Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:04 (GMT +7)
Quảng Ninh tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 5, 09/06/2022 | 09:09:33 [GMT +7] A A
Tháng 11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU (NQ19) về “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trên cơ sở này, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã có kế hoạch triển khai cụ thể Nghị quyết, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù với chu kỳ sản xuất dài, Quảng Ninh đã tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng. Hiện diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 435.125ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.213ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, Quảng Ninh tăng cường công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Trong hai năm 2020 và 2021, toàn tỉnh đã giao khoán 79.892 lượt ha cho các hộ dân, đơn vị, tổ chức với tổng kinh phí đã cấp 27.421,24 triệu đồng. Trước khi có NQ19, tỉnh có 24.904ha rừng đặc dụng. Sau khi ban hành NQ19, năm 2020, UBND tỉnh đã thành lập thêm Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long; năm 2021 phê duyệt nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (Tiên Yên), Khu bảo vệ chặt chẽ rừng Trâm đỏ, rừng Trõi nguyên sinh (Cô Tô), rừng Trâm (Vân Đồn), hoàn thành xây dựng Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng... Tỉnh cũng tăng cường quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và xử lý các vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng. Tỉnh thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp tỉnh; duy trì hoạt động của 934 tổ, đội PCCC với 9.440 người; tăng cường tuyên truyền PCCCR. Năm 2020 và 2021, toàn tỉnh tổ chức 160 cuộc tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCC tại các thôn, bản với 7.680 người là hộ dân sinh sống gần rừng và lao động nghề rừng tham gia, mở 21 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý lửa rừng, kiến thức kỹ thuật PCCC với 1.575 người tham gia. Tỉnh cũng đã huy động 4.178 lượt người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn.
Lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm khởi tố 8 vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng; Chi cục Kiểm lâm xử lý 219 vụ vi phạm hành chính, tổng thu nộp ngân sách 2,186 tỷ đồng. Các địa phương đã xử lý vi phạm hành chính với chủ đầu tư 20 dự án, công trình có vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư trước khi thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 1,057 tỷ đồng; giải quyết tranh chấp, lấn chiếm rừng của 606 hộ với tổng diện tích gần 4.000ha...
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đến công tác trồng rừng và phát triển rừng, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng, nhất là trồng rừng gỗ lớn. Năm 2020 và 2021, toàn tỉnh đã trồng được 24.416ha rừng. Chất lượng rừng được nâng lên thông qua việc trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa. Ngoài ra, trong năm 2020, 2021, toàn tỉnh còn trồng bổ sung 261ha rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển; trồng 1.192.572 cây phân tán. Trong 2 tháng đầu năm 2022, các địa phương cũng đã trồng được 72,14ha rừng với các loại cây như lim, giổi, lát...
Thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, đến nay đã có 221 hộ dân trồng 354,08ha rừng với tổng kinh phí hỗ trợ 4.428,63 triệu đồng và 65 hộ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH với kinh phí 2,662 tỷ đồng...
Qua việc nâng cao chất lượng rừng sản xuất, năng suất trồng rừng cũng ngày càng cải thiện. Trong năm 2020 đến 2021, toàn tỉnh khai thác 18.900ha rừng trồng với sản lượng 1.146.040m3; khai thác lâm sản ngoài gỗ với sản lượng nhựa thông đạt hơn 5.110 tấn, hoa hồi đạt 1.058 tấn, vỏ quế đạt trên 4.074 tấn, hạt sở đạt gần 322 tấn, thu hoạch được 15 tấn ba kích, 25 tấn trà hoa vàng tươi... Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ hàng năm của tỉnh đạt khoảng 200 triệu USD.
Quảng Ninh cũng tập trung sắp xếp các công ty lâm nghiệp, tăng cường giao đất, giao rừng, trồng rừng thay thế, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo đột phá, nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp... từ đó đưa rừng Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững, vừa góp phần bảo vệ đất đai, khí hậu, nguồn nước... vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()