Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:34 (GMT +7)
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Thứ 2, 04/07/2022 | 14:30:31 [GMT +7] A A
Cùng với sự phát triển chung của đời sống xã hội, người nông dân có thêm điều kiện để đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng. Từ mỗi cá nhân hăng hái đã tạo nên phong trào thi đua sản xuất sôi nổi khắp các vùng quê, góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Niềm vui từ dòng mật ngọt
Thôn Cầu Đá (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) những ngày cuối tháng 6/2022, trời nắng như đổ lửa. Vậy mà khi chúng tôi bước dọc theo lối đi nhỏ bằng bê tông dẫn vào căn nhà cấp 4 của ông Đào Trọng Nghĩa nằm sâu trong khoảng vườn xanh mướt, cái nóng oi ả như tan biến hết. Không gian thoáng đãng, cách xa khu dân cư trung tâm, là nơi mà ông Nghĩa phát triển mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình hơn 7 năm qua.
Chậm lại bước chân, chúng tôi nghe rõ tiếng ong đập cánh râm ran, bay đi khắp rừng tìm hoa. Hàng trăm tổ ong mật là những thùng gỗ đặt ngay ngắn dọc đường đi, có cả ở trong khu vườn cây ăn quả. Dưới bàn tay khéo léo chăm sóc của người thợ nuôi ong lành nghề, các tổ ong mỗi ngày thêm trĩu mật, thơm ngát hương phấn hoa rừng. Vào mùa khai thác, những dòng mật đặc sánh, bổ dưỡng từ vườn của ông Nghĩa đưa ra thị trường rất được khách hàng ưa chuộng, sản xuất đến đâu bán hết đến đó.
Rót mời chúng tôi uống cốc nước mát, ông Nghĩa kể: Nhìn lại hành trình đã qua, thành quả hôm nay đạt được thực không dễ dàng. Tôi bắt đầu nuôi ong từ năm 2015, một mình xoay xở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm với 10 đàn ong mật. Đến nay, tôi là Giám đốc Hợp tác xã “Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên” với 7 thành viên cùng phối hợp sản xuất. Mô hình nuôi ong đã được mở rộng hơn 500 đàn. Sản phẩm mật ong Tiên Yên đã có tên trong danh mục sản phẩm OCOP cấp tỉnh với chứng nhận 4 sao.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Nếu nói về cường độ lao động, thì công việc nuôi ong không phải là quá nặng nhọc, áp lực. Cả một khoảng vườn đồi hơn 20ha của gia đình với hàng trăm thùng ong đặt rải rác, cũng chỉ có tôi và vợ là đã đủ nhân lực cho việc theo dõi và chăm sóc ong rồi. Theo tôi, quan trọng nhất đối với người nuôi ong là kiến thức, kỹ thuật. Cụ thể, cần biết lựa chọn nơi nào có nguồn hoa dồi dào để đàn ong sản xuất mật nhiều, chất lượng tốt. Cách nhận biết và xử lý khi đàn ong có bệnh tật, cho tới những kỹ thuật thao tác tỉ mỉ để hỗ trợ đàn ong tách đàn, chia tổ, nhân giống... Thậm chí khi thu hoạch mật cũng phải làm thật khéo léo để vừa giữ cho mật được sạch sẽ, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân không bị nguy hiểm do ong đốt, vừa giữ được đàn ong tiếp tục ở lại mà không bay bỏ đi nơi khác... Tất cả những điều này đều phải kiên trì, say mê học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm, nhiều lần thất bại thì mới có được”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, ông Nghĩa còn chia sẻ thêm nhiều về sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương đã cổ vũ rất nhiều để biến niềm đam mê, quyết tâm của ông thành hiện thực. Đó là những chương trình tư vấn kỹ thuật, định hướng hình thành mô hình liên kết sản xuất hợp tác xã mà Hội Nông dân tổ chức ở cấp xã, cấp huyện. Khi quyết định tham gia vào “sân chơi” OCOP, ông được những cán bộ Phòng NN&PTNT huyện quan tâm hướng dẫn, tư vấn kỹ về quy trình thực hiện, để có sự chuẩn bị tốt nhất về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, bao bì đạt yêu cầu...
Kết quả từ đổi mới tư duy
Những mô hình nông nghiệp thành công như của ông Nghĩa không phải là cá biệt. Phong trào thi đua lao động sản xuất được lan rộng những năm qua, khắp các vùng quê của Quảng Ninh ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm để tạo dựng nên những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, góp phần đổi mới, phát triển quê hương. Với họ, hành trình làm giàu không nhất định phải “ly hương”, “ly nông” như quan niệm cũ, mà hoàn toàn có thể thực hiện được ngay trên mảnh đất quê hương, bắt đầu từ những sản vật thân thuộc với đời sống thường ngày.
Ttrong chuyến công tác tại xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) năm ngoái, chúng tôi đã được gặp một nông dân với tinh thần miệt mài lao động, đổi mới để thành công ngay tại quê nhà. Đó là anh Vũ Văn Thiết với Cơ sở sản xuất chanh đào đã góp phần không nhỏ tạo dựng nên thương hiệu OCOP độc đáo của địa phương này.
Câu chuyện của anh Thiết bắt đầu từ thời điểm năm 2015. Với quyết tâm cải tạo 2ha vườn đồi kém hiệu quả của gia đình, anh đã bỏ công “tầm sư học đạo” hơn 2 tháng tại khắp các nhà vườn ở tỉnh Hưng Yên, TP Hà Nội. Anh hiểu rằng, không thể cứ mãi quanh quẩn với những mô hình cũ kém hiệu quả, cần phải mạnh dạn tìm tòi, đổi mới thì mới có thể thành công. Đến khi nhận thấy tiềm năng từ mô hình sản xuất chanh đào và cân nhắc kỹ điều kiện của gia đình, anh hạ quyết tâm phải chinh phục bằng được loại cây này. Tất cả tiền dành dụm được cùng các khoản vay vốn từ bạn bè, ngân hàng đều được anh đầu tư cho vườn chanh, gồm chi phí cải tạo đất, lắp điện sản xuất, mua cây giống, thuê tư vấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng bao tiêu.
Trong khu vườn thơm mát mùi chanh quyện trong từng cơn gió mùa hè, chúng tôi được nghe anh chia sẻ nhiều về những vui buồn của nghề nông. Anh bảo: “Để có ngày hôm nay thì không thể không nhắc đến những thất bại đầu tiên vô cùng nặng nề. Đó là khi sâu bệnh hoành hành tàn phá cả vườn chanh đang vào vụ. Có những giai đoạn mà sản phẩm chanh ngâm mật ong, chanh muối, rượu chanh qua hàng trăm lần thử nghiệm vẫn thất bại, phải đổ bỏ toàn bộ... May mắn là bên cạnh tôi luôn có sự động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè. Những hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp, liên kết sản xuất từ Hội Nông dân, Phòng NN&PTNT huyện khi ấy đều đến rất kịp thời. Nhờ đó, tôi có thêm những động lực mới để đương đầu với thử thách”.
Đến nay, cơ sở sản xuất của anh Thiết vẫn duy trì sản xuất hiệu quả với nhiều sản phẩm chất lượng tốt, được thị trường đón nhận. Nổi bật là chanh đào mật ong, một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Hải Hà, đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh.
Những người nông dân của Quảng Ninh đang có những chuyển biến mạnh mẽ để lao động sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là ở quan điểm làm giàu không nhất định phải “ly hương”, “ly nông”, mà hoàn toàn có thể thực hiện được ngay trên mảnh đất quê hương, bắt đầu từ những sản vật thân thuộc với đời sống thường ngày.
Đồng hành với họ luôn là sự trợ lực, cổ vũ thiết thực từ các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM được triển khai rộng rãi. Theo đó, người nông dân được tạo điều kiện để phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; có định hướng, tư vấn để khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, khí hậu của từng vùng miền; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ số... Cùng với đó, khu vực nông thôn được đầu tư hoàn thiện về giao thông, thủy lợi, điện lưới, đảm bảo về an ninh, trật tự xã hội... Triển khai tốt chương trình xây dựng NTM cũng đã tạo nên môi trường thuận lợi để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Dù các giải pháp xây dựng đa dạng, triển khai quyết liệt ra sao, thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là phải phát huy được vai trò chủ thể, chủ động của người dân. Đời sống của người dân nông thôn được nâng cao, kết quả xây dựng NTM càng thêm bền vững.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 54 sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại GO! Hạ Long là 29 sản phẩm; MM Mega Market 11 sản phẩm; Aloha 15 sản phẩm; Vinmart 1 sản phẩm; chuỗi cửa hàng Vinmart+ 6 sản phẩm.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp OCOP tiếp tục tập trung ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, đảm bảo thực hiện tốt các quy trình VSATTP trong sản xuất, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã bao bì, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()