Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 19:59 (GMT +7)
Nét đẹp truyền thống ngày Tết Nguyên tiêu
Thứ 7, 24/02/2024 | 12:43:11 [GMT +7] A A
Theo âm lịch, hôm nay là Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng nguyên hay Tết Nguyên tiêu, là ngày rằm đầu tiên của năm mới. Trong tâm thức người Việt, đây là ngày lễ trọng đại, không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo với ước nguyện mong cầu bình an cho cả năm mà còn mang tinh thần hướng về tổ tiên, nguồn cội. Bởi thế người Việt vẫn tâm niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng"...
Đã thành thông lệ, gác lại những bận rộn của cuộc sống, vào ngày Rằm tháng Giêng, gia đình bà Nguyễn Thanh Hương, tổ 13, khu 3, phường Hòn Gai, TP Hạ Long lại quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên. Năm nào cũng vậy, mâm cơm cúng của gia đình bà luôn đủ màu sắc với những món ăn đặc trưng của người Việt như: Gà luộc, xôi, canh bóng, chả nem…
Với gia đình bà Hương, đây không chỉ là phong tục của dân tộc, dịp để gia đình sum họp, tưởng nhớ tới tổ tiên, mà còn giáo dục con cháu những truyền thống quý báu của dân tộc.
Bà Hương chia sẻ: Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên trong năm mới. Ngoài việc các thành viên sum họp, đoàn tụ, quây quần bên nhau, gia đình tôi làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, bày tỏ lòng biết ơn với người đã khuất. Theo quan niệm của người Việt, đầu xuôi đuôi lọt, ngày mùng 1 tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu đều mang hy vọng khởi đầu cho một năm mới hanh thông. Do đó, gia đình còn cầu mong một năm mới an lành, may mắn, bình an. Vì thế, vào ngày này, tôi cùng các con đi chợ từ sớm để mua sắm đồ lễ như: hoa, quả, trầu, cau… để bày bàn thờ, đồng thời, sửa soạn mâm cỗ cúng tổ tiên với nhiều món ăn truyền thống.
Ngày Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm của người Việt. Cùng với việc cúng bái tổ tiên, trời đất, người đã khuất, nhiều người dân thường đi chùa lễ Phật hoặc đến các đền, miếu, di tích lịch sử để cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống.
Với nhiều gia đình, việc đi lễ chùa vào ngày Rằm tháng Giêng không chỉ để ước nguyện những điều may mắn, bình an, hạnh phúc, mà còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả, toan tính trong cuộc sống mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, khi đến cửa Phật, đất Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên thanh thản. Đến đây, người dân còn thưởng lãm vẻ đẹp thanh tịnh, bình an, dung dị của chốn linh thiêng trong tiết xuân.
Anh Lê Văn Xiêm, Giám đốc Công ty CP Tiếp vận toàn cầu SM Việt Nam, Hà Nội, cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức cho nhân viên trong Công ty đi du xuân tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Chùa Long Tiên, khu di tích danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông… vào những ngày gần Rằm tháng Giêng - là những ngày đầu năm mới. Chúng tôi tổ chức đi du xuân để nhân viên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương khi mùa xuân đến và động viên tinh thần, tạo khí thế phấn khởi đầu năm. Tới đây, chúng tôi vừa tham quan, chụp ảnh, vừa thắp hương lễ Phật để cầu ước cho một năm mới bình an, may mắn, tài lộc.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Long Tiên, cho biết: Vào ngày Rằm tháng Giêng, chùa Long Tiên thường xuyên đón lượng lớn người dân và du khách tới tham quan, chiêm bái, lễ Phật. Đặc biệt, chùa còn đón nhiều đoàn phật tử từ khắp nơi lễ Phật. Do đó, việc đảm bảo văn minh tín ngưỡng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được Ban quản lý thực hiện nền nếp, bài bản, chu đáo. Cùng với đó, Ban cũng tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn văn minh tín ngưỡng, bố trí khu vực đỗ xe cho du khách tại cổng chợ Hạ Long 1, sắp xếp lực lượng dân quân phân luồng giao thông.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, hối hả, tất bật nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống của ngày Rằm tháng Giêng vẫn luôn được lưu giữ, qua đó, vun đắp tinh thần người Việt thêm trân trọng cội nguồn, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân lên những giá trị tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()