Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:46 (GMT +7)
Nghệ sĩ Ưu tú Bắc Việt, như tôi biết...
Thứ 5, 26/01/2023 | 14:49:23 [GMT +7] A A
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Bắc Việt sinh năm 1954, từng là một trong các diễn viên gạo cội của Đoàn Kịch nói Quảng Ninh (nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh). Trước khi là một nghệ sĩ sân khấu, Bắc Việt đã có nhiều năm trong quân ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Con đường đến với nghề
Nghệ sĩ Nguyễn Bắc Việt quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tháng 12/1971, khi mới 17 tuổi, anh theo lệnh Tổng động viên nhập ngũ, thuộc Đại đội 13, thông tin vô tuyến Trung đoàn xe tăng 203, huấn luyện tại Cẩm Ly, Quảng Bình. Sau 3 tháng, anh lính trẻ Bắc Việt được đưa thẳng vào Quảng Trị, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt nhất lúc bấy giờ. Cả chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” với 81 ngày đêm ở Quảng Trị, với chiếc máy thông tin 2W 114Đ của Liên Xô nặng 21kg trên lưng, Bắc Việt cùng với đồng đội lăn lộn hết các đồi trọc núi cao, vượt qua mọi đạn bom pháo kích của địch, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho Trung đoàn.
Giải phóng xong Quảng Trị, đơn vị tăng thiết giáp của anh về Gio Linh, Cam Lộ xây dựng doanh trại, củng cố lực lượng. Bấy giờ lãnh đạo đơn vị mới nhớ ra Bắc Việt... khá điển trai, lại có tài văn nghệ. Ngoài khiếu đóng kịch, Việt lại có tay đàn guita, chơi đàn tam bát và thổi kèn acmônica khá mượt. Thành thử khi thành lập Đội Tuyên văn của Trung đoàn, Việt lọt vào danh sách đầu tiên của Đội.
Tháng 10/1973, khi ra Bắc tham gia Hội diễn văn nghệ toàn quân của binh chủng Tăng thiết giáp tại Vĩnh Phú, tài nghệ của Việt đã cùng với Đội Tuyên văn Lữ đoàn đoạt giải nhất của Bộ Tư lệnh. Riêng anh được tặng giấy khen và được Lữ đoàn thưởng 15 ngày “Phép B” (một phần thưởng có giá trị lớn lúc bấy giờ).
Sau Hội diễn và nghỉ phép trở về đơn vị, Đội Tuyên văn của Việt nhận nhiệm vụ đi phục vụ bộ đội và nhân dân vùng mới giải phóng ở Quảng Trị, nhất là các bản ở vùng cao A Sầu, A Lưới. Đội đi tới đâu cũng được chiến sĩ và đồng bào yêu quý, mến mộ.
Được một thời gian, Bắc Việt được cử đi học lớp báo vụ ở Trường Thông tin Quân đoàn 2 ở Cam Lộ (Quảng Trị). Chuẩn bị tốt nghiệp thì anh bị ngã bệnh do vết thương cũ tái phát bởi hậu quả của một lần bị bom vùi và vết thương ở đầu trong một lần cùng đồng đội đi lấy gạo. Trải qua nhiều đợt điều trị, cho đến đầu tháng 4/1975, Bắc Việt phải ra Bắc vào Quân y viện 10 tại Bắc Ninh chữa trị, sau đó về Đoàn an dưỡng 155 ở Hải Dương. Rồi sau đó do không đủ sức khoẻ để tiếp tục công tác, anh được chuyển ngành.
Nhân có ông chú ruột tên Nguyễn Quý Lừng, là Phó Đoàn ca múa Quảng Ninh cho biết Đoàn ông đang tuyển người, Bắc Việt bèn khăn gói đến Quảng Yên dự tuyển. Bắc Việt nhớ như in buổi đầu đến kiểm tra năng khiếu, Phó đoàn Ca múa khi ấy là ông Dương Phú thấy Bắc Việt đẹp trai nên hỏi: “Cậu có tài năng gì?”. Việt trả lời: “Dạ, em đánh được đàn guita ạ”. “Đánh thử xem nào”. Việt so dây xong, chơi luôn hai bản “Sì pô nê” và “Tây bán cầm”. “Được, ngón đàn của cậu khá đấy. Cậu học ở trường nhạc nào, Sài Gòn hay Hà Nội”. “Em tự học bạn bè trong đơn vị”. Ngẫm nghĩ một lát, ông Phú bảo: “Vậy thì cậu phải đi học, học chuyên nghiệp 5 năm. Đoàn sẽ giới thiệu cho cậu lên Hà Nội học tại Học viện Âm nhạc Việt Nam. Nhưng xin nói ngay gia đình cậu phải lo toàn bộ kinh phí đấy!”. “Chết! Nhà em nghèo biết lấy đâu ra tiền mà học?”. Cả hai đều lặng đi... Chợt Bắc Việt nhớ tới chiếc băng zôn treo ngay phía ngoài đường “Đoàn Kịch nói Quảng Ninh tuyển diễn viên”. Thế là 4 giờ sáng ngày hôm sau, anh trốn ông chú cuốc bộ một mạch 60 cây số ra ngay Bãi Cháy.
Trước Hội đồng Nghệ thuật của Đoàn, Bắc Việt diễn tiểu phẩm trích trong vở kịch ngắn “Đường rút” (vở diễn ở đơn vị) rất suôn sẻ, mọi người vỗ tay. Trưởng đoàn Nhật Chinh nói luôn: “Cậu về ngay Đoàn an dưỡng làm thủ tục chuyển về Đoàn kịch, để kịp cùng anh em vào Nam lưu diễn phục vụ bà con mấy tỉnh kết nghĩa Bà Rịa, Long Châu Hà”. Thế là cuộc đời Bắc Việt bước sang trang mới từ đây.
Một đời đắm đuối vì nghệ thuật
Với Bắc Việt thì ở anh là cả một giai đoạn dài phải phấn đấu hết sức gian nan và cực nhọc. Bởi bấy giờ ở Đoàn Kịch nói Quảng Ninh có một giàn diễn viên nam rất nổi trội như Hồ Tháp, Đăng Ngang, Phan Long, Sơn Bách, Trọng Thịnh (học khoá đầu tiên của Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam). Lại có cả Bằng Thái đã từng đóng phim, vai Lý Tử Trọng nổi tiếng lúc Thái mới 17 tuổi. Làm sao để theo kịp và vượt lên các bậc đàn anh? Đó là cả một câu hỏi lớn mà Việt phải tự mình tìm ra câu giải đáp. Chỉ có học và học. Anh đã tốt nghiệp đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội với tấm bằng loại giỏi. Việt luôn nghĩ “Ở đời cái gì không thành công hôm nay thì ngày mai phải thắng lợi, miễn là ta không được thoái chí”. Trong các bài học về bếp núc của nghề diễn kịch, Việt chú trọng tới hành động hình thể, ngôn ngữ nhất là sử dụng “đài từ”, bởi đây là kịch nói, phát âm phải chuẩn và có sức nặng. Làm sao phải xoáy được vào tận con tim của người xem những lần dàn tập và biểu diễn. Qua từng vở một, anh tiến bộ không ngừng, được các đạo diễn tin yêu, trao cho nhiều vai diễn quan trọng, như vai bố trong vở “Bố và con”, vai Páp Lích trong vở “Người cha thô bạo”, trung uý công an Hoài trong vở “Hương gai”, ông Sủ trong vở “Lời nguyền của biển”, vai tử tù trong vở “Hoa bất tử”, vai cha cố trong vở “Tình yêu mùa nho chín” v.v..
Bắc Việt đã giành nhiều thành công qua các kỳ hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc như vai Trần Đàm trong vở “Kẻ giấu mặt” được tặng thưởng Huy chương Bạc năm 1991, vai ông chồng trong vở “Oan con lắm bố ơi” đoạt Huy chương Vàng năm 1994. Năm 1995, anh đoạt Huy chương Vàng toàn quốc với vai Chung trong vở “Người không thể chết”. Năm 1996, giành Huy chương Bạc vai Thoại trong vở “Biển không yên tĩnh”. Năm 2001, anh giành Huy chương Vàng vai Tài tỉ phú trong vở “Tiếng hát sơn ca”. Năm 2004, anh giành Huy chương Bạc vai bác sĩ Tùng trong vở “Người đàn bà uống rượu”.
Tháng 8/2005, tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân ở Nhà hát Lớn Hà Nội, với vai Trung tá Hoàng Đảm trong vở “Khoảnh khắc mong manh”, Bắc Việt được nhận hai giải liền trong một vở diễn: Một giải Vàng do Bộ Công an trao và một giải “Diễn viên xuất sắc nhất” của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá - Thông tin tặng.
Với những thành tích, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, ngày 11/1/2007, Nguyễn Bắc Việt đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Như đã nói, ngoài tài năng diễn xuất sân khấu, Bắc Việt còn có tài đóng phim rất điệu nghệ. Đã có nhiều đoàn phim mời anh tham gia nhưng đi đóng phim sao được khi Đoàn Kịch Quảng Ninh cứ lưu diễn liên miên. Đến nỗi có kỳ anh xin đi học thêm nghề đạo diễn thì ông Trưởng đoàn kêu: “Cậu đi học thì lấy ai biểu diễn?”. Mãi đến sau này, khi được nghỉ hưu, Bắc Việt mới được thoả chí tung hoành. Và đây là những vai diễn rất đáng nhớ của Bắc Việt trên lĩnh vực đóng phim: Vai chủ hãng buôn Long Ký trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, vai Giám đốc Sở Công an trong phim “Vùng cửa sóng”, vai Đội Hiền trong phim “Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình”, vai ông Biền trong phim “Người giữ lửa”, vai Phó tư lệnh Không quân trong phim “Cao hơn bầu trời”, vai Trung uý Thông tin trong phim “Người lính biển” v.v..
Anh còn liên tục viết tiểu phẩm và trực tiếp đạo diễn cho các đội văn nghệ ở cơ sở, tham gia các kỳ hội diễn của tỉnh, của trung ương và các ban ngành, đoạt nhiều giải cao và được anh chị em diễn viên không chuyên yêu kính và mến mộ. Ngoài diễn xuất, Bắc Việt còn làm thợ may, chụp ảnh và quay video đám cưới để kiếm thêm kinh phí phụ giúp gia đình những khi gặp thiếu thốn, khó khăn. Anh làm việc không biết mệt cho tới khi lần thứ hai anh ngã bệnh. Anh phải đi cấp cứu chuyển hết bệnh viện tỉnh lên trung ương rồi lại về tỉnh. Liên tục gần 2 năm mà đến nay mắt trái của anh không còn nhìn thấy gì. Cả vùng đầu vẫn đau nhức thường xuyên. Trong lúc đó vợ đã không lương lại bị ung thư phải đi mổ ở Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội. Khó khăn là vậy nhưng mỗi lần gặp, tôi vẫn thấy ở Bắc Việt toát lên sự lạc quan yêu đời, yêu nghề một cách đáng trân trọng và khâm phục.
Vân Nam
Liên kết website
Ý kiến ()