Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 00:26 (GMT +7)
Lưu ý một số thực phẩm cần phải được nấu chín để đảm bảo sức khỏe
Thứ 2, 09/11/2020 | 13:49:06 [GMT +7] A A
"Ăn chín uống sôi" không chỉ giúp chúng ta tránh được tác hại của các loại thuốc bảo vệ thực vật mà còn tránh được các chất độc hại có sẵn trong thực phẩm.
Hãy nấu kỹ, nấu chín các thực phẩm sau để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình:
Các loại đậu quả
Trong các loại đậu như đậu đũa, đậu cove, đậu ván... đều có chứa một lượng lớn lectin và saponins - các chất gây kích thích dạ dày dẫn đến tình trạng nôn mửa, đau bụng do ngộ độc nếu không được nấu chín. Để đảm bảo sức khỏe, dù làm salad cũng hãy chần chín các loại đậu này trước nhé.
Ảnh: Internet |
Mộc nhĩ
Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin là chất độc có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Nếu không được làm chín trước khi ăn, chúng có thể gây ra các bệnh về da từ ngứa, viêm da, phù nề tới nặng hơn là hoại tử da. Chính vì vậy, dù là mộc nhĩ tươi hay khô cũng hãy đảm bảo bạn đã nấu chín nó trước khi ăn để không gây hại cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Rau sam
Rau sam là một loại rau dại phổ biến tại Việt Nam, vì chúng mọc sát đất nên có chứa rất nhiều loại côn trùng nhỏ, bụi bẩn và cần được làm sạch, ngâm nước kỹ trước khi nấu để loại bỏ hết bụi đất và vi khuẩn. Sau đó, trong quá trình chế biến cũng cần luộc qua rau sam trước khi nấu để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất trong rau. Công đoạn này không làm ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong rau sam nên bạn hãy cứ yên tâm mà nấu cho kỹ.
Măng
Măng tươi có độc là điều ai cũng biết, tuy nhiên nó có độc như thế nào lại ít người nắm được. Trong măng (bất kể là tươi hay khô) đều có chứa glucid, măng tươi sẽ nhiều hơn măng khô, chất này khi kết hợp với axit dạ dày sẽ tạo ra chất có khả năng gây ngộ độc. Vì vậy, khuyến cáo cho mọi người khi chế biến măng là luôn luộc nước cho sôi kỹ thì vớt ra, ngâm với nước trong khoảng thời gian từ 1 giờ tới 2 ngày (măng tươi thì ngâm khoảng 1-2h, măng khô cần thay nước liên tục và ngâm trong 1-2 ngày).
Một lưu ý khác là không nên đậy vung khi luộc măng để hơi nước chứa chất độc ấy được bốc hơi ra ngoài. Nước ngâm nên là nước lạnh để đảm bảo măng giữ được vị giòn.
Cà chua
Cà chua vốn là loại quả vẫn thường có mặt trong các món salad rau củ quả sống nên chúng hoàn toàn an toàn khi ăn sống. Tuy nhiên, chất lycopene (có khả năng chống ung thư) có trong cà chua lại chỉ được hấp thu tối đa nếu ta ăn chín nó. Nếu ăn cà chua sống, lượng lycopene cơ thể hấp thụ được không vượt quá 4%, do thành tế bào của cà chua khá dày, cơ thể sẽ khó để hấp thu hơn.
Măng tây
Cũng như cà chua, măng tây không gây hại khi ăn sống nhưng lại phát huy tốt nhất các dưỡng chất khi được nấu chín. Trong măng tây rất giàu các vitamin nhóm A,C,E và folate nhưng vì lớp vỏ bảo vệ khá dày nên chúng ta cần nấu chín chúng để hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng bên trong.
Rau chân vịt
Rau bina hay còn gọi là rau chân vịt thường xuất hiện trong các loại nước ép hoa quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể, vậy nhưng trong rau chân vịt lại chứa nhiều axit oxalic - loại axit khi đi vào dạ dày sẽ kết hợp với canxi, tạo ra oxalat canxi gây cản trở cơ thể hấp thụ canxi, tạo nên tình trạng thiếu hụt canxi.
Do đó, thay vì ép chúng lấy nước, hãy nấu chín để không chỉ loại bỏ bớt axit oxalic, thứ gây cản trở việc cơ thể hấp thụ canxi mà còn có thể giúp chúng ta hấp thụ nhiều sắt, magie hơn./.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()