Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:22 (GMT +7)
Nhà báo Nguyễn Đôn Minh và cuốn hồi ký "Dấu ấn một thời"
Thứ 2, 01/01/2024 | 14:02:03 [GMT +7] A A
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng và báo chí của mình, cố nhà báo Nguyễn Đôn Minh để lại tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự đào tạo và dấn thân hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhà báo Nguyễn Đôn Minh sinh năm 1931, quê ở Bình Ngọc, Móng Cái. Ông hoạt động bí mật tại Bình Ngọc từ năm 1947 đến tháng 4/1949 thoát ly lên chiến khu Ba Chẽ làm cán bộ văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Ninh rồi trải qua nhiều cương vị khác nhau, như: Chánh văn phòng Huyện ủy Móng Cái, Bí thư Huyện Đoàn Móng Cái, Trưởng Ban Biên tập báo và Đài Truyền thanh tỉnh Hải Ninh, Phó trưởng Ty Văn hóa tỉnh Hải Ninh.
Trong hồi ký của mình, nhà báo Nguyễn Đôn Minh viết: Năm 1960, tôi được cử đi học lớp đào tạo phóng viên, biên tập báo chí ở trung ương. Đi học về năm 1961, tôi được Tỉnh ủy Hải Ninh điều sang làm lãnh đạo phòng thông tin, trực tiếp phụ trách tờ Báo Hải Ninh và Đài Truyền thanh tỉnh Hải Ninh. Tôi về phòng thông tin, được bàn giao công việc và số người làm báo và phát thanh. Một số cơ sở phục vụ cho tờ báo và phát thanh có tổ in báo chữ Việt, cả xếp chữ và máy in có 6 người do anh Phùng Xuân Khoa phụ trách. Tổ in báo chữ Hán cả xếp chữ và máy cũng có 6 người do anh Cấu Hồng phụ trách. Trạm máy phát thanh có 10 người. Do nội dung tờ báo dần dần được cải tiến, bỏ bớt các tin hội họp, tăng các tin nói về cơ sở sản xuất và đoàn kết dân tộc, có ảnh minh họa... nên tờ báo ngày càng được đông đảo bạn đọc yêu thích. Các cơ quan, đoàn thể và các hợp tác xã yêu cầu mở rộng phát hành. Được Ban Tuyên giáo khuyến khích, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Chính đã cho in tăng số lượng phát hành báo chữ Việt lên 2.000 số/kỳ, chữ Hán 1.000 số/kỳ. Việc phát hành không phải do tòa soạn làm mà giao sang cho ngành bưu điện phát hành, từng bước thu tiền và bước đầu trả nhuận bút cho cộng tác viên. Cuối năm 1962, Tỉnh ủy cho mua 1 máy ghi âm. Lần đầu tiên tôi phỏng vấn Chỉ huy trưởng Công trường đê Hà Dong (Tiên Yên) và cũng từ đó, nội dung các buổi phát thanh được chú ý hơn.
Những năm phụ trách báo chí ở Hải Ninh, nhà báo Nguyễn Đôn Minh may mắn được Tỉnh ủy cử đi theo Bác để tuyên truyền. Ông kể trong hồi ký chuyện một lần bị Bác phê bình: "Tôi viết một số gương người tốt, việc tốt để đăng báo. Trong đó có gương người tốt, việc tốt được Bác tặng huy hiệu của Người. Đó là chị Chìu Nhì Múi huyện Ba Chẽ có thành tích đưa bèo hoa dâu lên núi để thâm canh lúa, đạt năng suất cao nhất vùng. Bác xem báo Hải Ninh tặng chị Múi huy hiệu của Người. Khi đưa về, Tỉnh ủy Hải Ninh chỉ thị cho huyện Ba Chẽ tổ chức trao cho chị Múi nhưng Huyện ủy không dám nhận vì không có chị Chìu Nhì Múi dân tộc Dao. Thường trực Tỉnh ủy hỏi, tôi xem lại bài báo thì thấy đánh máy nhầm: Chị Múi là dân tộc Tày. Thường trực Tỉnh ủy báo cáo Bác “nhà báo viết nhầm”. Sau đó, nhận được công văn của Văn phòng Phủ Chủ tịch trả lời: “Nếu đúng như báo đăng thành tích chị Múi đưa bèo hoa dâu lên núi, Bác cũng tặng huy hiệu. Nhưng nhắc nhà báo phải viết cho đúng. Qua sự việc trên, tôi rất hối hận. Từ đó, viết về “người tốt việc tốt” tôi thận trọng hơn".
Nhà báo Đôn Minh viết tiếp: "Cuối năm 1962, tôi nhận được quyết định của Tỉnh ủy Hải Ninh điều sang làm Phó Ty Văn hóa. Đến năm 1964, sau khi hợp nhất 2 tỉnh, Báo Quảng Ninh ra đời tôi lại được Tỉnh ủy Quảng Ninh điều về làm Phó Chủ nhiệm và đồng chí Nguyễn Thanh Lương làm Chủ nhiệm. Khi về Báo, tôi được phân công theo dõi tuyên truyền về nông nghiệp và chỉ đạo làm tờ báo chữ Hán. Sau này, tờ báo chữ Hán ngừng hoạt động. Năm 1989, tôi được điều sang làm Giám đốc Xí nghiệp in Quảng Ninh, đã cố gắng chăm lo cho tờ báo Đảng được in dấu hiện đại là một trong 3 cơ sở cả nước in báo bằng chữ vi tính và máy in ốp-sét".
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1991, nhà báo Đôn Minh tham gia nhiều công tác xã hội như: Chủ nhiệm CLB thơ Ka Long, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Trần Phú, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi TX Móng Cái. Đến tháng 10/2008, ông chuyển về phường Hồng Hải, TP Hạ Long, sinh sống cho đến khi qua đời.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()