Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:45 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Đại biểu Trần Xuân Hòa tham gia về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Thứ 5, 20/06/2013 | 20:59:20 [GMT +7] A A
Sáng ngày 20-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển cuộc họp. Có 18 đại biểu phát biểu. Các ý kiến tập trung vào sự cần thiết phải sửa đổi Luật; về tên gọi của Luật, về phạm vi điều chỉnh; về vấn đề chỉ định thầu; về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; về hợp đồng với nhà thầu, với nhà đầu tư; về phân cấp trong đấu thầu; về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật này, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Hòa đề nghị bổ sung cụ thể hóa cơ chế đấu thầu trong phạm vi tập đoàn kinh tế nhà nước vào Luật Đấu thầu. Vì theo quy định tại mục a, khoản 5, Điều 18 Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập tổ chức hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, ghi rõ “Công ty mẹ, công ty con của công ty mẹ được thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hóa mà hàng hóa là đầu ra của doanh nghiệp này, nhưng là đầu vào của doanh nghiệp khác trong tập đoàn”. Đại biểu cho rằng để có sự thống nhất cần đưa quy định này vào Luật Đấu thầu hoặc nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời bổ sung quy định về đấu thầu rộng rãi hoặc hạn chế trong phạm vi tập đoàn kinh tế nhà nước để thực hiện mua sắm hàng hóa theo các tiêu chí đã nêu trên với gói thầu vượt hạn mức gói thầu chào hàng cạnh tranh.
Đại biểu Trần Xuân Hòa phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu đề nghị cụ thể hóa Điều 53, tổ chức đấu thầu tập trung cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, như làm rõ cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền thay mặt các công ty con hoặc một nhóm công ty con có nhu cầu đấu thầu tập trung. Thẩm quyền trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu, xử lý tình huống đấu thầu, ký kết hợp đồng.
Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu Điều 13 quy định liên quan đến cụm từ “độc lập về pháp lý”, đại biểu đề nghị quy định cụ thể để tránh những cách hiểu khác nhau và làm rõ trong một số trường hợp sau có được hiểu là độc lập về pháp lý và bên này được tham gia đấu thầu khi bên khác là chủ đầu tư không và ngược lại...
Đại biểu cũng đề nghị tìm cách thể hiện sao cho có tính bao quát hơn về hàng hóa và các loại hoạt động thuộc diện điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Vì trong nội hàm “dịch vụ phi tư vấn”, “dịch vụ sự nghiệp công”, “dịch vụ tư vấn”, “hàng hóa” nêu tại các khoản 8, 9, 10, 25 Điều 4 cũng như các hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại Điều 1 Dự thảo Luật Đấu thầu chưa bao gồm đầy đủ các loại hàng hóa, dịch vụ, hoạt động cũng thuộc diện đấu thầu...
Đại biểu đề nghị cần xem xét điều chỉnh để thống nhất tiêu chí và đồng bộ trong chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có lao động là thương binh, người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS giữa khoản 4 Điều 4 Luật Thuế TNDN bổ sung quy định về doanh nghiệp được miễn thuế TNDN với tiêu chí “là doanh nghiệp có từ 30% số lao động b/q trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS và có số lao động b/q trong năm từ 20 người trở lên…” và khoản 3 Điều 12 Dự thảo Luật “Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu có trên 50% số lượng lao động là thương binh hoặc người tàn tật được xếp hạng bằng với hồ sư dự thầu của nhà thầu khác thì ưu tiên xếp hạng cao hơn cho hồ sơ dự thầu của nhà thầu này”.
Đại biểu cũng tham gia một số mục cụ thể ở Điều 4 giải thích từ ngữ.
XUÂN NINH
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()