Nhiều tháng nay, người dân các xã Châu Hồng, Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An luôn sống trong cảnh bất an vì hố "tử thần" liên tiếp xuất hiện. Nhiều hố rộng 2-7 m, sâu 2-2,5 m. Hiện tượng sụt lún xuất hiện cùng thời điểm tại xã Châu Hồng, hàng trăm giếng nước sinh hoạt của người dân cạn trơ đáy.
Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn khảo sát, kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Lý giải hiện tượng, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, Quỳ Hợp là vùng núi đá vôi, có nhiều hang karst ngầm. Khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như mưa lớn kéo dài hoặc hanh khô, mực nước hạ thấp sẽ gây ra sụt lún.
"Lần sụt lún này ở Quỳ Hợp được xác định là do thời tiết hanh khô, nước ngầm, nước sông hạ thấp xuống nhanh làm tăng tải trọng lên trần hang, dẫn đến sụt lún.", PGS Tân nói và cho biết không bất thường. Nước ngầm ở đây được coi như "bệ đỡ" của các khu vực có hang karst ngầm. Khi không còn nước, các hang này sập sụt, gây ra hố "tử thần".
"Nước luôn là "thủ phạm" trong các vụ sụt sập, sụt lún nền đất, tạo nên các khoảng trống ngầm trong nền đất. Điều này cũng đúng cả trong trường hợp các hố tử thần ở các đô thị lớn nằm trên nền đất yếu như TP HCM và Hà Nội", ông Văn nói.
Ở các vùng đá vôi có những chỗ đá chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) dễ bị dòng nước hòa tan, tạo nên hang hốc. Quá trình hòa tan, kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst. Các hố sụt karst có vô số ở những vùng đá vôi, đặc biệt hay tạo thành dải những hố sụt tròn, đường kính và độ sâu thay đổi từ một vài mét cho đến một vài chục, thậm chí một vài trăm mét, bên trên các dòng chảy ngầm.
PGS Văn cảnh báo, những vùng đã từng xuất hiện hố "tử thần", khả năng rất cao trong tương lai sẽ tiếp tục có các hố sụt tiếp theo. Hiện đã có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô nhưng chưa có công nghệ nào khắc phục được các hố sụt, kể cả đổ đầy bê tông, cát sỏi, một thời gian ngắn sau sẽ bị rửa trôi. Do vậy, người dân nên đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện để di dời đi nơi khác.
"Nếu đang sống cạnh núi đá vôi, rất có thể phía dưới có đá vôi ngầm, các hang hốc ngầm, dễ xảy ra sập sụt khi mưa to gió lớn hoặc hanh khô. Đặc biệt ở những nơi gần sông, khai thác mỏ, khai thác nước ngầm... khi hạ thấp mực nước ngầm nhanh chóng đều có khả năng gây ra sập sụt", ông Văn cho hay.
Hiện Việt Nam hầu như chưa thực hiện điều tra khảo sát hiện tượng sập sụt hang động toàn diện. Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án điều tra khảo sát ở vùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... Để có một bản đồ cảnh báo hoàn thiện, ông Văn cho rằng cần khảo sát ở tất cả các vùng núi đá vôi (chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc).
Theo đó ông Văn kiến nghị Nhà nước sớm có kế hoạch điều tra khảo sát, khoanh vùng để di chuyển người dân sống ở những nơi có nguy cơ sập sụt cao đến vùng có địa chất an toàn.
Ý kiến ()