Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:10 (GMT +7)
"Lạm phát" cấp Phó: "Bộ Nội vụ làm gương, nhưng... chưa được lan tỏa"
Thứ 3, 18/11/2014 | 12:13:00 [GMT +7] A A
"Khi tôi làm Bộ trưởng có 6 Thứ trưởng, sau này nhập Học viện Hành chính thêm 1 Thứ trưởng, nhưng hiện tại Bộ cũng chỉ có 4 Thứ trưởng".
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tham mưu giải quyết vấn đề gây bức xúc hiện nay là lạm cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp, địa phương làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả và trái quy định.
Đại biểu Bùi Thị An: Lạm cấp phó gây lãng phí vì bộ máy cồng kềnh (Ảnh: Quang Trung) |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, quy định số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật: Trước đây Nghị định 178 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cơ quan ngang bộ, nay được thay bằng Nghị định 36. Bộ có bao nhiêu đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp được quy định trong văn bản này.
Đơn vị hành chính của tỉnh, đơn vị sự nghiệp trước đây được quy định tại Nghị định số 13, 14 về các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện thì hiện được thay thế bằng nghị định 27, 34.
Số lượng cấp Phó vượt quy định
Về số lượng Thứ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết không có quy định cứng mà có tính chất cơ động, điều này cũng đang gây nhiều ý kiến. Theo quy định một Bộ, cơ quan ngang Bộ có 4 Thứ trưởng, nếu muốn tăng thêm thì cơ quan đó phải có đề án báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban tổ chức Trung ương và Ban Bí thư quyết định.
“Bộ Nội vụ nhiều lần có kiến nghị đề nghị nên quy định cứng số lượng, nhưng Ban Cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, bỏ phiếu không quá bán. Thủ tướng giao Bộ Nội trao đổi với các Bộ nhưng Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít, các Bộ đề nghị nhiều nên không gặp nhau được và đến giờ này chưa quy định được. Thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên có số lượng cứng để tạo sự thống nhất, không thể để tình trạng này kéo dài. Hiện đang sửa Nghị định 36 để quy định Bộ nào được mấy thứ Trưởng thì ghi rõ để sau này khỏi bàn cãi”, ông Bình cho biết.
Hiện các chức danh Phó còn lại đều đã được quy định cứng số lượng, nhưng trong thực tế diễn ra không theo quy định đó. Theo báo cáo sơ bộ, Cấp Bộ được 4 Phó thì bình quân “vọt” lên 5,4; Tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69; cấp Vụ 3 nhưng bình quân 3,04; Sở quy định 3 nhưng bình quân 3,06. Các cấp khác cơ bản không có vượt quy định. Như vậy, trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương thì số lượng cấp Thứ trưởng và Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tăng cao.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng việc bổ nhiệm nhiều cấp phó cũng gây lãng phí ngân sách, không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ và ngoài xã hội.
Nguyên nhân do đâu?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, sở dĩ có nhiều cấp phó trước hết do sức ép công việc, chỉ đạo điều hành của một số cơ quan; nền hành chính còn họp hành nhiều (tuy không phổ biến nhưng có những đồng chí chủ trì hội nghị nếu đơn vị nào không phân công cấp Phó đi thì không cho tham dự); do đặc thù ngành cần có cán bộ nào đó thực hiện công việc thuộc chức năng nhiệm vụ được giao, đó là chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do công việc quá nặng nề, luôn phải có cấp lãnh đạo trực tiếp xuống giải quyết.
“Bộ Nội vụ đã làm gương việc này. Khi tôi làm Bộ trưởng có 6 Thứ trưởng, sau này nhập Học viện Hành chính là 7 Thứ trưởng nhưng hiện tại Bộ cũng chỉ có 4 Thứ trưởng. Nhưng sự làm gương này chưa được lan tỏa”, Bộ trưởng Bình cho chia sẻ thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một điều không thể phủ nhận là có một số cơ quan tổ chức có quá nhiều cấp phó, mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu. Thậm chí là “hậu quả” của một sự bổ nhiệm bởi một lý do nào đó.
Nhấn mạnh lĩnh vực tổ chức cán bộ được phân cấp mạnh mẽ và triệt để, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Thủ tướng chỉ quản diện Thứ trưởng, còn tất cả các chức danh còn lại đều phân cấp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh. Bộ Nội vụ thanh kiểm tra nếu phát hiện sai sót thì cũng chỉ có kiến nghị, đề nghị, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết.
“Việc bổ nhiệm cán bộ, một số trường hợp người đứng đầu thiếu tính gương mẫu, tập thể cấp ủy lãnh đạo thiếu tính chiến đấu; việc thực hiện quy trình thủ tục không nghiêm” cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm cấp phó.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ tiếp tục tham mưu để quy định thống nhất. Nơi nào vượt thì phải báo cáo, điều chỉnh. Tuy nhiên, về giải pháp mạnh, theo Bộ trưởng cần có đề án nghiên cứu, tổng hợp trong cả hệ thống chính trị để có mức tính phù hợp trên cơ sở tổng thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ, thuộc địa phương, vừa qua sau khi sửa đổi 178 thành 36, Thủ tướng có chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chức năng nhiệm vụ qua Bộ Nội vụ, Bộ tư pháp có thẩm định để ban hành. Những đơn vị hành chính, sự nghiệp ở Bộ đã được điều chỉnh hợp lý. Còn nghị định 27,34 đối với cấp tỉnh, huyện vừa mới ban hành về cơ bản ổn định tổ chức.
“Tuy nhiên, giống ý kiến đại biểu, tôi có cảm giác số lượng cấp phó ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong từng Bộ, từng cơ quan ngang bộ, địa phương là nhiều. Do đó cần điều tra tổng thể đánh giá rồi từ đó có biện pháp cơ cấu tổ chức bộ máy trong khóa tới cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()