Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:20 (GMT +7)
Đóng góp tích cực của lĩnh vực lâm nghiệp
Thứ 7, 08/10/2022 | 17:10:57 [GMT +7] A A
Một trong những lĩnh vực đóng góp tích cực vào kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng qua là lâm nghiệp, với những chỉ tiêu vượt trội hơn sự mong đợi như trồng rừng lim, giổi, lát đạt 2.200ha, đạt 110% so với kế hoạch.
Ngay từ đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã đặt ra kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 12.758ha, trong đó thực hiện thành công mục tiêu trồng mới ít nhất 2.000ha cây lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện phù hợp. Sản lượng khai thác gỗ từ 626.260m3, sau đó được UBND tỉnh điều chỉnh theo kịch bản tăng trưởng chung của tỉnh lên 700.000m3. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Kết quả thống kê sau 9 tháng cho thấy, trồng rừng tập trung ước đạt 12.893,6ha, đạt 101% so với kế hoạch. Trong đó trồng lim, giổi, lát đạt 2.200ha, đạt 110% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ và đạt 92% chỉ tiêu kế hoạch trồng 2.500ha tại Quyết định số 4398/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 675.062m3, bằng 96,4% so với kế hoạch điều chỉnh, tỷ lệ che phủ rừng 55% được duy trì ổn định.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp, sản lượng khai thác gỗ tăng cao là do diện tích rừng trồng tập trung từ năm 2017 đến nay đã đủ điều kiện khai thác. Trong khi giá bán dăm trung bình hiện nay tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn. Thời tiết thuận lợi từ đầu năm cũng là một nguyên nhân tích cực khiến người dân đẩy mạnh việc khai thác rừng trồng tập trung và triển khai trồng rừng sau khi khai thác.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn khẳng định: Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kết hợp với cơ chế, chính sách phù hợp, khích lệ người dân và doanh nghiệp kinh doanh lâm nghiệp. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhìn thấy rõ những chuyển động rất tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương có rừng trong chỉ đạo, điều hành và vận động nhân dân. Điều đáng quý là bộ phận nhân dân sống dựa vào rừng đã và đang coi rừng là tài sản bền vững, là nguồn sống cho hiện tại và tương lai sau này.
Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng được 5.000ha lim, giổi, lát. Con số này ban đầu được xem là một thách thức lớn với ngành nông nghiệp và các địa phương có rừng. Nhưng chỉ sau 9 tháng của năm 2022, đã có 2.200ha được trồng dưới điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Như vậy, mục tiêu hoàn thành trồng 5.000ha lim, giổi, lát trong 3 năm tới không có gì khó khăn nếu giữ vững tiến độ trồng như hiện nay.
Kết quả trồng rừng gỗ lớn năm 2022 vượt 10% so với kế hoạch là một tỷ lệ lớn trong giai đoạn đầu thực hiện chủ trương rất quan trọng của tỉnh. Song vấn đề đặt ra là phải duy trì công tác tuyên truyền, vận động người dân, phải làm cho người dân hiểu những giá trị từ rừng gỗ lớn mang lại và được hưởng lợi từ định hướng phát triển rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế dưới tán rừng mà tỉnh đã đặt ra. Đây là điểm mấu chốt để giữ vững tiến độ trồng rừng gỗ lớn trong những năm tiếp theo.
Kế hoạch tiếp theo của ngành nông nghiệp là tập trung khai thác, đảm bảo sản lượng gỗ rừng trồng, hoàn thành mục tiêu 2.500ha lim, giổi, lát theo chỉ tiêu của năm 2022. Ngành cũng chuẩn bị tốt nội dung để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ xuất phát từ thực tiễn và kết quả khả quan của lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển mạnh hơn lĩnh vực này.
Hiện tại ngành nông nghiệp đang xây dựng hệ thống bản đồ lâm nghiệp dựa trên nền tảng bản đồ quy hoạch sử dụng đất của Sở TN&MT nhằm phân vùng các vùng trồng cây. Đây được coi là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện việc giám sát, chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh bền vững.
Trọng Tuệ
Liên kết website
Ý kiến ()