Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:38 (GMT +7)
Lợi ích từ phân loại rác thải tại nguồn
Thứ 5, 28/03/2019 | 08:58:20 [GMT +7] A A
Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phát sinh trên 1.130 tấn rác thải sinh hoạt. Nếu lượng rác này được phân loại tốt ngay từ nguồn thì lợi ích mang lại rất lớn.
Rác thải nhựa được tái chế thành đồ đùng học tập tại Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Hạ Long). |
Hiện chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và công nghệ đốt. Với khối lượng rác thải khoảng 1.130 tấn/ngày và tiếp tục tăng thì các bãi chôn lấp rác hiện tại không đáp ứng được. Phương pháp xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt thì chi phí cao, gây áp lực cho việc cân đối ngân sách của các địa phương.
Vì vậy, nếu thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết là về kinh tế. Trong rác thải rắn sinh hoạt, rác có nguồn gốc hữu cơ chiếm khoảng 55-60%; còn lại là rác vô cơ, khó phân hủy. Nếu được phân loại, rác hữu cơ là nguồn nguyên liệu rất lớn để chế biến thành các loại phân bón. Còn rác vô cơ, như nhựa, thủy tinh, nylon, kim loại, cao su là nguồn nguyên liệu tái chế, dùng cho sản xuất các loại hàng hóa khác đem lại lợi ích cho xã hội, thậm chí biến rác thành nguồn tài nguyên quý giá. Hơn nữa, việc tận thu các loại rác sẽ tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh để xử lý rác bằng công nghệ đốt, đồng thời giảm được nhiều diện tích chôn lấp rác sinh hoạt.
Nhiều trường học trong tỉnh đã bắt đầu thực hiện phân loại rác thải từ nguồn. Trong ảnh: Phân loại rác thải tại Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Hạ Long). |
Bên cạnh lợi ích kinh tế có thể tính toán được, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường. Giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đồng nghĩa với việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường, như hạn chế mùi hôi, nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ngầm, nước mặt. Phân loại chất thải rắn tại nguồn còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
Với những lợi ích mang lại, việc phân loại rác thải từ nguồn không phải đến thời điểm này mới được đề cập, mà nhiều năm qua tỉnh đã chỉ đạo tuyên truyền, phát động, thực hiện nhiều đợt thí điểm tại các địa phương, đơn vị, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Nguyên nhân là do thói quen thải rác của người dân; bất cập trong khâu thu gom rác - đều chứa trong các xe đẩy rác và chuyển đến điểm tập kết. Các xe chuyên dụng chở rác trung chuyển của các công ty môi trường cũng chỉ có một thùng chứa tất cả các loại rác, nên việc phân loại không hiệu quả.
Trước bất cập đó, tỉnh đang tái khởi động việc phân loại rác tại nguồn bằng việc thực hiện Dự án nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn, thí điểm tại TP Uông Bí, huyện Cô Tô, huyện Ba Chẽ và tiếp tục nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh nếu dự án mang lại kết quả tốt. Cùng với đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã từng bước tuyên truyền và bước đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh.
Thành viên Tổ dự án nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn tuyên truyền cho các hộ dân thôn Khe Giấy (xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ) về phân loại rác tại nguồn. |
Để dự án thành công, ngoài việc phải đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, thì nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống, góp phần hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống. Đó cũng chính là lợi ích xã hội lớn nhất mà hoạt động phân loại rác tại nguồn mang lại.
Thu Chung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()