Bà Chiên và ông Lợi hát giao duyên. |
Trong Diễn đàn Du lịch ASEAN vừa qua, tôi gặp 2 vị khách quốc tịch Trung Quốc nói tiếng Việt rất giỏi. Không chỉ nói mà họ còn hát những bài giao duyên bằng tiếng Việt. Họ bảo, mình là người Việt xa xứ và mỗi khi cất tiếng hát lên là lại dâng trào nỗi nhớ cố hương.
Cha ông lưu lạc xứ xa
Ông Tô Minh Lợi, 62 tuổi ở làng Vạn Vỹ, thị trấn Giang Bình, TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết họ Tô của ông là 1 trong 12 dòng họ từ Đồ Sơn (Hải Phòng) sang Giang Bình lập nghiệp. 12 cụ tổ sống ở 3 hòn đảo hoang lập 3 làng Vạn Vỹ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Vì thế 3 làng đó được gọi chung là Tam Đảo. Và người Trung Quốc gọi bộ phận người dân gốc Việt ở đây là Tam Đảo Kinh tộc, 1 trong 56 dân tộc ở đất nước họ.
Ông Lợi kể: Gia phả họ Tô còn ghi lại rằng vào năm 1511, có 7 dòng họ với tổng số chưa đến 100 người từ Đồ Sơn đến Giang Bình, sau tăng lên 12 dòng họ. Bởi thế đến tận bây giờ ở Giang Bình vẫn lưu truyền câu ca: “Ngồi dỗi kể chuyện ngày xưa/Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn”.
Theo truyền thuyết, do mải đuổi theo đàn cá song, cha ông của họ đã lưu lạc đến 3 hòn đảo hoang vắng. Quá khứ lưu lạc ấy vẫn được các bậc cao niên hát cho con cháu nghe, trong đó có câu: “Cha ông lưu lạc Phúc Yên chốn này”. Phúc Yên vốn là tên cũ của thị trấn Giang Bình, các cụ đặt tên như vậy với ước mong phúc lộc và bình yên.
Những điệu múa bài bông, múa đội đèn thường xuất hiện trong các hội đình của người Việt ở các làng biển xưa. |
Cuộc di cư đó được giã sử ghi lại trong một màn sương bảng lảng: Bạch Long Trấn Hải Đại Vương chính là người có công giúp Kinh tộc giết chết con rết thần vẫn thường nổi sóng gió bắt ngư dân trên biển. Sau khi chết, con rết thần hoá thành 3 hòn đảo, nay là 3 thôn Vu Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vỹ… Chỗ ấy được các cụ tổ đến sinh cơ lập nghiệp.
Tất cả đều gốc Đồ Sơn vì theo luồng cá mà phiêu dạt đến đây. Ban đầu, vì thấy nơi đây nhiều cá, lại có tiếng ếch kêu, có bờ tre, khóm trúc đoán rằng có nước ngọt để sinh sống, 7 cụ tổ mới dừng chèo cắm sào xem thử thì quả nhiên nước uống được. Các cụ mới đào giếng để định cư. Thế rồi đời này đời khác sinh sôi thành làng xóm. Hiện cái giếng cổ này vẫn được trùng tu, giữ gìn.
Ông Hà Trung Hoa đau đáu nỗi niềm khi nghe những bài hát về tổ quán Đồ Sơn. |
Theo ông Hà Trung Hoa ở thôn Vu Đầu thì 12 dòng họ người Kinh ở Tam Đảo hiện nay vỏn vẹn chỉ có hơn 2 vạn người. Vạn Vỹ có hơn 1 vạn còn lại là ở Vu Đầu và Sơn Tâm. Dù là dân tộc thiểu số nhưng văn hóa người Kinh Tam Đảo thuộc loại độc đáo bậc nhất ở Trung Quốc.
Ông Hoa cho biết, chỉ nói riêng về hát đối thôi đã có đến hàng nghìn câu vẫn được các cụ cao niên ở đây đang lưu giữ và sẽ tiếp tục truyền dạy lại cho con cháu. Họ hát hàng ngày trong cuộc sống bên bếp lửa, khi ra đồng, khi đi đánh cá, lúc trò chuyện tâm tình. Chính những câu ca da diết kia là sợ dây bền vững kết nối họ với văn hóa nguồn cội.
Cháu con nhớ thương nguồn cội
Sang Hạ Long lần này, ông Lợi và ông Hoa mời cả bà Bùi Thị Chiên và bà Lê Thị Lộc là những nghệ nhân dân gian ở Vạn Ninh, TP Móng Cái, bạn hát lâu năm của mình đi cùng để có bạn hát dọc đường.
Nói rồi ông Lợi cất giọng ấm trầm: “Lấy anh anh sắm sửa cho/ Áo đơn áo kém sắm cho để dành/ Ba bốn năm anh chẳng nói nặng một nhời/ Ở đâu có đám vui cười anh lại cho đi”. Đi ở đây là đi hội, đi hát để tìm bạn tâm giao. Ông Lợi phân trần rằng đó là bài ông vẫn hát thời trai trẻ. Chứ bây giờ những người như ông và bà Chiên con cháu đều huề cả rồi dẫu có hát như thế thì cũng chỉ là nhu cầu tinh thần thôi chứ chẳng ai dám “xé rào” mà tơ tưởng chuyện ngoài chồng ngoài vợ.
Đến bây giờ, chỉ còn những người có tuổi như ông bà mới thuộc nhiều bài hát chứ lớp trẻ hoặc không biết hát hoặc thuộc chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, trước mỗi cuộc hát ông phải mời các bạn hát từ Móng Cái sang. Mỗi năm, chỉ hát chung vài ngày nhưng cũng đủ nhớ nhung.
Hình ảnh Kinh tộc Tam Đảo được in trên pano quảng cáo du lịch tỉnh Quảng Tây. |
Bà Chiên bảo, chồng bà mất đã lâu các con đã yên bề gia thất. Bởi vậy những câu hát lại làm trái tim bà thổn thức như thời con gái. Cái ngáng trở là tuổi tác của bà đã cao mà đối tác thì ai cũng có vợ con rồi. Bởi vậy bà hay hát những câu lỡ dở duyên tình kiểu như: “Từ ngày quen mặt biết tên/ Miệng cười tiếng nói chưa quên câu nào/ Bây giờ như cá trong ao/ Trở ra vướng lưới trở vào vướng câu”.
Có lẽ vì vậy mà màn giã bạn trong mỗi cuộc hát thường thắm thiết chẳng kém tụi trẻ mới yêu. Bà Lộc cất giọng hát như minh chứng cho điều đó: “Em về nhớ nước nhớ sông/ Nhớ chàng hát ví mà không muốn về”. Người về lưu luyến, người ở cũng nhớ nhung: “Mình về để áo lại đây/ Để đêm anh đắp để ngày anh trông”.
Nghệ nhân dân gian Lê Thị Lộc thường xuyên được mời sang Tam Đảo hát giao duyên. |
Hát ví hát, nhà tơ, hay hát đối của người Việt ở 2 bên biên giới đều được gọi chung là hát giao duyên. Ông Hoa cho biêt, hát giao duyên của người Kinh ở Trung Quốc đã được công nhận là di sản văn hóa từ lâu.
Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi nhiều nhưng người Kinh ở Tam Đảo vẫn nỗ lực giữ gìn hát giao duyên trước nguy cơ mai một. Sâu thẳm bên trong những cố gắng không mệt mỏi đó là tình yêu gốc rễ cội nguồn văn hóa dân tộc. Đó là sợi dây vô hình kết nối họ với cố hương, níu giữ hồn dân tộc.
Ông Lợi bảo với tôi rằng, ông nghe được nói được hiểu được những lời hát. Ông hiểu đó là bài ca lao động, ca tụng thần linh, tình ca, chứ viết ra chữ quốc ngữ thì chịu. Vì thế, học hát toàn là thuộc lòng là nhập tâm. Ở Trung Quốc, ông Lợi đang phụ trách đội hát dân ca của người Kinh.
Nhóm nghệ nhân Móng Cái đi hát tại Đông Hưng. Ảnh do bà Lê Thị Lộc cung cấp. |
Hát không chỉ là hoạt động đơn lẻ có đội hát, có câu lạc bộ mà thậm chí còn có cả một lễ hội hát. Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm theo nghi lễ cúng thần biển. Năm 2006, lễ hội này được chính phủ Trung Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội có ca hát vừa có nhảy múa, vừa xem biểu diễn vừa ăn tiệc. Tuy nhiên ngày tổ chức của mỗi làng lại khác nhau. Vạn Vĩ và Vu Đầu tổ chức vào mùng 10 tháng 6 âm lịch. Còn ở Sơn Tâm lại diễn ra vào mùng 10 tháng 8. Một số làng biển khác không tập trung đông người Kinh như ở Tam Đảo thì lại tổ chức vào 20 tháng Giêng.
Những hội hát thường diễn ra ở đình làng. |
Ông Hoa kể: Hội hát diễn ra ở đình làng. Cả 3 làng đều có đình. Người Kinh ở Tam Đảo trồng thị và đa trước đình như cha ông họ ở Đồ Sơn xưa kia vẫn làm. Riêng đình Vạn Vỹ còn cây đa cổ thụ 200 năm tuổi được gắn bia đề là “Cây tương tư Nam quốc”. Ngày làng vào hội, phụ nữ người Kinh mặc áo dài trẩy hội, đi hát nhà tơ, hát cửa đình. Năm nào, hội làng cũng đón những vị khách đặc biệt từ Móng Cái sang hát giao lưu. Quốc tịch có khác nhau nhưng tiếng hát vẫn được truyền lại từ trong tiếng nói ông cha. Không có gì xa cách chia cắt tình cảm bởi vì chỉ cần đứng ở bãi biển Vạn Vỹ, ngó về hướng Nam, sẽ thấy một vệt mờ mờ xanh xanh, đó là Trà Cổ. “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn”. Như thế người Kinh ở Tam Đảo và người Trà Cổ có cùng chung tổ quán.
Có hát thì phải có nhạc đệm. Nhạc cụ là đàn bầu, sáo trúc, trống, cồng. Riêng đàn bầu chỉ người Kinh mới có. Nhiều thế hệ người Kinh ở Tam Đảo vẫn thích nghe đàn bầu. Lớp người già thì luôn gìn giữ và dạy cháu con chơi loại nhạc cụ truyền thống này.
Đàn bầu và áo dài vẫn được người Kinh ở Tam Đảo sử dụng như níu giữ hồn dân tộc. |
Theo ông Hoa, người Kinh ở Tam Đảo hiện nay không mấy người biết chữ quốc ngữ nhưng chữ Nôm thì vẫn được lưu truyền và sử dụng như chiếc cầu nối văn hóa. Hát đối trước kia được lưu giữ chủ yếu bằng hình thức truyền miệng thì giờ đây được chép lbằng chữ Nôm. Nhờ có Trung tâm Nghiên cứu và truyền thừa và phát huy văn hóa chữ Nôm Đông Hưng ra đời mà việc lưu giữ hát đối được làm bài bản hơn.
Không chỉ có vậy, người Việt nơi đây vẫn nói tiếng Việt, dạy chữ Nôm và lưu giữ nhiều tài liệu, sách báo, hiện vật về lịch sử dân tộc. Chương trình học ở Tam Đảo cũng đưa chữ Nôm vào giảng dạy. Cả một kho tàng văn học dân gian đồ sộ đã được lưu giữ bằng chữ Nôm. Văn hóa chữ Nôm là linh hồn của người Kinh ở Tam Đảo.
Phong tục đón tết Việt được người Kinh ở Tam Đảo giữ gìn gần như nguyên vẹn. |
Ông Hoa đọc cho tôi câu ca mà gần như người Hải Phòng nào cũng thuộc: “Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề / Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”. Lễ hội tháng Tám vẫn được người Kinh ở Tam Đảo duy trì. Cũng rộn ràng chẳng kém Đồ Sơn tuy chỉ thiếu mỗi nghi thức chọi trâu.
Không chỉ có lễ hội mà nhiều phong tục, nghi lễ mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam như: Cúng cơm ông bà tổ tiên vào dịp tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, tảo mộ, đón tổ tiên về nhà ăn Tết,không giết thịt gia súc gia cầm vào đầu năm, mừng tuổi người già và trẻ nhỏ. Và việc không thể thiếu trong dịp Tết đó là ca hát. Ông Hoa cho biết, các ông sẽ hát về ơn nghĩa sinh thành, về mùa xuân, về tình yêu.
Lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh gặp mặt tri ân những nghệ nhân thường xuyên sang Trung Quốc giao lưu hát giao duyên. |
Hơn nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, người Kinh ở Tam Đảo đã tích cực giao lưu, hòa nhập với xã hội ở vùng đất mới để thích nghi, làm giàu thêm vốn văn hóa, nhưng vẫn luôn quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam. Vốn văn hóa Việt vẫn chảy trong huyết quản; tình yêu cố hương, lối sống lạc quan vẫn được gửi gắm theo lời hát.
Nghệ nhân người Việt ở hai bên biên giới trò chuyện lúc chia tay. |
Ông Hoa, ông Lợi bắt tay từng người, tạm biệt Quảng Ninh để về bên kia biên giới. Bà Lộc, bà Chiên không ai bảo ai, bỗng cất giọng hát: “Chàng về cứ việc mà về/ Chàng ơi đừng nhớ đến thiếp lại mơ tinh thần/ Nỗi đây quán Sở lầu Tần/ Xin chàng giữ lấy mối tình đôi ta”.
Nghe họ hát, tôi biết, đây không chỉ là mối tình của những cặp bạn hát mà là mối tình với cố hương, tình nghĩa của những người cùng chung nguồn cội.
Huỳnh Đăng
Ý kiến ()