Chiều thứ 6 trung tuần tháng 5 chúng tôi đến xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn. Khi màn đêm buông xuống, trên biển Minh Châu vẫn tấp nập, sáng đèn như thành phố về đêm, nhộn nhịp mùa câu mực. Người dân ở đây bảo, mực chính là “lộc” của biển. Và mùa câu mực này, đang là mùa bội thu “lộc biển” của ngư dân Minh Châu.
Tò mò vì mùa gặt "lộc biển" "hái tiền”, chúng tôi háo hức đề nghị với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Sang cho ra biển xem ngư dân kiếm tiền. Chủ tịch xã đưa chúng tôi đến nhà Linh "bò" (Nguyễn Văn Linh, thôn Nam Hải, xã Minh Châu - PV), ngư dân gốc Minh Châu thứ thiệt, kèm câu giới thiệu: "Câu mực thì theo Linh "bò" là nhất nhé!". Linh "bò" dù mới hơn 30 tuổi nhưng nước da rám, rắn giỏi, tóc cháy nắng, dáng vẻ khỏe mạnh...của dân đảo dạn dày thứ thiệt. Quả thật rất vui vì chúng tôi biết Linh "bò" đã lâu, hôm nay có dịp sát cánh đi câu cùng nhau chẳng phải là có duyên hay sao?
Chuẩn bị cho chuyến đi biển đêm, Linh đi ngay lo tàu bè. Trước khi đi còn dặn: "Các anh phải chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, vất vả đấy. Trước hết, mọi người cần đi ngủ ngay đi". Người Minh Châu là thế hệ sau của ngư dân Minh Châu vốn rất hiếu khách, chất phác, chăm chỉ. Chúng tôi yên tâm quay ra phản đánh một giấc chuẩn bị cho chuyến đi biển đêm.
Đúng 5h chiều, chúng tôi ra bến cảng Minh Châu. Đây là một bến tàu khách, neo tàu cá, rộng chừng 100m2, vừa lúc chuyến cao tốc cuối cùng cập bến, từng đoàn khách cuối vội vã lên bờ. Chuyến cuối, bến vắng tanh. Chúng tôi, những vị khách cuối cùng của bến, khẩn trương xuống mảng ra khơi. Có lẽ khởi hành hơi muộn, phía trước đã rất nhiều bè, mảng nối đuôi nhau ra khơi, xuôi dòng cửa Đối. Mảng là phương tiện đi câu mực an toàn và khá phổ biến ở Minh Châu, được đóng bằng gỗ dưới đáy đệm xốp dày để lỡ có lật cũng luôn nổi. Cái lớn thì bằng chiếc thuyền mui công suất 20-30CV, cái nhỏ 10CV như chiếc thuyền nan.
Biết tôi mới lần đầu đi biển câu, Linh "bò" dẫn chúng tôi lên một mảng lớn công suất 30CV rộng rãi, với cột đèn 2 bóng 1.000W. Đón chúng tôi "mảng trưởng" Nguyễn Văn Huyên (thôn Ninh Hải, xã Minh Châu) liền nổ máy tăng tốc ra biển. “Đồ nghề” trên mỗi mảng câu mực này cũng thật đơn giản. Mỗi tàu được trang bị từ 1-2 bóng 1.000W treo trên cột cao đằng mũi, nhiều thì có thêm bóng bên hông hoặc phía cuối. Cộng cả đồ nghề có khi đầu tư một chiếc mảng lớn cũng trên 100 triệu đồng. Mảng ở Minh Châu rất đa năng, “mùa nào thức ấy” đầu năm đánh mực mai hoặc lắp thêm khoang để đi đánh sứa, câu cá đục, câu mực ống cận hè...
Trong khi đổ dầu, chúng tôi tranh thủ "tiếp năng lượng" bằng món mỳ nấu mực ống ngon lành, từng con béo, căng tròn mâm xôi (trứng mực). Anh vồn vã mời: "Ăn đi lấy sức chiến đấu tới sáng. Đây là "chiến lợi phẩm” trong chuyến câu tối qua đấy nhưng còn tươi lắm".
Thì ra đó là những con mực trứng ngon nhất đầu mùa được anh Huyên giành để "tiếp sức" cho chuyến biển tối nay. Mực Minh Châu vốn rất ngon, đậm đà, rất được ưa chuộng. Vùng biển Quảng Ninh vốn nổi tiếng bởi đa dạng các loại mực: Mực mai lớn, mực sim, mực ống... Riêng đảo Minh Châu thì nổi tiếng với giống mực ống thân dày, có vị ngọt lịm và thơm giòn.
Anh Huyên tiếp chuyện: "Các chú chọn đúng ngày đấy. Sáng mưa nhỏ, hôm nay nước rất "mát" đấy, sẽ đông mực đi kiếm ăn. Tối hôm trước tôi đi câu được 15kg mực ống. Hôm nay, trời đẹp chắc còn thu hoạch hơn...". Câu chuyện của anh Huyên càng làm tôi háo hức.
Mảng chạy 45 phút, khoảng tầm 19h15' chúng tôi đã đến vụng Đầu Cào, nằm giữa cửa Đối, điểm dừng cách bãi tắm không xa, có thể nhìn thấy ánh điện trên bờ và rạn đá kề gần đó. Dường như xác định được điểm đẹp, anh Huyên nhẹ nhàng cho tàu chạy chậm dần rồi dừng. Vùng biển Minh Châu nằm gọn trong vịnh Bái Tử Long vốn lặng gió, có vụng biển lớn thuận lợi cho tàu câu... Nên không chỉ có tàu mực địa phương, Minh Châu còn hút nhiều tàu mực khắp nơi như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Cô Tô... về câu. Trời tối dần, biển vắng không chỉ có mình chúng tôi. Thanh âm của chiếc máy phát dần quen tai vọng về từ các phía. Ánh đèn tỏa sáng từ hàng chục con tàu, biển Minh Châu lung linh... như thành phố đêm trên biển vậy!
Thoăn thoắt thao tác, chỉ vài phút sau thuyền đã được cố định. Linh "bò" giúp anh Huyên thả neo, buông "dù nước" tránh trôi thuyền. Dù là một miếng bạt dứa to vuông có 4 góc, được cố định khéo bằng dây dài, đầu buộc phao, để khi thả xuống nước sẽ căng ra... như chiếc dù, để cản nước, hạn chế thuyền trôi nhanh.
Đèn vừa thắp lên, ánh sáng của cột đèn 1.000W lan tỏa, sáng một vùng rộng quanh mảng. Mặt nước trong xanh dần hiện rõ mồn một. Ánh sáng khuếch tán qua làn nước trong xanh tới đáy khiến mặt biển trong vắt, gợn những vân sóng nổi như... một nồi thạch khổng lồ xanh biếc. Khi chúng tôi còn đang loay hoay, anh Huyên đã lấy một cuộn cước dài lưỡi chùm gồm 4-5 mồi giả, màu sắc sặc sỡ quăng xa, rồi từ từ kéo lại mạn thuyền. Cứ thế, anh làm thao tác chục lần! Tôi lấy làm lạ, anh mới bảo: "Đó là mồi giả dụ mực tới, quây lại một điểm cho dễ câu".
Mọi việc đã xong xuôi. Chúng tôi mỗi người chọn một góc, bắt đầu thả câu. Có lẽ là cần thủ mới nên tôi được ưu tiên một chiếc câu đẹp với con mồi trắng, còn mới, óng ánh bắt mắt. Vừa thả câu ở mạn mảng, anh Huyên vừa hướng dẫn: "Câu mực thì dễ dàng thôi. Con mồi mới, óng ánh như vậy rất "hút" mực đêm, mực bám phải biết". Mực là giống vốn rất "ăn" ánh đèn, thấy đèn sáng sẽ bu đến rất đông. Tay câu gồm mồi giả bắt mắt, óng ánh, xung quanh là lưỡi câu chùm. Chỉ cần làm động tác kéo, giật nhẹ như thể con mồi đang bơi trong sóng nước, mực sẽ lao tới, bám riết không rời cho tới khi "ôm" được con mồi, cần thủ chỉ việc giật nhẹ dính mực...
Quả thật "chiêu dụ mực" của anh Huyên rất tác dụng. Chốc lát trong làn nước trong xanh, từng đàn mực "ăn" đèn, đã lao đến, bơi vòng quanh. Anh Huyên là ngư dân có trên chục năm kinh nghiệm đi biển, cứ nhìn cách anh thao tác là đủ biết, vừa ngậm thuốc, vừa chỉ dẫn chúng tôi mà 2 tay vẫn 2 cần, giật, gỡ liên tục những chú mực lớn bỏ vào văng. Tôi và cậu bạn đồng nghiệp cũng đã câu được con mực đầu tiên. Câu mực không quá khó như tôi tưởng tượng! "Cần cẩn thận, mực dính câu là phun ngay mực đen, thứ vũ khí, để tự vệ, thoát thân khi mực bị bắt", câu cảnh báo anh Huyên chưa dứt lời, tôi và đồng nghiệp đã bị mực phun đầy mặt, lấm lên cả trán, my mắt... Nhưng không sao, niềm vui câu được mực khiến tôi phấn khích...! Càng câu càng thích thú.
Quá 22h30' đêm, văng trên mảng đã đầy, ước chừng trên 10 cân mực. Tuy câu được ít nhất trong số 4 cần thủ nhưng mặt tôi và đồng nghiệp lại lấm lem mực nhiều nhất. Gió thổi mạnh hơn, con nước thay đổi, thuyền dạt nhanh. Linh "bò" đưa mắt nhìn ánh chớp sáng phía xa chân trời, gió thổi mát lạnh da, rồi ra hiệu cho anh Huyên. “Nhổ neo, về nghỉ thôi”, anh Huyên vừa thu cần vừa hô to khiến chúng tôi ngạc nhiên. Linh "bò" giải thích: "Nước đang lớn, dòng chảy mạnh, thuyền dạt, mực theo con nước sẽ ít dần. Mà có lẽ trời sắp có giông, nên rút quân là vừa...!".
Chúng tôi giúp anh Huyên nhổ neo, thu dù. Chạy về phía lái, anh nổ máy phóng về bờ. Vừa cầm lái về bờ anh Huyên vừa kể: Thường một buổi câu gặp đàn mực như nay có thể kéo dài tới 3-4 giờ sáng, có thể thu được 10-15kg mực. Có hôm "trúng quả" có thể được hàng chục kg. Tính ra giá thị trường cũng được 250.000 đồng/kg. Mực trứng hoặc mực to dài tầm hơn 1 gang tay thì được bán với giá 350.000 đồng/kg. Mực Minh Châu rất đắt khách ngay khi về đến bờ hoặc đưa vào cảng Cái Rồng. Trừ hết dầu mỡ, vật tư, trung bình cũng kiếm được ít nhất 1-2 triệu đồng/đêm.
Quả thật, công lao động và thu nhập đi câu mực khá hấp dẫn. Năm nay, mùa sứa đang dần "hạ nhiệt" do khó tiêu thụ, nhiều hộ dân đã chuyển sang câu mực. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm cho ngư dân mùa nhàn rỗi.
"Nghe hấp dẫn là vậy nhưng nghề này cũng khá vất vả, "đi sớm thức khuya". Nếu được con nước, sau chuyến câu đêm chúng tôi lại tiếp tục chuyến khác vào chiều hôm sau. Mệt thì nằm nghỉ luôn trên sàn mảng. Đói thì vớt mực nấu mỳ tôm ăn. Mảng lớn thôi chứ mảng nhỏ, ngư dân chỉ nhịn hoặc thức trắng tới sáng về bờ. Buổi câu này nối tiếp buổi kia, thường thì chỉ kết thúc vào khoảng 3-4h sáng hôm sau. Thế nên đi biển thường là đàn ông, người khỏe mạnh, chịu được sóng to, gió lớn", anh Huyên tâm sự về nghề biển anh đã theo hàng chục năm nay.
Vất vả là vậy thế nhưng không thể đi cả tháng, trung bình dân đi câu chỉ có thể đi chừng 13-15 buổi câu là nhiều. Thế nhưng, không phải ngày nào cũng "thắng". Nhiều hôm tay trắng về bờ không có mực hoặc khi đang câu trời nổi sóng gió, mực chạy hết, phải thu đồ chạy vào bờ tránh giông gió. Khu vực cửa Đối, sóng gió thay đổi nước chảy rất mạnh, rất nguy hiểm cho tàu bè.
Theo ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, đây là nghề truyền thống của ngư dân Minh Châu. Hiện toàn xã có khoảng trên 20 mảng từ 10-30CV của ngư dân tham gia câu mực. Những năm trước, đặc biệt mùa mực 2017, chính vụ, ngư dân có khi câu được 70-80kg/tối. Sản lượng mực ống cả mùa của xã đạt hàng chục tấn. Thế nên đây cũng là một nguồn thu đáng kể của ngư dân Minh Châu.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều du khách ra Minh Châu rất háo hức được trải nghiệm làm ngư dân đi câu mực. Tôi còn nhớ câu chuyện anh Huyên kể có hôm, có đoàn khách thích câu mực thuê mảng ra vụng Cây Nhãn, vụng yên sóng gió ngay đầu cảng, thả câu cả đêm được trên 50kg mực. Vừa ăn vừa đóng thùng đá đưa về nhà làm quà... Nhiều mảng lớn cũng bố trí cho khách đi câu, trang bị đầy đủ chỗ ngồi, trang thiết bị an toàn. Mỗi chuyến trải nghiệm đêm thuê tàu chi phí từ 1,5-2 triệu đồng...
Tạm biệt Minh Châu tôi còn nhớ như in bữa nhậu khuya sau chuyến câu, gồm mực tươi hấp xả, mực chao, cá nấu canh chua... Anh Huyên chọn những con mực to, ngon nhất đãi khách: "Của nhà làm được mình phải mang thưởng thức chứ". Câu nói thể hiện đúng tình cảm, "chất" hiếu khách của người dân Minh Châu. Đối với chúng tôi đó không chỉ là bữa ăn thật thịnh soạn mà còn là tình cảm khiến chúng tôi và những du khách tới đảo Minh Châu nhớ mãi. Sự nhiệt tình hiếu khách, tôi cũng mong rằng xã Minh Châu sẽ mở hướng, đưa du khách trải nghiệm cùng ngư dân đi câu mực hoặc đi biển vào tour du lịch cộng đồng theo dự án của JICA tài trợ. Đó chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm, một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách, tạo nguồn thu ổn định cho ngư dân Minh Châu.
Bài, ảnh: Hà Phong
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()