Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:42 (GMT +7)
Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
Thứ 5, 28/01/2021 | 14:31:50 [GMT +7] A A
Cảm lạnh là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, vào mùa đông, khi tiết trời lạnh giá. Các biểu hiện của cảm lạnh thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm. Vì vậy khi bị cảm lạnh, mọi người cần dùng đúng thuốc để chữa trị bệnh hiệu quả...
Triệu chứng thường gặp khi bị cảm lạnh
Cảm lạnh thường bắt đầu với biểu hiện mệt mỏi, toàn thân nhức rã rời, cảm giác lạnh, nhiễm hàn, hắt hơi kèm theo đau đầu kéo dài trong vài ngày, đặc biệt xuất hiện triệu chứng chảy nước mũi và ho. Các triệu chứng này có thể bắt đầu sau 16 giờ nhiễm bệnh, đỉnh điểm là 2-4 ngày sau khi khởi phát và thường chấm dứt sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, với một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần. Đặc biệt, trẻ em ho kéo dài hơn 10 ngày trong 35-40% các trường hợp, đây là một con số khá cao, có thể dẫn đến bệnh viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa và nhiều căn bệnh khác.
Thuốc sẽ làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh. |
Những lưu ý khi dùng thuốc
Nên nhớ, không có thuốc chữa cảm lạnh thông thường. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus gây cảm lạnh và không nên dùng trừ khi bị nhiễm vi khuẩn. Việc dùng thuốc kháng sinh có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc và gây hại cho cơ thể. Điều trị cảm lạnh thường được hướng vào việc làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.
Hiện tại, có một số thuốc dùng trong việc giảm các dấu hiệu và triệu chứng cảm lạnh thường được sử dụng bao gồm:
Thuốc giảm đau, hạ sốt: Khi bị sốt, đau họng và đau đầu, nhiều người dùng acetaminophen (paracetamol) hoặc các loại thuốc giảm đau nhẹ khác. Sử dụng acetaminophen trong thời gian ngắn nhất có thể và làm theo hướng dẫn trên nhãn để tránh tác dụng phụ. Liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng, khoảng cách giữa các lần dùng từ 4-6 giờ.
Thận trọng khi cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin. Trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không bao giờ được dùng aspirin. Điều này là do aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở trẻ em. Có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) được chỉ định cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, bao gồm acetaminophen hoặc ibuprofen... nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà cảm lạnh gây ra.
Thuốc xịt thông mũi: Những loại thuốc xịt giúp thông mũi gây co mạch mũi, do vậy làm thông thoáng mũi như naphazolin, oxymetazolin... Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt thông mũi trong tối đa 5 ngày. Tránh tình trạng sử dụng kéo dài, trên 7 ngày, vì lạm dụng các loại thuốc này có thể gây viêm mũi do thuốc, sung huyết mũi trở lại... khiến tình trạng nghẹt mũi nặng hơn và việc điều trị tình trạng này sẽ khó khăn hơn.
Thuốc giảm ho: Nếu ho ít, ho nhẹ thì thông thường sẽ không cần thiết phải dùng thuốc giảm ho. Chỉ khi mức độ ho nhiều, ho thường xuyên, gây đau rát cổ họng, khó chịu, mệt mỏi thì mới cần dùng tới thuốc giảm ho.
Thuốc chứa thành phần codein hay dextromethorphan điều trị hiệu quả với các trường hợp ho khan. Các thuốc giảm ho chứa hoạt chất kháng histamin như fexofenadine, chlorpheniramine đồng thời giúp giảm nhanh triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi. Cần lưu y,́ các thuốc kháng histamin thường khiến người bệnh buồn ngủ, mất tập trung nên sau khi dùng thuốc, không lái xe hoặc vận hành máy móc.
Nếu ho có đờm, nên sử dụng các thuốc chứa ambroxol, bromhexin, acetylcystein,... giúp làm long đờm, tiêu đờm, giúp ho dễ dàng và bớt khó chịu hơn. Với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, không nên dùng thuốc giảm ho, nên dùng các siro ho nguồn gốc thảo dược như húng chanh, cao lá thường xuân, mật ong... Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bị cảm lạnh, nên uống nhiều nước, tránh caffeine và rượu (những thứ có thể làm cơ thể mất nước), ăn thức ăn lỏng, mềm, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động mạnh... Ngoài ra, cần giữ ấm cho căn phòng, nhưng không quá nóng. Nếu không khí khô, máy làm ẩm hoặc máy làm ẩm dạng phun sương mát có thể làm ẩm không khí và giúp giảm tắc nghẽn và ho. Giữ máy tạo ẩm sạch sẽ để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Làm dịu cổ họng bằng cách súc miệng nước muối sinh lý. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để giúp giảm nghẹt mũi. Ở trẻ sơ sinh, hút nhẹ lỗ mũi bằng ống hút dành cho sơ sinh sau khi nhỏ nước muối sẽ làm trẻ dễ chịu hơn.
Lưu ý, khi có dấu hiệu bất thường nên khám tại cơ sở y tế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()