Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:28 (GMT +7)
Người dân Quảng Ninh mong chờ Luật đặc khu
Thứ 7, 30/09/2017 | 06:08:45 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực, thể hiện quyết tâm cao trong xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt Vân Đồn cũng như tham gia xây dựng Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt. Phấn khởi và hy vọng về sự phát triển đột phá của địa phương, nhân dân trong tỉnh cũng tích cực tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt.
Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển 3 đơn vị HC-KT đặc biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Luật sẽ được Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khảo sát quy hoạch Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, tháng 8/2017. Ảnh: Hùng Sơn |
Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng Dự án Luật, trong đó đề xuất nhiều nội dung liên quan đến các chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt đối với Vân Đồn trên tinh thần và quan điểm: Đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường... Đồng thời, tỉnh mong muốn Luật quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với các luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng của Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc quyết định các nội dung của Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt cần xem xét đồng bộ các nội dung Đề án của Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn đã xây dựng, nhằm tạo đột phá về thể chế hành chính, chính sách về kinh tế - xã hội ở những khu vực có vị trí, tiềm năng, lợi thế vượt trội, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bày tỏ phấn khởi và hy vọng lớn về những đột phá của tỉnh Quảng Ninh khi tới đây Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn được thành lập cũng như Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt được Quốc hội thông, ông Nguyễn Xuân Lương (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) nói: “Tôi cũng như bà con địa phương rất phấn khởi với chủ trương thành lập Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn. Đặc biệt tới đây Quốc hội thông qua Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt để áp dụng cho các khu HC-KT đặc biệt. Tôi mong mốn Trung ương và Quốc hội thống nhất đưa vào Luật những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, để tạo điều kiện cho huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội…”.
Tham gia góp ý kiến vào Dự án Luật, tại buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khóa XIV tại TP Cẩm Phả diễn ra mới đây, cử tri Nguyễn Thị Huyền Thư cho rằng: "Luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý để triển khai mô hình đơn vị HC-KT đặc biệt, khai thác tốt nhất tiềm năng của một số khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh đầu tư, hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý mới. Đồng thời, tạo thêm nguồn lực, động lực góp phần thúc đẩy nhanh, phát triển tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Mục tiêu của việc thành lập các đơn vị HC-KT đặc biệt là phát huy đặc thù, thế mạnh và sự tự chủ, đa dạng hóa chính quyền địa phương. Theo tôi các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội cần được quy định rõ trong Luật, đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Do vậy, Luật cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các đặc khu...".
Cử tri huyện Vân Đồn tham gia ý kiến vào Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt tại buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH tỉnh, tháng 9/2017. |
Nhiều cử tri trong tỉnh bày tỏ mong muốn, đóng góp nhiều ý kiến tham gia vào Dự án Luật. Đó là: Độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị HC-KT đặc biệt tại Việt Nam cần được nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện, khả năng, phát triển, đặc điểm về chính trị, pháp luật, chế độ kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất thiết phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế... Để tạo ưu thế vượt trội cho các đặc khu thì Dự án Luật cần có các quy định mang tính vượt trội, vượt trên các quy định của các luật hiện hành. Chẳng hạn như: Luật Đất đai hiện hành cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế; trong khi nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này đến 99 năm. Do đó, Dự án Luật nên quy định theo hướng dài hạn, tăng thời hạn được giao đất, cho thuê và sử dụng đất. Nhiều cử tri cũng cho rằng: Mục tiêu của Luật là tạo cho các đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, lan tỏa và trở thành cực tăng trưởng của cả nước. Muốn vậy, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, đảm bảo minh bạch, ổn định phù hợp với tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh, không phân biệt, đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài…
“Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 23/10 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều dự án luật, trong đó có Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt. Thời gian qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, Dự án Luật không đặt ra vấn đề cạnh tranh giữa 3 khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) mà cần cân nhắc đặc điểm, tình hình của từng khu để đưa ra những cơ chế, chính sách ưu tiên, phù hợp, đặc biệt là mặt kinh tế và quan trọng nữa đó là thể chế đối với từng khu vực” - Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết.
Nguyễn Huế
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()