Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:32 (GMT +7)
Mở hướng phát triển kinh tế cảng biển
Thứ 3, 29/03/2022 | 10:31:06 [GMT +7] A A
Được ví như “một đất nước Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí chiến lược và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh có những chuyển động tích cực nhằm đưa kinh tế cảng biển phát triển bứt phá hơn, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong dài hạn.
Phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển
So với các địa phương ven biển khác, Quảng Ninh có những lợi thế riêng biệt, nổi trội khi sở hữu 250km đường biển, gần 800km đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu thuộc nhóm cảng loại I và là cửa ngõ đường biển của khu vực, nằm trên các tuyến vận tải biển quốc tế. Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ…
Giai đoạn 2019-2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 104 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua khối cảng biển đạt 22,4 tỷ USD; lưu lượng hành khách vận tải biển đạt gần 112.000 lượt khách; tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt gần 7.500 tỷ đồng (tăng 16,6%/năm); tổng thu ngân sách nhà nước qua khu vực cảng biển bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.
Việc duy trì đà tăng của cảng biển, tỉnh đã tháo gỡ được những điểm nghẽn rất lớn từ công tác quy hoạch cho đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Hiện 13 bến cảng trên địa bàn tỉnh được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở rất quan trọng để ưu tiên quỹ đất phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng, từ đó thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển cảng biển Quảng Ninh. Tỉnh tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách, để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng giao thông kết nối cảng biển.
Ngày 24/10/2021, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái) chính thức khởi công. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích trên 82ha, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024. Theo thiết kế, Bến cảng có bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT; bến sà lan, cầu dẫn, kho bãi đồng bộ, hạ tầng hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, khẳng định: Cảng Vạn Ninh có vai trò đặc biệt không chỉ đối với các tỉnh, thành trong nước, mà còn cả khu vực ASEAN, hướng đến thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á. Việc hình thành một cảng biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái sẽ hình thành tuyến vận tải ven biển lớn nhất, tạo ra sự chuyển dịch lượng lớn hàng hoá XNK từ đường bộ xuống đường biển, tạo đầu mối dịch vụ logistics tổng hợp phục vụ cho thương mại biên giới.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã tiến hành rà soát tổng thể bến cảng, luồng lạch, bến phao neo để đánh giá, điều chính quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư với Bến cảng tổng hợp Con Ong (TP Cẩm Phả) để đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 200.000 DWT, hỗ trợ kết nối với hệ thống bến khác trong khu vực. Một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu, như Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn Sun Group, Công ty CP Tập đoàn T&T.
Tại khu vực Hòn Gai (TP Hạ Long), Công ty CP Cảng Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công đang đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng bến số 8, 9 tại khu Cảng Cái Lân để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, nâng cao hiệu quả khai thác của Cảng. Tại khu vực cảng biển Hải Hà, hiện có một số dự án đang được triển khai là: Dự án bến cảng nước sâu đa năng tại đảo Cái Chiên; bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miều.
Việc khởi công Bến cảng Vạn Ninh và triển khai kêu gọi đầu tư đối với các cảng còn lại được đánh giá là những dự án tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho tỉnh, hiện thực hoá chiến lược phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển.
Hướng đến hiện đại hóa các dịch vụ logistics
Mặc dù dưới tác động của dịch Covid-19, hơn 2 năm qua các cơ quan chức năng vẫn duy trì, đảm bảo thực hiện thông suốt dịch vụ hải quan, cảng vụ, bảo đảm hàng hải, XNK hàng hóa bằng đường biển ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng đã đặt ra. 100% tờ khai hải quan qua cảng biển được thực hiện trên hệ thống thông quan tự động, thời gian thông quan hàng hóa được rút ngắn từ 5-11% so với năm 2019.
Các doanh nghiệp cảng biển từng bước đổi mới, chuyển đổi mô hình quản trị trong khai thác cảng biển, ứng dụng CNTT trong quản lý. Qua theo dõi, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, lĩnh vực hậu cần cảng biển vốn là điểm yếu của tỉnh, hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ bốc xếp hiện đại, có khả năng giải phóng hàng hóa trên tàu biển có trọng tải đến 120.000 DWT. Nâng cao hơn nữa năng lực của loại hình dịch vụ này, tỉnh đang nghiên cứu thành lập hiệp hội xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển và xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, mở rộng quy mô các dịch vụ này.
Trước năm 2019, kho bãi lưu trú hàng hóa tại tỉnh chủ yếu tập trung tại khu vực Cảng Cái Lân. Đến nay, qua công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tỉnh đã cập nhật, bổ sung quỹ đất hỗn hợp dành cho dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê tăng thêm khoảng gần 5.000ha để thực hiện 5 dự án logistics tại Quảng Yên và đang thu hút thêm 2-3 dự án tại Bình Liêu, Móng Cái để phát triển dịch vụ kho bãi.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu Công nghiệp Deep C (TX Quảng Yên), nhận định: Với những lợi thế sẵn có về giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá. Nếu tỉnh sớm có hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần đồng bộ sau cảng, chắc chắn sẽ tác động tích cực lên tốc độ, quy mô vận chuyển hàng hoá. Nhất là trong bối cảnh Quảng Ninh đang thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT.
Đồng tình với quan điểm này, bà Aijing, Giám đốc phụ trách logistics của Tập đoàn Foxconn, chia sẻ: Với ưu thế của vận tải biển là số lượng hàng hóa lớn, quãng đường dài, chi phí thấp..., hiện nay trên thế giới và Việt Nam, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Nếu Quảng Ninh mời gọi thêm được các hãng tàu biển lớn vào làm hàng, tỉnh sẽ dễ dàng thiết lập lại thị trường vận tải container, khai thác được giá trị tiềm năng cảng biển của tỉnh. Bởi theo tôi được biết, cuối năm 2021 trong bảng đánh giá về hiệu quả hoạt động của 351 cảng container trên toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và IHS Markit thực hiện, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 và Cảng Cái Lân đứng ở vị trí thứ 46, trên cả Cảng Hải Phòng và Cảng Cái Mép.
Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics của tỉnh tiến tới hiện đại hóa, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tỉnh cũng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển thêm 3-5 dịch vụ cảng biển mới; 2-3 doanh nghiệp cung ứng tàu biển; 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh dịch vụ đại lý hàng hải; 2-3 hãng tàu biển quốc tế tham gia khai thác tuyến vận tải đi và đến Quảng Ninh; phát triển tối thiểu 3-5 doanh nghiệp vận tải, logistics, 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa… Đồng thời, tỉnh cũng đang xem xét thí điểm, cho phép các tàu biển có trọng tải lớn chở than nhập khẩu về chuyển tải tại khu neo đậu Hòn Miều (TP Hạ Long) để các hãng tàu biển phát triển tuyến, chuyển hàng trực tiếp đến cảng biển Quảng Ninh. Từ đó có thể thu toàn bộ thuế nhập khẩu mặt hàng than và một số mặt hàng khác vào ngân sách tỉnh.
Trong 3 năm qua, hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần sau cảng của tỉnh đã có những bước chuyển động tích cực, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước nghiên cứu, đầu tư các hạ tầng cảng biển theo đúng mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong lĩnh vực cảng biển.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, bên cạnh những kết quả trên, phát triển cảng biển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, không chủ động nguồn bên ngoài. Nhóm các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ cảng biển; hỗ trợ các chủ tàu, chủ hàng, chủ cảng mở các tuyến vận tải hàng hóa đến, đi tại cảng biển của tỉnh vẫn chưa được triển khai. Công tác phối hợp, xúc tiến đầu tư chưa có giải pháp đột phá, dẫn đến chưa thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn có thương hiệu về cảng biển và các hãng tàu uy tín đến Quảng Ninh để hợp tác kinh doanh. Các giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Quảng Ninh thông qua cảng biển chưa có nhiều đổi mới, một số cảng chưa phát huy được hết công suất.
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Tỉnh ủy về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt khoảng trên 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000 -300.000 lượt khách, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2-1,5% GRDP của tỉnh, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế.
Tại cuộc họp rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU trung tuần tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng yêu cầu: Để sớm hiện thực hóa những mục tiêu trên, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục bám sát vào những mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Từ đó lên kế hoạch, xác định rõ lộ trình, giải pháp, phân công nhiệm vụ chi tiết sát với thực tế. Điều quan trọng là các đơn vị phải có cách làm sáng tạo, đột phá, nhất là trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Hướng đến hình thành các khu bến hiện đại và cảng cửa ngõ quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()