Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:56 (GMT +7)
Linh hoạt sử dụng nguồn vốn đầu tư công
Thứ 5, 03/11/2022 | 10:05:10 [GMT +7] A A
Đến thời điểm này, nguồn thu NSNN phục vụ cho công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo kế hoạch chi dẫn đến nhiều địa phương, dự án không có tiền giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã cân nhắc và trình HĐND tỉnh xem xét về việc điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.
Tính đến hết ngày 24/10/2022, toàn tỉnh thực hiện giải ngân được 8.840/16.651 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch, nếu so với kế hoạch vốn giao đầu năm của UBND tỉnh (15.661,9 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 56,4% (thấp hơn so với cùng kỳ đạt 61,8%). Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm thì tỷ lệ giải ngân đạt 78,8% (kế hoạch Thủ tướng giao 11.222,5 tỷ đồng), cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 49,1%).
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm đã được các cấp, các ngành chỉ ra, trong đó nổi lên là nguồn thu tiền sử dụng đất phục vụ chi đầu tư phát triển chưa đạt theo kỳ vọng so với kế hoạch đầu năm. Năm 2022, HĐND tỉnh giao số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao, cơ cấu chiếm 19% tổng thu nội địa để đảm bảo nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh. Số thu này được tỉnh xác định tập trung chủ yếu tại các địa bàn TP Hạ Long, TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, với các dự án Công viên Đại Dương (1.189 tỷ đồng), Khu đô thị ngành than (554 tỷ đồng), Khu phức hợp Hạ Long Xanh (1.500 tỷ đồng), Khu đô thị và Dịch vụ công cộng tại phường Hà Phong (423 tỷ đồng), Khu đô thị tại phường Quang Hanh (824 tỷ đồng), Khu đô thị 4B phường Cửa Ông (174 tỷ đồng), Khu đô thị lấn biển Cọc Sáu (143 tỷ đồng), Khu đô thị hai bên đường dẫn cầu Bắc Luân II (1.500 tỷ đồng).
Tuy nhiên đến nay, số thu tiền sử dụng mới đạt 4.139 tỷ đồng, bằng 57% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán tỉnh giao. Về cơ bản, 9/13 địa phương đều có tiến độ thu tiền sử dụng đất tốt, còn lại 4/13 địa phương có số thu tiền sử dụng đất chưa đạt theo kế hoạch, bao gồm TP Hạ Long, TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu. Đặc biệt là TP Hạ Long, thu tiền sử dụng đất đến nay mới đạt 20,8% dự toán, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới đạt 35,5% kế hoạch năm, ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân vốn của tỉnh.
Trước thực trạng nguồn thu tiền sử dụng chưa đạt theo kỳ vọng và tiến độ thi công của một số dự án chậm tiến độ, trong kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề) được tổ chức vào ngày 4/11, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022. Trong đó, điều chỉnh giảm 2.171 tỷ đồng của 8 dự án bố trí từ nguồn sử dụng đất do chưa đảm bảo tiến độ thu từ tiền sử dụng đất dành cho chi đầu tư (trong đó, ngân sách tỉnh giảm 1.698 tỷ đồng; ngân sách huyện giảm 473 tỷ đồng). Bao gồm: Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; Dự án bồi thường, GPMB để thực hiện dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1); đường nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với trung tâm TP Cẩm Phả (giai đoạn 1); Cầu Cửa Lục 1; Cầu Cửa Lục 3; Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Đồng thời, sẽ điều chỉnh giảm 1.156 tỷ đồng ngân sách tỉnh của 35 dự án, gồm nhóm các dự án không còn nhu cầu vốn do hoàn thành, quyết toán giảm vốn hoặc cắt giảm hạng mục đầu tư và nhóm các dự án vướng mắc do thủ tục đầu tư.
Như vậy, trong tổng số vốn ngân sách tỉnh điều chỉnh giảm 2.854 tỷ đồng, có 1.156 tỷ đồng tạo nguồn để điều hòa tăng cho các dự án khác, còn lại giảm kế hoạch vốn 1.698 tỷ đồng (do chưa đảm bảo tiến độ thu từ tiền sử dụng đất dành cho chi đầu tư). Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, phương án phân bổ số vốn điều chỉnh 1.156 tỷ đồng sẽ hoàn trả cho các dự án bị giảm từ nguồn thu tiền sử dụng đất có khả năng thực hiện và giải ngân 100% kế hoạch trong năm 2022; điều chỉnh tăng cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc linh hoạt, chủ động điều chỉnh vốn theo kế hoạch của tỉnh, các địa phương, chủ đầu tư, đặc biệt là người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, GPMB, thu NSNN; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt thuộc trách nhiệm của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm. Có như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mới đạt theo kế hoạch, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()