3 bên để thống nhất giải quyết. Đồng thời, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tham gia có trách nhiệm các buổi tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh và các buổi đối thoại giải quyết đơn thư, hòa giải trước tòa các vụ khởi kiện hành chính khi được mới cụ thể. Các tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải trên 1.200 vụ việc, với 84% vụ việc hòa giải thành công; giám sát và phản biện xã hội được tăng cường, có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. MTTQ các cấp cũng phát huy tốt vai trò trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Qua nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, trong năm 2022, cử tri và nhân dân toàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như: Quản lý Nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng; kinh tế, ngân sách; chính sách đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; các vấn đề về bảo hiểm, y tế, giáo dục, lao động việc làm… Liên quan đến những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, kiến nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành xem xét, tiếp tục có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Huy Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh: "Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội"
Năm 2022, tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đã được tăng cường kiểm soát. VKSND hai cấp của tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát thụ lý mới 1.472 vụ/2.729 bị can, giảm 25 vụ (1,6%)/90 bị can (3,1%) so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý là năm 2022 không có tội phạm về an ninh quốc gia. Tội phạm về trật tự xã hội khởi tố 441 vụ/1.086 bị can, giảm 43 vụ/128 bị can so với năm 2021. Tội phạm về kinh tế, sở hữu, môi trường, khởi tố 350 vụ/456 bị can, giảm 20 vụ/84 bị can so với năm 2021. Tuy nhiên một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như: Tội phạm về ma túy, khởi tố 667 vụ/1.135 bị can, tăng 31 vụ/98 bị can; tội phạm công nghệ cao, khởi tố 60 vụ/ 79 bị can, tăng 7 vụ/ 5 bị can.
Trong năm 2022, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra án hình sự được tăng cường, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên, 100% án giải quyết đúng pháp luật, không có trường hợp nào oan, sai hoặc đình chỉ do không phạm tội, Tòa án tuyên không phạm tội. Qua kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành 748 kiến, kháng nghị, góp phần đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện “Mục tiêu kép" của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng hiệu quả, thể hiện rõ vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát; là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình mới về đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo hướng gắn kết lâu dài, định hướng nghề nghiệp, xóa nghèo bền vững.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán... phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhất là đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là UBND cấp cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, VKSND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội là nhiệm vụ trọng tâm cốt yếu, tích cực, chủ động phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm. Đồng thời, đổi mới phương thức kiểm sát các hoạt động tư pháp, trọng tâm là khâu công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, nhằm nâng chất hoạt động của các khâu công tác này, chỉ kết luận đúng nội dung, số lượng vụ việc đã tiến hành kiểm sát để phản ánh đúng, thực chất các hoạt động kiểm sát…
Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Hoàng Văn Tiền: “Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là án điểm; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.”
Trong báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh, Chánh án TAND tỉnh Hoàng Văn Tiền nhấn mạnh, công tác xét xử của TAND hai cấp của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Về công tác giải quyết, xét xử các loại án, năm 2022, TAND hai cấp đã thụ lý tổng số 5.480 vụ, việc (giảm 1.008 vụ, việc so với cùng kỳ); đã giải quyết, xét xử 4.400 vụ, việc, (đạt 80,2%); số vụ, việc còn lại Tòa án mới thụ lý đều trong hạn giải quyết. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong đó, về các vụ án hình sự, TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 1.650 vụ, 3.290 bị cáo (giảm 11 vụ so với cùng kỳ); đã giải quyết, xét xử 1.446 vụ, 2.920 bị cáo. Năm 2022, nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc xác định án điểm của ba ngành tiến hành tố tụng để khẩn trương điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đối với những vụ án về tội phạm giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tải sản, các vụ án về tham nhũng, chức vụ... Công tác xét xử các vụ án hình sự của TAND hai cấp đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm. Qua công tác xét xử án hình sự của Tòa án đã góp phần tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về kết quả giải quyết, xét xử các vụ, việc hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, TAND hai cấp đã thụ lý 3.830 vụ, việc (giảm 998 vụ, việc so với cùng kỳ); đã giải quyết, xét xử 2.954 vụ, việc (đạt 77%, giảm 4% so với cùng kỳ). Quá trình giải quyết, xét xử các vụ, việc luôn chú trọng công tác hòa giải, đối thoại; tỷ lệ các vụ, việc hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 59%.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện tốt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ, việc đã thụ lý; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu công tác đề ra. Làm tốt công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bảo đảm xét xử khách quan, đúng pháp luật, không xét xử oan, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa xét xử trực tuyến; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và UBND các địa phương. Cùng với đó quyết tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức Tòa án.
Ngành Tòa án cũng sẽ tập trung làm tốt công tác chuyên môn gắn với nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt việc công khai các bản án, áp dụng án lệ trong công tác xét xử; cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức. Triển khai thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2022. Đồng thời quyết tâm “Xây dựng TAND xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin".
Tại Kỳ họp, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các cơ quan chức năng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, UBND các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tổ hòa giải cơ sở để hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời hạn chế các khiếu kiện phát sinh trong cộng đồng dân cư, tránh việc đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp...
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đinh Khắc Khang: "Công tác thi hành án dân sự tại tỉnh đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của ngành thi hành án dân sự tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đinh Khắc Khang nhấn mạnh: Công tác thi hành án dân sự tại tỉnh trong năm 2022 đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Kết quả thi hành án dân sự năm 2022 toàn tỉnh về việc đạt tỷ lệ 85,16%, về tiền đạt tỷ lệ 50,82% (vượt chỉ tiêu cấp trên giao). Các mặt công tác khác được quan tâm, chú trọng và được triển khai thực hiện hoàn thành tốt. Kết quả đạt được đã góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên thì công tác thi hành án dân sự của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: Còn có những vụ việc thi hành án vẫn để tồn đọng chưa tổ chức thi hành dứt điểm; quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn chấp hành viên để xảy ra thiếu sót, vi phạm.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023, Cục thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác tư pháp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính giai đoạn 2022-2026...; tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành triệt để các vụ việc thi hành án về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc còn tồn đọng từ 1 năm trở lên chưa thi hành xong; các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, vụ việc có số tiền phải thi hành lớn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, bảo đảm theo dõi đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án. Kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chây ỳ, trốn tránh không tự nguyện thi hành án. Cục thi hành án dân sự tỉnh phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao.
Đồng chí Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính: “Trong quá trình điều hành dự toán thu NSNN phải phấn đấu tăng thu thuế, phí ở mức cao nhất để có nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh”
Đồng chí Giám đốc Sở Tài Chính đã trình bày các tờ trình: (1) Đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2022; Phương án giao dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2023; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025. (2) Tờ trình về việc phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021. (3)Tờ trình hỗ trợ các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2022-2026.
* Thông tin đánh giá về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2022, tờ trình nêu rõ, tổng thu ước thực hiện cả năm đạt 56.500 tỷ đồng (bằng 124% dự toán Trung ương giao, bằng 107% dự toán tỉnh giao, bằng 108% cùng kỳ). Tổng chi NSĐP ước thực hiện cả năm đạt 28.528 tỷ đồng (bằng 99% dự toán, bằng 107% cùng kỳ).
Trong năm 2023, dự toán thu NSNN Trung ương giao là 53.062 tỷ đồng. Tỷ lệ (%) phân chia cho ngân sách địa phương đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giảm từ 56% xuống 51%, dẫn đến số thu ngân sách địa phương được hưởng giảm khoảng 900 tỷ đồng. Trên cơ sở tỷ lệ điều tiết 51%, dự toán chi ngân sách địa phương, Trung ương giao là 31.833 tỷ đồng (Chi đầu tư phát triển là 13.390 tỷ đồng; chi thường xuyên là 16.470 tỷ đồng).
Dự toán thu NSNN năm 2023 UBND tỉnh trình HĐND là 54.000 tỷ đồng, trong quá trình điều hành dự toán thu NSNN phải phấn đấu tăng thu thuế, phí ở mức cao nhất (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025) để có nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh). Dự toán chi NSĐP năm 2023 là 31.961 tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 13.200 tỷ đồng; chi thường xuyên năm là 16.470 tỷ đồng (bằng 100% dự toán Trung ương giao, bao gồm số chi để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm khác của tỉnh là 2.846 tỷ đồng).
Về cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2023 sẽ có một số điểm mới như sau:
Đối với thu NSNN, thực hiện điều chỉnh giảm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia 5 sắc thuế giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, phần ngân sách địa phương được hưởng từ 56% xuống 51% và điều chỉnh tỷ lệ điều tiết một số khoản thu giữa ngân sách cấp huyện và cấp xã trên địa bàn. Từ năm 2023 chấm dứt việc thu tiền thuê đất 1 lần, chỉ thực hiện thu tiền thuê đất 1 lần đối với các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, dự án đã có quyết định, chủ trương của cấp có thẩm quyền cho phép thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê. Chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất tỉnh giao là mức tối đa, số vượt thu dự toán tỉnh giao sẽ được điều tiết về ngân sách tỉnh để cân đối cho chi đầu tư xây dựng, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Đối với số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 1 lần (trừ tiền thuê đất hằng năm) từ các dự án trọng điểm tại Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh và các dự án mà tỉnh đã bỏ vốn đầu tư GPMB, xây dựng hạ tầng tạo nên quỹ đất khi thực hiện giao đất, đấu thầu, đấu giá thì toàn bộ số thu đó được điều về ngân sách tỉnh để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh.
Đối với chi ngân sách địa phương, từ năm 2023, điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề (bình quân tăng 5-7 triệu đồng/định biên, người/năm) đảm bảo tỷ lệ giữa tiền lương và chi khác); điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động theo biên chế công chức (cấp huyện tăng từ 15-24/triệu đồng/người/năm; cấp xã tăng 12 triệu đồng/người/năm), viên chức và người lao động cấp huyện, cấp xã (tăng từ 7-10 triệu đồng/người/năm); định mức chi sự nghiệp môi trường khu vực nông thôn (tăng 70.000 đồng/ người ở khu vực nông thôn). Bổ sung mức chi cho hỗ trợ hoạt động thường xuyên của thôn, bản, khu phố (10 triệu đồng/thôn, khu).
Từ năm 2023, ngân sách nhà nước bố trí dự toán chi sửa chữa, bảo trì thường xuyên tài sản cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, thay thế trang thiết bị phục vụ dạy và học cho trường, lớp học thuộc các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh với định mức phân bổ 100 triệu đồng/điểm trường lẻ và 250 triệu đồng/trường trung tâm. Chuyển nhiệm vụ chi đầu tư và thường xuyên của 177 trạm y tế xã từ ngân sách cấp huyện về ngân sách cấp tỉnh do sáp nhập về trung tâm y tế huyện.
NSNN đảm bảo tiền công, tiền lương và hoạt động thường xuyên khác theo chế độ, chính sách cho đối tượng hợp đồng 68 tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công (không có nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên).
Trên cơ sở cân đối, tỉnh xem xét hỗ trợ các địa phương có nhiệm vụ đầu tư nâng cấp đô thị (Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn,...) và hỗ trợ tối đa không quá 100% chi phí xây lắp trụ sở Công an xã trên cơ sở hồ sơ dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt cho một số địa phương có khó khăn về khả năng cân đối ngân sách (Đông Triều, Móng Cái) theo đề án được phê duyệt, phần còn lại ngân sách huyện chủ động cân đối, bố trí.
Đối với Kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm (2023-2025), tổng thu NSNS 3 năm (2023-2025) là 175.195 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 3 năm dự kiến là 103.622 tỷ đồng.
* Trong Tờ trình về việc phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021, đối với quyết toán thu NSNN năm 2021, tờ trình nêu rõ: Tổng thu NSNN là trên 63.753 tỷ đồng; tổng thu ngân sách địa phương là trên 45.895 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương là trên 43.481 tỷ đồng. Kết dư ngân sách địa phương năm 2021 là trên 2.400 tỷ đồng. Xử lý số kết dư này như sau: Trích Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh năm 2022 là gần 10.745 tỷ đồng; ghi thu ngân sách địa phương năm 2022 là trên 2.403 tỷ đồng
* Trình bày Tờ trình về hỗ trợ các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2022-2026, đồng chí Giám đốc Sở Tài Chính đã nêu rõ về đối tượng áp dụng Nghị quyết, nội dung và mức hỗ trợ trong Nghị quyết, quy định áp dụng hỗ trợ.
Trong đó, nội dung nổi bật là tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 50% sinh hoạt phí ngoài mức Trung ương quy định cho lưu học sinh Lào học tập tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ sẽ áp dụng cho lưu học sinh Lào đang học tập và nhập học từ năm 2022 đến hết năm 2026. Thời gian hỗ trợ tối đa 10 tháng/khóa học đối với lưu học sinh Lào học tiếng Việt và 4 năm/khóa học đối với lưu học sinh Lào đào tạo dài hạn hệ đại học. Việc hỗ trợ sẽ không áp dụng cho lưu học sinh Lào phải kéo dài thời gian học tập do không hoàn thành chương trình học trong thời gian quy định.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ kinh phí kiểm tra sức khỏe cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ của các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại cơ sở y tế công lập của tỉnh khi sang thăm, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT: “Điều chỉnh chủ trương đầu tư 13 dự án đầu tư công”
Trình bày tờ trình về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công và báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Kế hoạch đầu tư công năm 2023, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết:
Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh cáo cáo, trình HĐND tỉnh điều chỉnh 13 dự án, gồm:
- Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thành năm 2020-2023 với lý do để UBND TX Quảng Yên hoàn thành công tác GPMB và hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng 10,1ha đất trồng lúa đáp ứng đủ điều kiện triển khai thi công dự án.
- Dự án Đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tại KM6+700 đến đường tỉnh 338, thời gian thực hiện điều chỉnh thành năm 2020-2023 với lý do để chủ đầu tư hoàn thiện vị trí đổ thải, thủ tục khai thác, vận chuyển nguồn đất K98 còn thiếu hụt và UBND TX Quảng Yên hoàn thành công tác GPMB.
- Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2020-2023 với lý do để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục khai thác, vận chuyển nguồn đất K98.
- Dự án Cầu Cửa Lục 3, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2020-2023 với lý do để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục khai thác, vận chuyển nguồn đất đắp san lấp mặt bằng và các thủ tục về vị trí đổ thải.
- Dự án Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành 2019-2023 với lý do để TP hạ Long hoàn thành hạng mục xây kè, san lấp mặt bằng quỹ đất hoán đổi đất Quốc phòng.
- Dự án Xây dựng cầu thay thế đường tràn qua lối mở Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc), thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2021-2024 với lý do phía Trung Quốc chưa triển khai thực hiện do đang thực hiện chính sách Zero Covid.
- Dự án Hạ tầng kỹ thuật KKT Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu), thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2018-2023 với lý do để chủ đầu tư có cơ sở hoàn thiện các thủ tục để cấp mỏ khai thác đất đắp phục vụ san nền dự án.
- Dự án Hạ tầng khu tái định cư, khu hành chính tại xã Vạn Yên, Vân Đồn, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2021-2023 với lý do dự án điều chỉnh lại vị trí, địa điểm thực hiện.
- Dự án Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh, thời gian thực hiện điều chỉnh thành năm 2021-2023 với lý do ảnh hưởng dịch bệnh và thay đổi chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2018-2023 với lý do ảnh hưởng dịch bệnh và thay đổi chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế.
- Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, thời gian thực hiện dự án điều chỉnh thành năm 2018-2023 với lý do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ triển khai thi công gói thầu.
- Dự án Trường ĐH Hạ Long - Giai đoạn 2, tại cơ sở 1, Nam Khê, Uông Bí, thời gian thực hiện điều chỉnh thành năm 2018-2023 do vướng mắc liên quan đến thanh quyết toán hợp đồng.
- Dự án Hồ chứa nước Khe Giữa, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, thời gian thực hiện điều chỉnh thành năm 2018-2023 với lý do công tác GPMB khu vực bãi vật liệu khai thác đắp đập không đảm bảo tiến độ và ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều.
Về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, tổng kế hoạch chi đầu tư công đến ngày 30/11 là 17.166 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56% kế hoạch, nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 đạt 85%, nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến nguồn vốn dành cho chi đầu tư là 13.822,9 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách Trung ương 584,38 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 8.681,4 tỷ đồng; ngân sách huyện 4.557,1 tỷ đồng.
Đồng chí Bùi Thúy Phượng, Giám đốc Sở Nội vụ:
Trình bày tờ trình Đề nghị ban hành Nghị quyết về việc quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng nguời làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2023, Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thúy Phượng cho biết, năm 2022, các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc sẽ có sự thay đổi theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại khoản 3, Điều 8, Quyết định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, đó là: Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với chủ trương, quy định của Đảng.
Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Quyết định giao biên chế năm 2022 (chưa ban hành Quyết định giao biên chế năm 2023). Do đó, căn cứ quy định hiện hành về thủ tục, trình tự, thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND tỉnh (đến nay chưa sửa đổi, bổ sung); thực hiện Quyết định số 830-QĐ/TU ngày 2/12/2022 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc giao biên chế chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh năm 2023; để có cơ sở xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Trong đó, đề xuất giao biên chế công chức tổng số 2.422 biên chế; số lượng người làm việc 23.970 chỉ tiêu người làm việc; định biên sử dụng ngân sách nhà nước giao cho các hội 81 định biên cho 13 hội có tính chất đặc thù của tỉnh.
Đối với nội dung tờ trình về Đề nghị ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thúy Phượng nêu rõ: Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trong các cơ quan Đảng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh; đồng thời, hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; viên chức là bác sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực Y khoa, Y học dự phòng tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tờ trình đề nghị, đối tượng áp dụng gồm sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Đối với mức hỗ trợ đề nghị các trường hợp thu hút ngoài được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ còn được tỉnh hỗ trợ thêm hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng. Thời gian hưởng không quá 5 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, tiếp nhận.
Đối với chính sách ưu tiên, được ưu tiên xem xét quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn; được ưu tiên xem xét cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, tờ trình đề nghị đối tượng áp dụng đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II áp dụng đối với: Viên chức là giảng viên đang làm việc tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; viên chức là bác sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực Y khoa, Y học dự phòng tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh. Đào tạo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I áp dụng đối với viên chức là bác sĩ đang làm việc trong các lĩnh vực Y khoa, Y học dự phòng tại các Trung tâm y tế tuyến huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: "Dành sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho giáo dục mầm non dân lập, tư thục địa bàn có khu công nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh"
* Trong Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh, để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non (GDMN), UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển GDMN tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định mục tiêu quy hoạch phát triển 44 trường mầm non tư thục. Để đạt được mục tiêu trên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các nhà đầu tư, hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở GDMN tư thục. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển GDMN dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Nội dung chính sách hỗ trợ phát triển GDMN dân lập, tư thục sẽ quy định mức trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN đang học tại các cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, là 240.000 đồng/trẻ/tháng.
Mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ là 1.200.000 đồng/tháng/người.
Mức hỗ trợ 1 lần kinh phí trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở GDMN độc lập loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ là 50 triệu đồng/cơ sở.
Chính sách mới cũng sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT cho Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở GDMN loại hình dân lập, tư thục. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, nhưng không quá 5 năm liên tục.
Chính sách cũng sẽ quy định hỗ trợ lãi suất vay thương mại một lần cho nhà đầu tư có dự án xây dựng mới nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục, đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất từ mức độ 1 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức hỗ trợ tối đa 6%/năm/số dư nợ thực tế; hạn mức vay không quá 10 tỷ đồng/trường; thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.
Dự kiến tỉnh sẽ chi 1 lần 133 tỷ đồng và chi bình quân 33,7 tỷ đồng/năm để thực hiện chính sách mới này.
* Trong tờ trình quy định nội dung chi, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cũng đề cập đến việc bên cạnh các kỳ thi thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 69/2021/TT-BTC và Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND quy định mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi, ngành giáo dục tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi khác để nâng cao chất lượng giáo dục theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh sẽ đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, thuận tiện trong công tác quản lý, theo dõi, triển khai thực hiện công tác này.
Theo chính sách mới, ngoài quy định mức chi tiền công cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND sẽ có bổ sung thêm mức chi cho cộng tác viên thanh tra làm nhiệm vụ tại các kỳ thi.
Chính sách mới cũng sẽ quy định nội dung chi, mức chi để chuẩn bị, tổ chức, tham dự các cuộc thi, hội thi, bao gồm: Nội dung chi theo thực tế (thuê địa điểm, thuê phương tiện vận chuyển; thuê/mua trang phục, dụng cụ, thiết bị; mua văn phòng phẩm, vật tư, in ấn tài liệu, vật phẩm khen thưởng), khi thực hiện phải đảm bảo quy định của pháp luật về mua sắm, đấu thầu; khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn; nội dung chi, mức chi tiền công cho người tổ chức thi, tiền bồi dưỡng cho một số đối tượng tham dự, mức thưởng cho học sinh đoạt giải/huy chương.
Chính sách cũng quy định rõ trách nhiệm thực hiện và điều khoản áp dụng mở rộng. Theo quy định về nội dung chi, mức chi mới, kinh phí để tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi ở cấp tỉnh sẽ ở khoảng 23 tỷ đồng/năm.
Đồng chí Vũ Kiên Cường, Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”.
Trình bày tóm tắt Tờ trình quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Đó là xuất phát từ một số quy định mới ban hành của Trung ương trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 quy định UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cấp tỉnh quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Xuất phát từ yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác giảm nghèo; Đề án đảm bảo vững chắc QP-AN, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND tỉnh thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.
Về nội dung Nghị quyết, gồm 3 nội dung:
+ Thông qua Quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, với các nội dung về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguồn lực thực hiện chương trình (trong đó xác định tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện, xã; vốn huy động hợp pháp khác); nguyên tắc phân bổ nguồn lực; tỷ lệ đối ứng ngân sách cấp huyện; cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh; cơ chế lồng ghép nguồn vốn.
+ Quy định về chuyển tiếp đối với các nội dung đã được xác định tại Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh: Các nhiệm vụ, dự án đã được phân bổ kế hoạch vốn thì được tiếp tục bố trí vốn để thực hiện.
+ Quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình tổng thể gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình. Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lồng ghép nguồn vốn và việc thực hiện cơ chế huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Định kỳ báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm. Năm 2025 tổ chức tổng kết Chương trình, báo cáo HĐND tỉnh.
Giao HĐND và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phù hợp, cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện Chương trình. Hằng năm UBND cấp huyện báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hằng năm với UBND tỉnh.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 và Nghị quyết số 96/NQ-HDND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Dành kinh phí trên 36,6 tỷ đồng/năm để trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh”
Trong phần trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Sau một năm thực hiện, Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND đã thực sự đi vào cuộc sống. Hằng năm trên địa bàn tỉnh có trên 43.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay một số nội dung của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Một số đối tượng có cuộc sống khó khăn cần sự trợ giúp cần được bổ sung kịp thời.
Theo đó, sẽ nâng mức hưởng trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động theo quyết định công nhận hộ nghèo, được cấp có thẩm quyền phê duyệt lên bằng mức chuẩn nghèo (chiều thu nhập) theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ.
Nâng mức chuẩn trợ giúp cho các đối tượng trong cơ sở trợ giúp xã hội từ 500.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng (cao hơn 1,3 lần so với mức chuẩn của tỉnh đang áp dụng và cao hơn 1,8 lần so với mức chuẩn của Chính phủ).
Đồng thời, sửa đổi, duy trì 2 nhóm đối tượng đang hưởng trợ giúp xã hội đến hết ngày 31/12/2022, tiếp tục hưởng chính sách đến hết ngày 31/12/2025. Cụ thể, người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi đang sinh sống trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng khác. Duy trì chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em có hộ khẩu thường trú thuộc các xã vừa ra khỏi vùng khó khăn.
Tờ trình cũng đề nghị bổ sung 2 nhóm đối tượng hưởng trợ giúp xã hội như sau: Người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng khác và chưa được hưởng trợ cấp xã hội, đang sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc huyện Hoành Bồ cũ; người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác.
Dự kiến kinh phí để thực hiện các chính sách của Nghị quyết là trên 36,6 tỷ đồng/năm (tăng trên 15,6 tỷ đồng/năm). Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/1/2023.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế: "Nâng tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt trên 95,75% vào năm 2025”
Trình bày Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh:
Để tiếp tục đảm bảo ổn định chính sách an sinh xã hội của tỉnh, việc quyết liệt triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế và giảm nguy cơ tái nghèo do bệnh tật của người dân. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột và đóng góp quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, tờ trình đặt ra chỉ tiêu: Năm 2022, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt > 95%; Năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,25%; Năm 2024, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,5%; Năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt ≥ 95,75%.
Với các địa phương, đến năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia BHYT của TX Đông Triều là 95,92%; TP Uông Bí là 95,64%; TX Quảng Yên là 97%; TP Hạ Long là 95,28%; TP Cẩm Phả là 95,45%; huyện Vân Đồn là 95,42%; huyện Cô Tô là 100%; huyện Tiên Yên là 95,64%; huyện Ba Chẽ là 99,70%; huyện Bình Liêu là 98,28%; huyện Đầm Hà là 95,37%; huyện Hải Hà là 95,13%; TP Móng Cái là 95,28%.
Đồng chí Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: "Thông qua danh mục danh mục 48 công trình, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội"
Trình bày tóm tắt các nội dung tờ trình tại kỳ họp, đồng chí Trần Như Long đề nghị: Thông qua danh mục 48 công trình, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 với tổng diện tích đất thu hồi là 207,51 ha.
Thông qua điều chỉnh quy mô diện tích, loại đất thu hồi của 7 công trình, dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất tại Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 14/3/2019, Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 31/03/2022, Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 24/3/2021, Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 30/9/2021.
Thông qua danh mục 3 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 3,94 ha đất trồng lúa và 1 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 2,35 ha đất rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 58, Luật Đất đai năm 2013.
Thông qua điều chỉnh diện tích chuyển mục đích đất trồng lúa của 1 công trình, dự án đã được Hội đồng nhân dân thông qua tại Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày 9/7/2022.
Thông qua việc hủy bỏ danh mục 15 công trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ.
Thông qua danh mục 21 dự án thu hồi đất nhưng quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thông qua quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 9 dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017; khoản 3 Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ sửa đổi tại Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐCP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, với tổng diện tích rừng đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 82,234 ha (trong đó: diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là 76,274 ha, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là 5,96 ha).
Thông qua điều chỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 1 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 24/3/2021.
Thông qua hủy quyết định, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 1 dự án công trình.
Thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 225/2019/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 về việc thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()