Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:29 (GMT +7)
Nhà báo nữ...
Chủ nhật, 21/06/2015 | 05:39:55 [GMT +7] A A
Thầy tôi - nhà báo, nhà thơ Trần Hoà Bình, trong một lần trò chuyện với chúng tôi - các sinh viên nữ của lớp Báo viết 14A (niên khoá 1995-1999), Phân viện Báo chí - Tuyên truyền đã rất thẳng, thật khuyên rằng: Nếu em nào không thực sự đam mê với nghề, không dám dấn thân cho nghề báo thì nên chuyển trường. Phụ nữ làm báo cực lắm. Không chỉ là chuyện nhan sắc nhanh bị “tàn phá” mà là khi có gia đình, rất khó để tìm sự cảm thông…
Ngày đó, học đại học phải qua 2 năm đại cương rồi thi chuyển giai đoạn. Chính ở quãng này, sinh viên các trường cùng khối có thể chuyển sang nhau. Thú thật là ngày ấy chúng tôi đều rất mơ mộng, vì đa phần dân học báo đều có nền tảng từ học chuyên văn hồi phổ thông, thế nên, cứ nghĩ rằng, thầy “doạ” thế thôi.
Chỉ đến khi bắt đầu bước vào những kỳ thực tập, rồi đến lúc ra trường, đi làm mới càng “thấm” và “ngấm” hơn điều thầy mình đã lo lắng cho sinh viên. Mỗi khi gặp nhau, câu đầu tiên của chúng tôi - những nhà báo nữ bao giờ cũng là “tình hình gia đình thế nào?”. Có những chàng trai đã không dám làm chồng của nhà báo chỉ bởi lý do, cái nghề ấy toàn thấy đi, vậy thì thời gian đâu mà chăm sóc gia đình… Nhưng thực tế, các nhà báo nữ đâu có quên vai trò, nhiệm vụ của người vợ, người mẹ. Bên cạnh áp lực công việc nào là tin hay, bài tốt, ảnh đẹp và phải đáp ứng yêu cầu tính thời sự thì nhà báo nữ cũng như những phụ nữ khác luôn cố gắng chăm lo tốt nhất cho chồng, con.
Lại kể về chuyến tác nghiệp ở Trường Sa dịp đầu năm với hải trình 25 ngày đêm trên con tàu 571, trong số hơn chục nhà báo tham gia đi tuyến giữa - một tuyến nhiều gian nan, vất vả bởi hầu hết là các đảo chìm thì tôi và nhà báo Lê Hoài Thanh (Báo Hà Nội mới) là 2 nữ duy nhất trên tàu. Được trao truyền rất nhiều kinh nghiệm và cũng tự hào mình là con của bộ đội hải quân, lại là dân biển nên tôi có phần tin rằng, sóng Trường Sa khó mà làm mình say sớm. Tuy nhiên, trái ngược lại hoàn toàn, trong khi bà chị cùng phòng là nhà báo Lê Hoài Thanh có nhiều ngày “lượn” khắp các phòng trên tàu để giao lưu, lấy tư liệu thì tôi nằm bẹp tại chỗ. Không chỉ vậy, chị còn liên tục “sản xuất” bài. Song, cứ mỗi lần đi xuồng để vào đảo, tôi lập tức tỉnh táo, thấy khoẻ ra thì chị lại sợ run, thậm chí có lần suýt khóc khi bất ngờ có cơn sóng lớn ập tới. Và, khi kết thúc chuyến đi trở về nhà, chia tay với Trường Sa và những người lính đang làm nhiệm vụ trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong nỗi nhớ của tôi có một góc dành cho chị - một nữ nhà báo xông xáo, cá tính và rất trách nhiệm trong công việc.
Bắc Cung
Liên kết website
Ý kiến ()