Trước đây, mỗi năm khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc lao màng não, tức rải rác 1-2 ca mỗi tháng. "Tình trạng này cho thấy số ca lao màng não đang tăng nhanh đột ngột, bất thường", bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định.
Hiện các bác sĩ chưa lý giải được tại sao số trẻ lao màng não nhập viện nhiều trong tuần qua. Bác sĩ cảnh báo lao màng não không phải là bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, khả năng để lại di chứng nặng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Các bệnh nhi nhập viện tuần qua đều đã phục hồi tốt, một số cháu được xuất viện. Trong đó, một bé 3 tháng tuổi được phụ huynh đưa vào viện trong tình trạng sốt kéo dài, co giật, vùng tay bị yếu, đầu to vì nhiều ổ vi khuẩn lao bám trên màng não... Bác sĩ Quy cho biết bé là con thứ 12 trong gia đình, nhập viện thì đã co giật nhưng mẹ không nhớ rõ con đã được tiêm ngừa lao hay chưa.
Kết quả chụp CT cho thấy bé bị lao màng não, viêm đa màng não và biến chứng não úng thủy. Sau một thời gian hỗ trợ thở oxy, hiện tình trạng bé đã ổn định nên được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục điều trị lao.
Một bé gái 12 tuổi bị sốt kéo dài, điều trị ở bệnh viện tỉnh, sau đó lên cơn co giật nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm não màng não, xét nghiệm bất ngờ phát hiện bé mắc lao màng não đồng thời nhiễm HIV.
Bé lập tức được sử dụng ARV - thuốc kháng virus HIV, kết hợp phác đồ điều trị lao nhưng bé vẫn co giật và phải hỗ trợ thở oxy. May mắn, bệnh nhi dần đáp ứng thuốc, bệnh ổn định, được xuất viện. "Đây là ca lao màng não ấn tượng nhất trong năm khiến tôi nhớ mãi", bác sĩ Quy nói.
Hiện lao màng não đã được Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị và trong chương trình của Trung Tâm Phòng chống lao Quốc gia. Các bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị trong khoảng 12 tháng. Những ca được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời hầu như đều đáp ứng tốt theo phác đồ điều trị. Thậm chí có những ca nhập viện khi đã biến chứng nặng, sốt cao, co giật, phải thở máy, khi sử dụng thuốc kháng lao vẫn đáp ứng rất tốt, hồi phục nhanh.
Tuy nhiên, trường hợp phát hiện trễ, điều trị muộn dễ để lại các di chứng như não úng thủy, liệt tay, chân, giảm thính lực, có khả năng điếc...
Trẻ từng mắc lao nói chung và lao màng não nói riêng vẫn có khả năng tái mắc bệnh, thường gặp ở trẻ bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV...
Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất và thứ 11 có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết do lao. Tại TP HCM, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận hơn 8.434 người mắc bệnh lao, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2021.
Vaccine phòng lao BCG (Bacille Calmette-Guerin) đã được sử dụng từ lâu, với vai trò ngăn chặn bệnh tiến triển thành các thể lao nguy hiểm, trong đó phòng ngừa lao màng não. Tuy nhiên nhiều phụ huynh chủ quan, chưa quan tâm đến lịch tiêm ngừa của trẻ cũng như bỏ qua các biểu hiện bệnh thông thường.
Bác sĩ Quy cho biết thực tế từ những ca nhập viện mắc lao màng não vừa rồi, tìm hiểu từ gia đình cho thấy trẻ chưa được tiêm ngừa lao, hoặc phụ huynh không nhớ con đã tiêm vaccine chưa, hay trẻ đã tiêm nhưng vết tiêm nhỏ, không đạt được hiệu quả phòng ngừa. Ngoài ra hầu hết bệnh nhi đều có biểu hiện sốt, ho kéo dài, biếng ăn, sụt cân hoặc không lên cân...
Vậy nên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý lịch tiêm ngừa lao cho trẻ, đặc biệt phải cho trẻ tầm soát lao khi trong nhà có người thân mắc hay nghi ngờ mắc bệnh này. Đồng thời, không nên bỏ qua các dấu hiệu bệnh của con. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, nhất là sốt kéo dài, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng để lại các di chứng không mong muốn.
Ý kiến ()