Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:47 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12: Tiếp tục nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh
Thứ 4, 07/12/2022 | 14:15:57 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 12, chiều ngày 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Ánh trình bày Tờ trình về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2023
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh và các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2023 của HĐND tỉnh như sau:
* Đối với Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 (diễn ra vào tháng 7 với thời lượng khoảng 2 - 3 ngày) sẽ có 10 nội dung. Bao gồm:
- Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2023.
- Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình năm 2023.
- Dự thảo Nghị quyết thông qua việc hủy bỏ một số công trình dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất, danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 103/2017/NQHĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh ban hành Quy định định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của tỉnh.
- Dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 sửa đổi Nghị quyết 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020.
- Dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh.
- Báo cáo, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 và các kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm trong các kỳ họp trước của HĐND tỉnh.
- Các báo cáo của UBND tỉnh trình theo quy định.
- Các báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định.
* Đối với kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 (diễn ra vào tháng 12 với thời lượng khoảng 3 ngày) sẽ có 12 nội dung chính sau:
- Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024.
- Dự thảo Nghị quyết về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2024.
- Dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2022.
- Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình năm 2023.
- Dự thảo Nghị quyết thông qua việc hủy bỏ một số công trình dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất, danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
- Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2024 của HĐND tỉnh.
- Báo cáo, dự thảo Nghị quyết thông qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2021.
- Báo cáo, dự thảo Nghị quyết thông qua kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021.
- Báo cáo, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 và các kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm trong các kỳ họp trước của HĐND tỉnh.
- Các báo cáo của UBND tỉnh theo quy định.
- Các báo cáo kết quả công tác năm của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định.
Ngoài các nội dung trên, theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương và đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề trong năm 2023 để trình HĐND tỉnh quyết định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
* Tại Tờ trình về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2021, đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã thông tin cụ thể về thành phần giám sát; đối tượng giám sát; nội dung, phạm vi, thời gian và kế hoạch giám sát.
Đồng chí Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra của Ban về các tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách
+ Về các nội dung tình hình KT-XH năm 2022, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với báo cáo về tình hình phát triển KT-XH và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2022. Báo cáo đã chỉ ra được những kết quả tích cực như Quảng Ninh giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 con số (10,28%); tổng thu NSNN đạt trên 56.500 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ năm ngoái; cải cách hành chính, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện; nhiều công trình động lực được hoàn thành, đưa vào khai thác... Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: điều hành ngân sách chưa thực sự hiệu quả; tiến độ triển khai các dự án, nhiệm vụ công còn chậm; công tác chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu yếu; sự chậm trễ trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế và giáo dục làm giảm chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ an sinh xã hội...
Đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, Ban cơ bản nhất trí với dự báo tình hình, những cơ hội, thách thức của tỉnh và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh đề cập trong báo cáo. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh lựa chọn một số vấn đề cơ bản để tập trung tháo gỡ trong năm tới, đó là: Giữ vững thành quả chống dịch, tạo điều kiện để phát triển KT-XH; tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản.
+ Đối với nội dung thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, kèm theo Tờ trình số 6070/TTr-UBND ngày 30/11/2022, qua thẩm tra Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã quy định về tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ, nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ của nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh... Do vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản đồng tình với các nội dung trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất bổ sung các nguyên tắc phân bổ nguồn lực như: Thống nhất đầu mối quản lý các chương trình về mục tiêu, cơ chế, chính sách của Chương trình theo hướng tỉnh chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phổ biến điển hình; địa phương chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện. Nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp huyện và cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện theo quy định của pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên cùng một địa bàn để không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của từng dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình….
+ Đối với nội dung dự toán thu NSNN, chi NSĐP, phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kế hoạch, nhiệm vụ, dự án để trình HĐND tỉnh phân bổ tại kỳ họp gần nhất đối với 962 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên chưa được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương triển khai trong năm 2023; chỉ đạo giao cơ quan chuyên môn tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo. Đề nghị HĐND tỉnh kéo dài thời gian bố trí vốn cho 13 dự án đang đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; thống nhất phân bổ vốn cho 4/9 dự án khởi công mới khi UBND tỉnh hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết.
Về cơ chế điều hành, đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, số tăng thu từ các dự án, vị trí thu tiền đất có trong kế hoạch đầu năm được cấp cho thẩm quyền phê duyệt được để lại 100% cho các địa phương. Đối với các dự án, các vị trí không có trong kế hoạch được phê duyệt đầu năm được điều tiết về ngân sách tỉnh theo quy định tại điều 9, Luật NSNN. Đối với kinh phí sửa chữa trường học, UBND tỉnh chỉ đạo thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường giám sát của hội cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai nhằm quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh lãng phí. Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị bổ sung chi thường xuyên cho hợp đồng 68 và hợp đồng công việc ký trước ngày 31/10/2022 tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công bằng 70% định mức chi thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các hợp đồng phát sinh sau ngày 31/10/2022 thì thực hiện theo Nghị định 16/2018/NĐ-CP, kinh phí chi trả không nằm trong quỹ lương theo biên chế được giao.
+ Đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, qua thẩm tra nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với 13 dự án, trong đó: 11 dự án gia hạn thời gian thực hiện; dự án điều chỉnh quy mô dự án, gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư.
Qua thảo luận, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung: Đối với các dự án điều chỉnh thời gian nhiều lần mà không điều chỉnh chi tiết dự án như vậy mục tiêu, công nghệ và thiết bị của dự án còn phù hợp hay không. Một số dự án tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án với cùng lý do điều chỉnh trước đây, cho thấy cần phải có giải trình rất rõ về nội dung này và cam kết để thực hiện dứt điểm.
Đối với 2 dự án điều chỉnh Quy mô Dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Y dược Cổ truyền tỉnh Quảng Ninh và Dự án Trường Đại học Hạ Long - Giai đoạn II, tại cơ sở 1, phường Nam Khê, TP Uông Bí, nội dung này trong chủ trương đầu tư không đề cập chi tiết các thiết bị, cũng như chi tiết các hạng mục đầu tư do vậy không cần thiết phải điều chỉnh quy mô dự án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, việc đề nghị điều chỉnh cắt giảm quy mô phù hợp với thực tiễn và tiết kiệm chi phí dự án là cần thiết, nội dung này do UBND tỉnh quyết định.
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh có báo cáo giải trình về tình hình triển khai các dự án, làm rõ lý do trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đánh giá sự phù hợp về mục tiêu, công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu sau khi điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhiều lần, các giải pháp để triển khai và cam kết thời gian hoàn thành dự án. Đề nghị HĐND tỉnh thông qua gia hạn thời gian thực hiện đối với 13 dự án và kéo dài thời gian bố trí vốn đối với 5 dự án theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019.
Đối với dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, qua thẩm tra nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với 13 dự án, trong đó: 11 dự án gia hạn thời gian thực hiện; 2 dự án điều chỉnh quy mô dự án, gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư.
+ Qua thẩm tra, trao đổi và làm rõ các nội dung trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (đợt 4) năm 2022, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản đồng tình với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp lần này. Tuy nhiên, có 23 công trình đầu tư công chỉ phù hợp một phần trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có 2 công trình đã có tác động thi công, xây dựng và đã đưa vào sử dụng; 1 dự án là Dự án bãi thải số 2 thuộc Nhà máy chế biến than Lép Mỹ (TP Cẩm Phả) được trình tại kỳ họp trước nhưng chưa được thông qua với lý do tính chất dự án không thuộc đối tượng thu hồi theo khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 và đã tác động thực hiện dự án.
Trên cơ sở báo cáo giải trình của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 6935/TNMT-QHKH ngày 02/12/2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đồng tình đối với 23 dự án công trình nêu trên. Do hầu hết là các dự án đầu tư công (21/23 dự án) nhằm mục đích nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối vùng miền, xóa ngập lụt, dự án giáo dục, năng lượng, cấp nước sạch sử dụng vốn ngân sách tỉnh và địa phương và dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cả hai cấp.
Riêng đối với Dự án bãi thải số 2 thuộc Nhà máy chế biến than Lép Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có giải trình đối với Dự án này tại Văn bản số 6935/TNMT-QHKH. Song dây là Dự án đã được trình nhiều lần, do vậy để tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đất đai của dự án, Ban đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo giải trình rõ lý do trước HĐND tỉnh để xin ý kiến quyết định.
+ Thẩm tra, trao đổi và làm rõ các nội dung nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về thông qua danh mục các dự án, công trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh (đợt 4) năm 2022, Ban đánh giá, các dự án đã được Sở NN&PTNT tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và trình Hội đồng thẩm định của tỉnh thẩm định nội dung, đánh giá đủ điều kiện trình HĐND tỉnh. Tuy nhiên, do Tờ trình của UBND tỉnh được gửi sát ngày họp thẩm tra nên Ban Kinh tế - Ngân sách không khảo sát được thực tế và chỉ xem xét trên cơ sở tài liệu được cung cấp, đối chiếu với các điều kiện, quy định hiện hành để đề xuất HĐND tỉnh.
Trong 9 dự án, công trình với 76,274ha rừng sản xuất là rừng trồng và 5,96 ha rừng phòng hộ là rừng trồng, có 5 dự án, công trình chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đang trong quá trình thẩm định hồ sơ bảo vệ môi trường, chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ. Tại cuộc họp thẩm tra, các ngành và UBND tỉnh cam kết sẽ bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hồ sơ bảo vệ môi trường cho các dự án này trước khi quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định.
Từ lý do trên, nhằm tạo điều kiện rút ngắn TTHC đối với các dự án thuộc dự án đầu tư công đã được HĐND các cấp quyết định và các dự án hạ tầng năng lượng phục vụ an sinh xã hội Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua các nội dung và Tờ trình, dự thảo Nghị quyết.
+ Đối với các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về thông qua danh mục các dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất lúa và đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh (đợt 4) năm 2022 để triển khai 4 dự án, công trình với tổng diện tích cần chuyển đổi là 7,14ha, gồm 3,94ha đất lúa và 3,5ha đất rừng phòng hộ; điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1 dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đồng tình với các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh trình.
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh có báo cáo giải trình về tình hình triển khai các dự án, làm rõ lý do trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đánh giá sự phù hợp về mục tiêu, công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu sau khi điều chỉnh thời gian thực hiện dự án nhiều lần, các giải pháp để triển khai và cam kết thời gian hoàn thành dự án. Đề nghị HĐND tỉnh thông qua gia hạn thời gian thực hiện đối với 13 dự án và kéo dài thời gian bố trí vốn đối với 5 dự án theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019.
+ Thẩm tra Tờ trình về hỗ trợ các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2022-2026, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh: Việc trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 3 tỉnh Bắc Lào là một trong những nội dung đã được cam kết trong bản ghi nhớ hợp tác được Chính phủ 2 nước (Việt - Lào) giai đoạn 2022-2026, do vậy việc trình ban hành chính sách trên là cần thiết và đúng thẩm quyền nhằm phát huy hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và 3 tỉnh Bắc Lào trên nguyên tắc bình đẳng, phù hợp với quy định pháp luật của 2 nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam – Lào.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất về đối tượng và mức hỗ trợ như Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh trình.
Thẩm tra Tờ trình về thông qua việc hủy bỏ một số công trình dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án phải thu hồi đất, danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh: Theo khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với dự án thuộc danh mục thu hồi đất để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đất đó.
Vì vậy, các công trình, dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhưng đến nay đã quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì việc xem xét hủy bỏ danh mục công trình, dự án này là phù hợp và đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh. Do vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp và đề nghị HĐND tỉnh thông qua.
+ Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 225/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc Thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh xây dựng. Song nhiều ý kiến còn băn khoăn về mức giá đề xuất của các vị trí bổ sung, điều chỉnh. Ngoài ra, qua rà soát tại một số địa phương, một số vị trí, cung đường được đề xuất điều chỉnh tên gọi (giữ nguyên mức giá) nhưng gắn với tên hộ gia đình, cá nhân, chưa gắn theo số thửa đất, tờ bản đồ địa chính, do đó khi có sự thay đổi dẫn đến lại phải sửa đổi như vậy không đảm bảo tính ổn định của bảng giá. Từ phân tích trên, Ban Kinh tế - Ngân sách báo cáo HĐND tỉnh thông qua phương án bổ sung mới 120/145 vị trí giá đất; điều chỉnh mức giá đất tại 7/12 vị trí, sửa đổi tên 60/60 vị trí giữ nguyên mức giá và hủy bỏ 12/12 vị trí hiện có trong Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 225/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của HĐND tỉnh. Chưa xem xét thông qua sửa đổi, bổ sung vào Bảng giá đất đối với 25/145 vị trí bổ sung bảng giá do áp dụng giá cụ thể; 5/12 vị trí điều chỉnh mức tăng giá đất tại mục 20 phường Cao Thắng (TP Hạ Long). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo các điều kiện để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp gần nhất.
+ Thẩm tra dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh quy định về khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận định, Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của HĐND tỉnh về khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được ban hành theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã không còn phù hợp cả về căn cứ pháp lý và thẩm quyền, do vậy cần thiết phải bãi bỏ để triển khai theo các quy định hiện hành. Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh xây dựng và đề nghị HĐND tỉnh thông qua.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Vũ Thị Diệu Linh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025
Về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh là cần thiết và thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh để cụ thể hóa các mục tiêu, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong việc hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh về nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, đóng góp quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Do đó, Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2022 - 2025.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ban đề nghị xem xét, điều chỉnh bổ sung một số nội dung về tên Nghị quyết và bố cục của Nghị quyết. Đặc biệt, đối với một số nội dung giải pháp, Ban đề nghị xem xét 5 nhóm giải pháp đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể trong các giải pháp như: Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về đóng BHYT tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện, trục lợi quỹ BHYT và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong xã hội tham gia BHYT, thường xuyên rà soát, đánh giá và có giải pháp phù hợp hoàn thành chỉ tiêu đề ra gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan; định kỳ hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu bao phủ BHYT…
Về việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Nghị quyết.
Qua thẩm tra, Ban đề nghị xem xét một số nội dung sau: Đối với quy định “người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng và chưa được hưởng trợ cấp xã hội, đang sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và xã Lê lợi (TP Hạ Long)”, cơ quan trình cần xem xét chính sách bổ sung đối tượng này. Theo đề xuất của cơ quan trình chỉ hỗ trợ cho các đối tượng đang sinh sống tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và xã Lê Lợi (TP Hạ Long). Nhưng trong thực tiễn, các đối tượng đang sinh sống ở các xã, phường thuộc các thị xã, thành phố cuộc sống còn nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố về dịch vụ, giá cả... cũng rất cần đến sự quan tâm hỗ trợ. Vì vậy, Ban đề nghị, để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách và thực hiện mục tiêu của chính sách là hỗ trợ các đối tượng yếu thế, thực sự khó khăn, chính sách được xây dựng cần đảm bảo bao phủ các đối tượng và vùng, miền trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bổ sung các điều kiện để đối tượng được hưởng hỗ trợ, phát huy hiệu quả chính sách.
Đối với quy định về “người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác”, Ban đề nghị cơ quan trình xem xét, bổ sung điều kiện để hưởng chính sách, nhằm đảm bảo hỗ trợ được đúng các đối tượng thực sự khó khăn. Trong công tác tổ chức thực hiện cũng cần xem xét quy định việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo, thẩm định, thẩm tra, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách, không để xảy ra vi phạm trục lợi chính sách, thất thoát ngân sách Nhà nước; có cơ chế kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.
Về nội dung dự thảo tờ trình chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, qua thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ cho trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN lên 240.000 đồng/trẻ/tháng (tăng 80.000 đồng so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả chính sách. Ban đề nghị làm rõ căn cứ để quy định hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non tư thục đảm bảo trong 5 năm liên tục, bao gồm cả mức đóng của người sử dụng lao động và người lao động. Đề nghị bổ sung các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ, phương án hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, Ban cũng đề nghị nghiên cứu kết cấu, bố cục để làm rõ được chính sách chung cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các chính sách riêng liên quan đến cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động để đảm bảo tính khoa học, thuận tiện theo dõi.
Về quy định nội dung, mức chi để chuẩn bị, tổ chức và tham dự một số kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh, Ban đề nghị sửa tên dự thảo Nghị quyết thành ”Nghị quyết quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Quảng Ninh”. Đồng thời, đề nghị rà soát lại tổng thể quy định phạm vi các cuộc thi đảm bảo phù hợp vớ quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn do các kỳ thi, cuộc thi thường xuyên được cập nhật, đổi mới về nội dung, hình thức, tên gọi. Đối với các nội dung chi cho các hội thi, cuộc thi, Ban đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể các nội dung về chi tiền công, tiền bồi dưỡng cho người tổ chức thi, người tham dự thi, chuyên gia, huấn luyện viên, người quản lý... và đưa vào phụ lục để thuận tiện cho quá trình thực hiện. Với các nội dung khác đã được quy định tại văn bản QPPL hiện hành, Ban đề nghị đưa vào điều khoản áp dụng đảm bảo đúng quy định. Đối với các hội thi, cuộc thi cấp trường, đề nghị làm rõ căn cứ để xây dựng và đề xuất mức chi tiền công cho các thành viên làm nhiệm vụ tại các cuộc thi, hội thi cấp trường không vượt qua 60% mức chi đối với cấp tỉnh. Nguồn kinh phí thực hiện các kỳ thi, cuộc thi, hội thi ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, Ban đề nghị bổ sung thêm các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp và nguồn thu khác theo quy định.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách và cho ý kiến cụ thể vào nhiều nội dung trong các báo cáo của UBND tỉnh, trong đó nhấn mạnh vào nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023 và thời gian tiếp theo.
+ Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, Ban Pháp chế nhất trí với sự cần thiết và thẩm quyền ban hành nghị quyết. Qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết, Ban đề nghị một số nội dung:
Về phạm vi điều chỉnh, Ban đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học, Ban Pháp chế thống nhất áp dụng đối với đội ngũ viên chức là bác sỹ trong các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế và viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ theo các lý do đưa ra trong Tờ trình. Đối với các trường: Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh là các đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ chi thường xuyên từ 30% đến 100% nhưng trong thời gian qua tỉnh cũng đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút giảng viên, sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường.
Đối với đội ngũ viên chức là giáo viên các trường phổ thông, dự thảo nghị quyết chưa tập trung vào đối tượng theo mục tiêu của tỉnh là "Hỗ trợ đào tạo giáo viên trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn, nâng chuẩn trình độ đào tạo... ". Vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị trước mắt chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học áp dụng đối với viên chức ngành Y tế và viên chức là giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ đối với giáo viên đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của tỉnh.
Đề nghị chỉnh sửa khoản 1 điều 14, khoản 5 điều 11 để đảm bảo không phân biệt loại hình đào tạo; bố cục lại một số điều, khoản để đảm bảo tính logic, đồng thời sửa lại tên của dự thảo nghị quyết để phù hợp với phạm vi điều chỉnh theo kiến nghị thẩm tra của Ban.
+ Đối với dự thảo Nghị quyết về việc quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2023, Ban Pháp chế thống nhất, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định biên chế năm 2023 trên cơ sở Quyết định giao biên chế năm 2023 cho khối hành chính, sự nghiệp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cần thiết.
Về nội dung, Ban Pháp chế thống nhất với số liệu biên chế năm 2023 như nội dung trình của UBND tỉnh và đề nghị HĐND tỉnh không giao chỉ tiêu Hợp đồng 68 trong nghị quyết này. Đồng thời, nhất trí tiếp tục bố trí kinh phí cho 75 hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, tuy nhiên đưa nội dung này vào nghị quyết về dự toán thu ngân nhà nước, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế biện pháp điều hành ngân sách địa phương 2023.
+ Thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về các nội dung: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở đánh giá kết quả tích cực, một số hạn chế, khó khăn, Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo nhiều nội dung cụ thể.
- Trong đó, đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Ban Pháp chế lưu ý một số vấn đề nổi lên cần được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới, như: Điều kiện phát sinh tội phạm làm gia tăng số vụ trong các loại tội như tội về xâm phạm sở hữu, hiếp dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi, nhóm tội phạm về tham nhũng chức vụ...; tội phạm dưới 18 tuổi phạm các loại tội về ma túy, xâm hại sức khỏe, xâm phạm sở hữu, gây rối trật tự công cộng, tổ chức đua xe trái phép, gây tai nạn giao thông, sử dụng trái phép chất ma túy…; việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi; diễn biến phức tạp của tai nạn giao thông, số vụ bị khởi tố hình sự về “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”; áp dụng đồng bộ các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tội phạm may túy… Đồng thời UBND tỉnh cần sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 19/7/2013 về một số mục tiêu, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Về công tác công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh quan tâm tới một số giải pháp như: Ngăn chặn kịp thời tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương với các cơ quan tư pháp trong điều tra, tuy tố, xét xử để phòng ngừa, phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng. Kiên quyết xử lý cán bộ không gương mẫu trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện ở các cơ quan đơn vị. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách TTHC; chấp hành nghiêm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp; có giải pháp đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gần với sử dụng vốn đầu tư công.
- Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, bên cạnh các kết quả tích cực, còn một số hạn chế về chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước cho người dân; về ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND các địa phương; về tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật… Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đảm bảo kịp thời và thời gian quy định. Gắn việc đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo với nội dung đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp trong các khâu của quá trình tố tụng hành chính và thực hiện nghiêm túc các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: “Các KKT, KCN của tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, chưa đạt được các mục tiêu phát triển đề ra”
Trình bày báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cho biết: Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có tổng số 5 KKT được thành lập với tổng diện tích 375.171ha và 10 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đăng ký 4.632,22 ha, là một trong số các địa phương có quy mô diện tích KKT và KCN lớn nhất của cả nước.
Nhấn mạnh đến một số kết quả đạt được, về công tác quy hoạch, kế hoạch, 3/5 KKT đã có quy hoạch chung xây dựng, 17 đồ án quy hoạch phân khu; các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2010-2020 và giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được lập, phê duyệt làm cơ sở hoạch định các phân khu chức năng, thu hút các dự án đầu tư, tổ chức giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Về thu hút dự án và công tác giao đất, cho thuê đất, tại các KKT, UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất tổng số 73 dự án tại 4/5 Khu kinh tế với tổng diện tích trên 1.695 ha. Tính đến hết 31/12/2021, tại các KKT có 109 dự án, gồm 18 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 234 triệu USD và 91 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt trên 25.800 tỷ đồng. Về KCN, đã có 10 dự án hạ tầng KCN thuộc 8 KCN đã được giao các chủ đầu tư thực hiện và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đăng ký 4.632 ha, đạt 48,62% tổng diện tích quy hoạch các KCN, tương ứng 48,76% diện tích theo chỉ tiêu Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ.
Đến nay, đã có 8 dự án hạ tầng KCN được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất với tổng diện tích là 1.573,44 ha (diện tích cho thuê tăng thêm 926ha so với thời điểm đến hết năm 2015). Trong đó, có 6 KCN đã có dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, KCN Sông Khoai), 2 KCN còn lại đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện hạ tầng (KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong). Các KCN (bao gồm cả các dự án hạ tầng) có 103 dự án, gồm 65 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3.942 triệu USD và 38 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 19.770 tỷ đồng. Tổng số lao động đến thời điểm báo cáo khoảng 34.000 người. Trong giai đoạn 2016-2021, các dự án trong KCN đã nộp ngân sách nhà nước trên 7.200 tỷ đồng; trong đó các dự án FDI chiếm 89% với trên 6.500 tỷ đồng, các doanh nghiệp trong nước chiếm 11% với 731,1 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, việc tổ chức thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng đất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các KKT và KCN.
Đề cập đến một số tồn tại, hạn chế, đồng chí cho biết: Các KKT trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, chưa đạt được các mục tiêu phát triển đề ra (về tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án động lực...) KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh chưa tạo được sức hút với các nhà đầu tư sau 20 năm được quyết định thành lập. Các KKT còn lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược, một số dự án được giao năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế, dẫn đến còn có dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm... Đối với Khu công nghiệp, việc thực hiện chỉ tiêu đất KCN theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 còn thấp. Việc thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN còn thấp, chưa phát huy được tiềm năng và hiệu quả sử dụng đất, tỷ lệ cho thuê lại đất công nghiệp ngoài KCN Cái Lân và Đông Mai đạt cao, các KCN còn lại là thấp. Các KCN chưa thu hút, hình thành được các dự án phát triển công nghiệp với quy mô lớn, có tính động lực nên chưa tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư khác, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ. Thu nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2021 tăng không đáng kể so với giai đoạn 2010-2015...
Trên cơ sở chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đưa ra nhiều kiến nghị của Đoàn giám sát đối với Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng đất tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Ánh trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và việc thực hiện Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 9/7/2022 của HĐND tỉnh.
Báo cáo nêu rõ, HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh giải quyết 46 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIV và tại Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 9/7/2022, HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết 33 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm.
Qua giám sát cho thấy, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trực tiếp giải quyết và trả lời cử tri; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo rà soát về tiến độ và kết quả việc giải quyết để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với những vấn đề cử tri kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết, có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức đơn vị, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, phân loại những nội dung kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết, nội dung không thể giải quyết, thống nhất xác định chuyển hoặc đưa ra khỏi danh mục kiến nghị theo dõi để giảm tỉ lệ kiến nghị tồn đọng kéo dài và thông tin đến cử tri được biết. Đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách nhưng không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Nhiều kiến nghị được giải quyết có kết quả đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, trong tổng số 79 kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh, đã có 59/79 kiến nghị đã được giải quyết xong, hoặc trả lời, giải thích rõ để thông tin cho cử tri (đạt 74,68%); có 20/79 kiến nghị đã chỉ đạo giải quyết (chiếm 25,31%), nhưng chưa dứt điểm, cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải quyết kiến nghị cử tri vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau: Một số nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến từ nhiều kỳ họp trước vẫn chậm được xem xét, giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm. Còn nhiều kiến nghị tồn đọng nhiều năm, kéo dài qua nhiều kỳ họp đã được cam kết lộ trình thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri có nội dung còn chung chung, không đi vào thẳng vấn đề cử tri quan tâm; chưa rõ lộ trình, tiến độ hoàn thành, ảnh hưởng tới việc thông tin của đại biểu tới cử tri. Có nội dung giải trình chưa rõ, chưa sát với nội dung kiến nghị, chưa rõ lộ trình giải quyết. Có kiến nghị từ kỳ trước đã xác định rõ lộ trình giải quyết và đã thông tin tới cử tri theo dõi, giám sát nhưng lại gia hạn và điều chỉnh lại thời gian hoàn thành.
Một số sở ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là phối hợp với đại biểu HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại địa phương dẫn tới việc giải quyết còn bị kéo dài và chưa dứt điểm từ các kỳ họp trước đến kỳ họp sau.
Việc thực hiện chế độ thông tin Báo cáo về tình hình, kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của UBND tỉnh, các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế. Trách nhiệm của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc tổng hợp, phân loại kiến nghị cử tri theo đúng lĩnh vực, thẩm quyền chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh có một số kiến nghị như sau: Đối với UBND tỉnh, hằng tháng cần tiến hành kiểm điểm kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, phản ánh của nhân dân; hằng quý có báo cáo kết quả về Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm tăng trách nhiệm của các ngành, địa phương, đơn vị trong việc phối hợp giải quyết kiến nghị cử tri. UBND tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn chưa dứt điểm, xác định lộ trình giải quyết cụ thể và cập nhật, báo cáo kết quả giải quyết để thông tin, trả lời cử tri và nhân dân... Các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát và thường xuyên nắm bắt, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.
Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, nhất là liên quan đến đền bù, GPMB, thu hồi đất, tái định cư; đồng thời, phát huy vai trò các thành viên trong giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và thông tin, giải thích với cử tri về kết quả giải quyết.
Các cơ quan truyền thông tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường thiết lập các kênh, hình thức tương tác với cử tri để đẩy mạnh công tác giải quyết kiến nghị cử tri; thường xuyên đưa tin phản ánh kịp thời hoạt động của các ban, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh trong giám sát việc giải quyết kiến nghị với cử tri.
Nhóm Phóng viên
Liên kết website
Ý kiến ()