Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:59 (GMT +7)
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP từ khoa học và công nghệ
Thứ 4, 21/02/2024 | 10:19:25 [GMT +7] A A
Việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã và đang được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX chú trọng.
Là doanh nghiệp KH&CN của tỉnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) luôn chú trọng yếu tố KH&CN, coi đây là đòn bẩy nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng cho các sản phẩm. Bavabi đang có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai. Theo chị Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty Bavabi: Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại để chế biến hải sản và hệ thống vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín đảm bảo VSATTP tuyệt đối, thay thế cho phương pháp thủ công trước đây. Nhờ đó, các sản phẩm của Bavabi nói chung và các sản phẩm OCOP của Bavabi nói riêng giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất và an toàn đối với người tiêu dùng.
Được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Ninh, nước mắm sá sùng Vân Đồn thương hiệu Vanbest của Công ty TNHH MTV Newstar có đầu ra tương đối rộng ở thị trường trong và ngoài tỉnh với lượng tiêu thụ khoảng 40.000 lít/năm. Để có được những sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại vào khâu chế biến, đóng gói. Đồng thời, áp dụng hệ thống quản lý VSATTP HACCP; ISO 22000 và công cụ 5S vào quy trình quản lý, sản xuất và đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Còn đối với sản phẩm OCOP Trứng gà Tân An, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN cũng được chủ thể sản xuất triển khai từ rất sớm. Hiện đơn vị này đang có lộ trình nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP Trứng gà Tân An. Để thực hiện mục tiêu này, Trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên) đặc biệt chú trọng đến giải pháp về KH&CN. Theo anh Phạm Như Ngọc, quản lý sản xuất trang trại: Chúng tôi đã sử dụng công nghệ sinh học, hệ thống làm mát chuồng, công nghiệp điện tạo ánh sáng trong chăn nuôi. Cùng với đó là hệ thống cho ăn tự động giúp kiểm soát lượng thức ăn và tiết kiệm chi phí nhân công lao động. Đặc biệt, từ cuối năm 2023, một số khâu trong quy trình chăn nuôi đã được trang trại áp dụng số hóa như: Số lượng, thức ăn, vệ sinh, chất lượng trứng… nhằm quản lý một cách chặt chẽ, hệ thống hơn. Qua đó, đảm bảo mỗi quả trứng đưa ra thị trường là những sản phẩm chất lượng nhất.
Cũng thông qua việc ứng dụng KH&CN, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Tiêu biểu như sản phẩm OCOP chè Hải Hà. Để phát triển thương hiệu này, nhiều công nghệ mới về thu hái, sao, sấy, chế biến, đóng gói... đã được người trồng chè và các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh nơi đây chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến chè theo hướng chuyên nghiệp. Đơn cử như cơ sở Dũng Nga đã đầu tư mới dây chuyền chế biến, bao gói hiện đại, trị giá 1,2 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ... đến nay hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hình thành nhờ ứng dụng KH&CN, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội. Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản xuất, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()