Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:29 (GMT +7)
Người dân được gì khi xây dựng Đặc khu Vân Đồn?
Thứ 3, 24/10/2017 | 05:57:41 [GMT +7] A A
Từ nay đến hết ngày 31/10, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức các buổi lấy ý kiến của cử tri Vân Đồn về Đề án xây dựng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Thực ra không đợi đến bước này người dân Vân Đồn nói riêng và hơn 1 triệu dân Quảng Ninh mới quan tâm đến việc xây dựng Đặc khu Vân Đồn. Còn nhớ từ năm 2012 khi tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án Khu Kinh tế đặc biệt Vân Đồn báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, thì rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng của huyện Vân Đồn và tỉnh đã có ý kiến tham gia với Đề án này.
Trên quan điểm nhận thức chung cần có đột phá để phát triển mạnh mẽ, người dân Vân Đồn từ thời điểm đó đã đồng thuận, nhất trí cao khi bàn giao nhà cửa, đất canh tác sản xuất, di dời mồ mả cha ông, dòng họ, nhường đất cho các dự án đầu tư hạ tầng được triển khai thực hiện. Và kết quả là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường trục chính nối trong Khu kinh tế, dự án trung tâm dịch vụ cao cấp có casino… đã hình thành và sẵn sàng đón Đặc khu.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với các thể chế, cơ chế chính sách có độ mở cao nhất, Đặc khu Vân Đồn sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế: GRDP tăng từ 2.000 tỷ đồng (năm 2016) lên hơn 141.000 tỷ đồng (năm 2030), tăng trên 70 lần. Thu nhập bình quân đầu người từ 2.273 USD (năm 2016) lên 21.300 USD (năm 2030), tăng gần 10 lần. Với việc cơ cấu lại nền kinh tế, sẽ dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương cũng như sự chuyển dịch lao động của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Song cùng với đó, người dân được thụ hưởng các chính sách an sinh - xã hội của nhà nước tốt hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. Các hoạt động liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như việc giải quyết về khai sinh, kết hôn, khai tử, y tế, giáo dục, an sinh xã hội... đều được giải quyết nhanh, công khai, minh bạch, không phiền hà.
Để bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân, Ủy ban Pháp luật Quốc hội khi xem xét thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (trong đó có Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn) đã yêu cầu phải làm rõ những nội dung bảo đảm giá trị pháp lý và các giấy tờ tương ứng được cấp cho người dân vẫn được công nhận trên toàn quốc như việc khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận lý lịch; cung cấp dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh…
Đặc biệt đối với nhóm lao động dễ bị tổn thương khi xây dựng Đặc khu được quan tâm bổ sung các quy định về định hướng chính sách lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội đối với một số đối tượng đặc thù sẽ phát sinh trên địa bàn Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, cụ thể là: Lao động trong các hộ gia đình bị thu hồi đất hoặc phải chuyển đổi sinh kế theo quy hoạch phát triển của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lao động di cư, chính sách ưu tiên việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo hoặc phải chuyển đổi sinh kế; trợ cấp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách nhà ở tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất...
Theo quy định tại Điều 76 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hiện tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện các bước để lấy ý kiến nhân dân huyện Vân Đồn để báo cáo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Như vậy việc thời gian trình Quốc hội thông qua Đề án thành lập Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 5 này hay kỳ họp khác của Quốc hội, từ những ý kiến của cử tri Vân Đồn trong những ngày tới.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()