Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:18 (GMT +7)
“Mục tiêu kép” của bảo hiểm xã hội
Thứ 2, 21/06/2021 | 15:39:15 [GMT +7] A A
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đời sống kinh tế - xã hội, thị trường lao động việc làm trong cả nước.
Trước những khó khăn đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” là phát triển số người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Theo BHXH Việt Nam, ước tính đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH khoảng 16,507 triệu người, tăng 1,364 triệu người (tăng 9,01% so cùng kỳ năm 2020 và tăng 344.000 người so hết năm 2020) và chiếm 33,16% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó: BHXH bắt buộc khoảng 15,231 triệu người, BHXH tự nguyện khoảng 1,276 triệu người, BH thất nghiệp khoảng 13,525 triệu người (tăng 809.000 người so cùng kỳ 2020 và tăng 201.000 người so cuối năm 2020), chiếm 27,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ðặc biệt, BHYT có sự tăng trưởng khi số người tham gia BHYT đạt khoảng 88,111 triệu người, tăng 2,590 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 90,27% số dân.
Trong sáu tháng, ngành BHXH đã giải quyết 39.972 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 535.688 người hưởng trợ cấp một lần (trong đó, có 492.780 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần); giải quyết cho hơn 4,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 350.936 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp, trong đó 343.169 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.767 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Cả nước có khoảng 77,945 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT nội và ngoại trú. Ước chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sáu tháng đầu năm là 178.576 tỷ đồng, trong đó chi quỹ BHXH là 120.380 tỷ đồng, chi quỹ BH thất nghiệp là 7.703 tỷ đồng và chi KCB BHYT là 50.493 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã đề xuất và thống nhất Bộ Y tế về việc triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" khi đi KCB BHYT từ ngày 1-6-2021 trên phạm vi toàn quốc. Sau gần một tháng triển khai, đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân và các cơ sở KCB vì sự nhanh, gọn, thuận tiện, giảm bớt nhiều khâu thủ tục, giấy tờ và bắt kịp xu hướng chuyển đổi số. Ðặc biệt, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: Tổ chức kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối đa ba tháng); xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người bệnh; thanh quyết toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm thuận lợi cho người tham gia BHYT và an toàn trong phòng, chống dịch bệnh…
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch
BHXH Việt Nam luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động, kịp thời nắm bắt hình hình để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đồng thời với việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành kịp thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Tính đến hết tháng 5-2021, đã tiếp nhận hồ sơ và quyết định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, với 192.503 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất hơn 786 tỷ đồng. Xác nhận danh sách người lao động tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của doanh nghiệp đối với 168.163 lao động…
Trong bối cảnh dịch bệnh mới, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4-2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4-2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ. Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ BH thất nghiệp. Theo đó, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại khoản 5 Ðiều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ ngày 1-6 đến hết 31-12-2021. Ðặc biệt, BHXH Việt Nam đã đề xuất trong thời hạn ba ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do họ lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()