Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:32 (GMT +7)
Nhà báo trước những vấn đề "nóng"...
Chủ nhật, 21/06/2015 | 05:36:31 [GMT +7] A A
LTS: Với chức năng của mình, báo chí bao giờ cũng quan tâm nhiều nhất đến những vấn đề mang tính thời sự, có tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội. Hay nói cách khác, vấn đề “nóng” luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Thế nhưng để xác định đâu là vấn đề “nóng” và cần thông tin, tuyên truyền như thế nào cho có hiệu quả thì lại là chuyện rất đáng để trao đổi. Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, QNCT đã phỏng vấn một số nhà báo từng có những thành công nhất định khi phản ánh các vấn đề “nóng”...
* Nhà báo Nguyễn Thế Lãm (Đài PTTH Quảng Ninh): “Luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự lớn của tỉnh và đất nước”
Với mỗi tờ báo, việc đề cập đến nội dung về những vấn đề có tính thời sự trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương mà dư luận và cộng đồng xã hội quan tâm là một yêu cầu quan trọng. Làm tốt điều đó thì cơ quan báo chí đã đáp ứng được sự trông đợi về thông tin của người dân, đồng thời cũng thực hiện được trách nhiệm của mình trong việc khơi thức tình cảm xã hội, định hướng dư luận vì mục tiêu phát triển, vì lợi ích của đất nước, của địa phương, của nhân dân.
Với mỗi phóng viên, việc bám sát những chủ đề nóng của đời sống để có những tác phẩm có tính thời sự luôn là một đòi hỏi khách quan của hoạt động báo chí. Khai thác những đề tài này thì hiệu quả và tác động của những tác phẩm báo chí sẽ lớn hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, khi Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án 25, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, người dân, cán bộ hết sức quan tâm. Khi triển khai Đề án cũng gặp không ít khó khăn. Những câu chuyện về sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy mà các tác phẩm báo chí nêu ra đã cho thấy sự cần thiết phải triển khai Đề án. Những cách làm hay ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được lan tỏa ra cộng đồng. Các tác phẩm báo chí đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội trong triển khai một nhiệm vụ lớn của tỉnh.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng là vấn đề cả xã hội quan tâm. Người dân luôn đón đợi những tác phẩm báo chí phản ánh về những cố gắng, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của quân và dân ta trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Dù điều kiện tác nghiệp rất khó khăn, nhưng những tác phẩm báo chí luôn rất có ý nghĩa với công chúng, thỏa mãn nhu cầu thông tin, khơi dậy tinh thần yêu nước, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Mỗi nhà báo khi đứng trước những vấn đề lớn trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước hay địa phương đều phải coi đó là mảng đề tài lớn, lâu dài, đầy sức hấp dẫn. Thực tế đã cho thấy khi quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, nhà báo sẽ thấy được nhiều vấn đề hay, có sức lan tỏa xã hội, có ý nghĩa với cộng đồng để có những tác phẩm tốt. Việc chủ động thông tin, lập kế hoạch truyền thông dài kỳ theo kiểu chiến dịch sẽ làm cho thông tin báo chí tăng tính hiệu lực và hiệu quả với đời sống xã hội. Nhà báo khai thác đề tài dưới nhiều góc nhìn, thể hiện gần gũi, dễ hiểu sẽ càng làm cho tác phẩm thêm sức sống trong cộng đồng...
* Nhà báo Bùi Thị Lan Hương (Báo Quảng Ninh): “Vấn đề càng “nóng” thì vai trò định hướng dư luận của báo chí càng cần được thể hiện rõ...”
Vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội đang quan tâm dù mặt phải hay mặt trái của xã hội, đều là đề tài rất hấp dẫn mà báo chí cần phản ánh, muốn có để phản ánh. Bởi báo chí dù hoạt động trong giai đoạn nào nếu không phản ánh được những vấn đề mà xã hội quan tâm thì không thể hấp dẫn được bạn đọc. Ai làm báo đều biết báo chí không thể tách rời đời sống xã hội, báo chí có tác động với đời sống xã hội, song bản thân báo chí cũng chịu sự chi phối của đời sống xã hội. Báo chí có quyền thông tin phản ánh hiện thực xã hội nhưng báo chí phải có trách nhiệm với xã hội, càng với những vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội đang quan tâm thì vai trò định hướng của báo chí lúc này càng cần được thể hiện rõ. Trong cơ chế thị trường cạnh tranh khó khăn, trong quá trình tác nghiệp cũng đòi hỏi các nhà báo luôn phải trung thực, khách quan. Càng lúc khó khăn, càng đòi hỏi các nhà báo trung thực, khách quan và mỗi nhà báo phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên hàng đầu. Nhà báo phải dùng lương tâm, nghề nghiệp để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Điều này đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp phải trong sáng. Báo chí luôn hướng tới đích thông tin trung thực, chính xác, nhanh nhạy, thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Điều này không mới, nhưng cần tiếp tục đặt ra trong bối cảnh nhiều nơi (cả báo in và điện tử) coi thông tin báo chí là một cuộc chạy đua thu hút người đọc đơn thuần...
Nhà báo Hữu Thọ đã nhắn nhủ người làm báo “Thóc cũ ăn mãi cũng hết, vì vậy không nên dựa lưng vào vụ mùa đã có sẵn mà phải bước xuống cánh đồng để tìm kiếm và sản xuất những mùa lúa mới…”. Chúng ta đều hiểu hiện thực đời sống xã hội chính là đề tài không bao giờ cũ. Bám sát đời sống xã hội, nhìn sự việc bằng nhận thức chính trị, bằng lương tâm nghề nghiệp của người cầm bút để thể hiện được những vấn đề “nóng” mà dư luận xã hội đang quan tâm...
* Nhà báo Nguyễn Đoàn Hưng (Đài PTTH Quảng Ninh): “Phải xác định được vấn đề “nóng” đó có tác động như thế nào đến đời sống xã hội...”
Trước tiên phải hiểu rõ khái niệm vấn đề “nóng” ở đây là vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Tùy theo sức nóng, sức hấp dẫn của vấn đề mà nó có thể tác động nhất định đến một bộ phận hoặc toàn xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ mang tính thời điểm. Vấn đề nóng có khi bản thân nó là một sự kiện đáng chú ý nhưng có khi do chính cách tiếp cận của người làm báo phát hiện ra. Điều này tùy thuộc vào nhận thức và quan điểm chính trị của người cầm bút.
Theo cá nhân tôi, vấn đề nóng có ý nghĩa sống còn của một tờ báo. Nó thể hiện sức hút, sức hấp dẫn của thông tin, sự nhanh nhạy và trình độ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Nhiệm vụ của người phóng viên cũng là tìm những thông tin nóng và đưa nó đến công chúng. Thông tin càng nóng, công chúng càng quan tâm mong đợi.
Có một thực tế hiện nay là một số nhà báo đã tạo ra những vấn đề nóng ảo giật gân câu khách nhằm trục lợi. Do đó đã tạo ra những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến đời sống của một số cá nhân và sự nhận thức lệch lạc của một số người.
Để tuyên truyền có hiệu quả đề tài này theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì người phóng viên, biên tập viên phải xác định được vấn đề nóng đó có tác động như thế nào đến đời sống xã hội, thâm nhập vào vấn đề đó. Và quan trọng hơn cả là nhìn nhận vấn đề với một con mắt khách quan đúng theo lương tâm của người cầm bút. Có như thế, vấn đề “nóng” mới có được sức nóng cần thiết và sự trân trọng của độc giả.
* Nhà báo Bùi Thùy Linh (Báo Quảng Ninh): “Mỗi nhà báo phải nhận thức được đầy đủ vai trò và trách nhiệm xã hội của mình”.
Theo như tôi hiểu, vấn đề “nóng” ở đây là các vấn đề mà xã hội quan tâm, có ý nghĩa sâu sắc đến đời sống xã hội, đến cộng đồng. Như vậy, các vấn đề “nóng” rất có ý nghĩa đối với hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung, mỗi nhà báo nói riêng. Bởi lẽ, báo chí tồn tại và phát triển là để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người và xã hội. Báo chí phản ánh được các vấn đề “nóng” chính là đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc, của xã hội. Tuy nhiên, khai thác, phản ánh các vấn đề “nóng” ấy như thế nào mới là điều quan trọng nhất.
Chúng ta đều hiểu rằng mỗi vấn đề, mỗi sự kiện đều có cả mặt phải, mặt trái, có những tác động tiêu cực và tích cực. Do đó, khi tuyên truyền về bất cứ vấn đề gì, dù “nóng” hay không, thì chúng ta cũng phải phản ánh một cách khách quan, trung thực nhất. Đặc biệt, khi tuyên truyền về các vấn đề xã hội quan tâm, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, đến cộng đồng thì sự phản ánh khách quan, nhiều chiều càng cần thiết. Nếu một sự kiện diễn ra, chúng ta chỉ phản ánh ở những mặt tốt mà lờ đi mặt tiêu cực thì nhà báo và cơ quan báo chí sẽ phiến diện, thiếu khách quan và sẽ đánh mất niềm tin của bạn đọc đối với mình. Còn nếu chúng ta không có tính xây dựng, chỉ chăm chăm “đánh” vào những mặt tiêu cực, làm thế nào để thật giật gân, câu khách và cố tình không nhìn thấy sự tích cực của vấn đề thì tác phẩm báo chí sẽ trở nên “lá cải”, rẻ tiền. Vì thế, khi tuyên truyền về các vấn đề “nóng” nhà báo cần phải tâm niệm rằng, mỗi tác phẩm báo chí được phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của quần chúng và hành vi của cộng đồng. Do đó, theo tôi, mỗi nhà báo phải nhận thức được đầy đủ vai trò và trách nhiệm xã hội của mình khi tuyên truyền về các vấn đề “nóng” để đưa đến bạn đọc những tác phẩm có tính thời sự cao, phong phú, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thông tin của xã hội, đồng thời có chính kiến, quan điểm và thái độ thông tin rõ ràng...
* Nhà báo Hoàng Anh Tuấn (Thường trú Báo Nông thôn Ngày nay tại Quảng Ninh): “Phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhãn quan sắc bén để trước mọi vấn đề đặt ra không nóng vội...”
Những vấn đề “nóng” là vấn đề mà xã hội quan tâm, có ý nghĩa sâu sắc đến đời sống xã hội vì thế là nhà báo chúng ta không thể không quan tâm. Theo tôi, trong xã hội hiện nay có 2 nhóm vấn đề “nóng” được quan tâm; đó là những vấn đề nổi cộm đang đặt ra đối với quốc gia, dân tộc và những vấn đề thu hút được sự hiếu kỳ của dư luận xã hội. Với 2 vấn đề này nhà báo phải xác định được tính định hướng của báo chí trong công tác tuyên truyền như thế nào cho tốt nhất.
Thông thường, khi có vấn đề “nóng” phát sinh thì báo chí vào cuộc, nhưng ở đây báo chí nên và cần thiết tiên phong về mặt tư tưởng. Với những thông tin hiếu kỳ trong dư luận, báo chí cần tỉnh táo để xác định xem xã hội được lợi cái gì để khai thác đi sâu hay dừng lại, cũng có thể định hướng dư luận dẫn dắt độc giả có những nhận thức đúng đắn mà xã hội đặt ra.
Trong xã hội hiện nay khi xuất hiện những vấn đề “nóng” thường cuốn hút được phóng viên, nhà báo của nhiều tờ báo tìm hiểu, phản ánh. Nhà báo không chỉ sống trong cảm xúc khi nhìn nhận vấn đề “nóng” như những người dân bình thường mà phải luôn đặt ra những câu hỏi: Tại sao mọi người lại quan tâm đến vấn đề này; nó đặt ra cho nhà báo trách nhiệm gì khi tuyên truyền, thông tin và cần thông tin như thế nào cho có lợi nhất cho xã hội v.v.
Nhà báo lúc nào cũng có bản lĩnh chính trị rõ ràng, nhãn quan sắc bén để trước mọi vấn đề đặt ra không nóng vội. Bản thân tôi khi viết thông tin gì đều cân nhắc: Viết có lợi cho ai, tác động xã hội cuối cùng của bài báo là gì? Bài báo sẽ được lên trang khi những câu trả lời là cho sự tiến bộ chung của xã hội, cho sự công bằng, sự nhân ái và gắn kết làm cho người ta hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn...
Hoàng Long - Thu Hương (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()