Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 01/01/2025 18:56 (GMT +7)
Luẩn quẩn nghèo đói vì đông con
Thứ 5, 15/03/2018 | 14:43:40 [GMT +7] A A
Do nhận thức chưa cao, nặng tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường hoặc “trọng nam khinh nữ”, nhiều hộ dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vẫn sinh nhiều con. Điều này làm cho cuộc sống của nhiều gia đình ngày càng khó khăn hơn. Cái đói, cái nghèo cứ luẩn quẩn không biết đến khi nào.
Vợ chồng anh La A Thành và chị Đặng Thị Leèng, thôn Pò Đán, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, có tới 8 người con. |
Để tìm hiểu, chúng tôi đi đến thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu. Dẫn chúng tôi đi là chị Lý Thị Thu, cán bộ chuyên trách dân số xã Tình Húc. Chị đưa chúng tôi đến gia đình chị Nình Thị Xuân, người dân tộc Tày, sinh năm 1980 nhưng đã có 4 người con, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Trước mắt chúng tôi, nơi ở của gia đình chị Xuân là nhà cấp 4, rất tuềnh toàng, chỉ rộng khoảng 30m2, được xây bằng gạch ba banh, lợp mái bờ - rô - xi măng. Còn chị Xuân thì có thân hình gầy gò, ốm yếu, gương mặt khắc khổ, hằn lên những lo toan. Có lẽ gánh nặng mưu sinh và 4 lần sinh nở, khiến cho người phụ nữ chưa đến 40 tuổi già đi trông thấy. Chị Xuân chia sẻ: “Nhà chẳng có vật dụng gì. Chiếc giường đặt ngay phòng khách cũng là nơi 4 đứa con tôi ngủ và cũng là bàn học của chúng. Tôi lập gia đình từ năm 2001 với một người cùng thôn. Ba đứa đầu là con gái nên tới tận năm 2012, vợ chồng tôi mới sinh thêm một bé trai. Thế nhưng, đến năm 2015, chồng tôi lâm bệnh và qua đời”.
Chị Nình Thị Xuân, thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, cùng con gái thứ 2 chuẩn bị cơm tối cho gia đình. |
Sau khi chồng mất, chị Xuân bươn chải đủ nghề để có tiền nuôi các con ăn học, từ sang Trung Quốc làm thuê, đến đi đổ mái nhà, nghiền đá, sỏi thuê. Đến đầu năm 2018, chị quyết định “đi thêm một bước nữa” để các con có một mái ấm gia đình, bản thân chị có người nương tựa khi tuổi già. Nếu vợ chồng chị lại sinh thêm con thì chắc chắn chị sẽ vất vả hơn nhiều. Đông con, cái vòng nghèo đói lại luẩn quẩn.
Một trường hợp nữa là gia đình anh La A Thành và chị Đặng Thị Leèng, thôn Pò Đán, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Lấy nhau được gần 20 năm nhưng anh chị đã có với nhau 8 người con. Đông con, anh Thành phải làm thuê đủ thứ nghề mà vẫn không đủ ăn. Còn vợ anh, thời gian đa số chỉ dành cho việc sinh đẻ và chăm con. Thế nhưng, gia tài lớn nhất của vợ chồng anh Thành chỉ là 8 người con cùng với một vài vật dụng cũ kỹ là chiếc ti vi cũ và nồi cơm điện. Đông con, vất vả, thiếu ăn, con cái không được học hành đầy đủ, con gái đầu của anh chị học hết lớp 9 phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ trông em và làm việc nhà. Sau nhiều lần cán bộ dân số, chính quyền xã vận động, anh chị mới chịu thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, quyết định không sinh thêm con nữa để nuôi dạy các con cho tốt.
Căn nhà của chị Nình Thị Xuân, thôn Nà Làng, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu rất tuềnh toàng. |
Hay như gia đình anh Nịnh Văn Dương và chị Chiếng Thị Năm, thôn Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, có 4 người con. Để có tiền nuôi con, anh Dương và vợ cũng phải làm ruộng, làm thuê, làm mướn. Chị La Thị Bình, cán bộ chuyên trách dân số xã Thanh Sơn, chia sẻ: “Do nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nên anh Sơn mới cố đẻ thêm con. Địa bàn xã Thanh Sơn khá rộng, đường sá đi lại khó khăn nên công tác tuyên truyền của đội ngũ cộng tác viên dân số nhiều khi còn hạn chế, khó khăn. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều gia đình vẫn muốn sinh đông con, đặc biệt là sinh con trai. Có không ít trường hợp, cộng tác viên dân số giải thích cặn kẽ, người vợ mới đồng ý dùng thử biện pháp tránh thai như đặt vòng, nhưng ngay sau đó, người chồng dẫn vợ đến tận cơ sở y tế bắt tháo vòng và cho rằng muốn để mọi thứ thuận theo tự nhiên”.
Đúng là, người dân thì có vô vàn lý do để sinh nhiều con, rồi không thực hiện các dịch vụ phòng tránh thai. Vì thế, công việc của những cán bộ dân số ở cơ sở càng thêm nặng nề...
Lan Anh- La Lành (CTV)
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()