Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:31 (GMT +7)
Những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ
Chủ nhật, 25/06/2023 | 12:14:20 [GMT +7] A A
Những dòng người di cư từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và vùng Thanh Hoá - Nghệ An ra Vùng mỏ làm phu, sinh cơ lập nghiệp từ thời Pháp thuộc. Họ lập gia đình, sinh con đẻ cái và đã tạo cho Quảng Ninh một kiểu gia đình đặc biệt, đó là gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ, những tế bào xã hội để tạo ra sự hội tụ văn hoá ở Vùng mỏ.
Tại Quảng Ninh, kéo dài từ Đông Triều qua Uông Bí, Hạ Long đến Cẩm Phả có các mỏ liên tiếp nhau, tạo ra sự quần tụ của các làng, khu phố công nhân mỏ. Nhờ đó, Quảng Ninh hình thành những xóm thợ hay làng mỏ như: Làng mỏ Cao Sơn, Mông Dương, xóm thợ Mạo Khê, Hà Lầm... Có những làng mỏ, phố mỏ hình thành tự phát, nhưng cũng có chỗ được quy hoạch. Từ những năm đầu của thập kỷ 90 ở thế kỷ trước, lãnh đạo và thợ mỏ Cao Sơn đã thống nhất xây dựng làng mỏ Cao Sơn. Hiện nay, làng mỏ Cao Sơn đã thành 3 khu dân cư, với gần 1.000 gia đình, chiếm khoảng 20% dân số của cả phường Cẩm Sơn.
Sợi dây cố kết cộng đồng giữa các gia đình thợ mỏ với nhau không phải mối quan hệ huyết thống, họ hàng mà chính là mối quan hệ đồng nghiệp. Trong các làng mỏ, xóm thợ vừa kể, nhiều gia đình thợ mỏ từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng ra lập nghiệp và gắn kết với nhau như anh em một nhà. Mỗi gia đình thợ mỏ dù không cùng làm việc trong một mỏ nhưng họ hiểu công việc, hoàn cảnh của nhau, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Thực tế lịch sử đã cho thấy, trong cuộc Tổng đình công năm 1936, hàng vạn thợ mỏ đã đứng lên đình công vì yêu thương nhau, vì khối đại đoàn kết của những gia đình thợ mỏ. Khi hòa bình, người thợ được làm chủ mỏ thì văn hoá gia đình thợ mỏ có điều kiện phát triển.
Theo ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam, một trong những đặc trưng văn hóa thợ mỏ là tình đồng chí, đồng nghiệp, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Thợ mỏ không chỉ thương yêu nhau mà còn rất biết cảm thông, sẻ chia với những người nghèo đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong cộng đồng dân cư xung quanh mỏ, nơi mình cư trú.
Theo thống kê, các gia đình thợ mỏ ở trong những phố mỏ, làng mỏ, xóm thợ vừa kể chủ yếu là kiểu gia đình 3 thế hệ. Một số gia đình ở chung với nhau thành kiểu “tam đại đồng đường”, rất hiếm kiểu “tứ đại đồng đường”, như: Gia đình cụ Châu Văn Long và cụ Nguyễn Thanh Thuỷ ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả); gia đình cụ Vũ Đình Chầm ở tổ 13, khu 2, phường Hà Khánh (TP Hạ Long) có đến 4 thế hệ làm công nhân mỏ. Cá biệt có gia đình cụ bà Phạm Thị Mai ở phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) có đến 5 thế hệ công tác trong ngành Than.
Kiểu gia đình có 3 thế hệ đều công tác trong các đơn vị của ngành Than thì còn nhiều hơn, như: Gia đình ông Mai Hữu Phần ở phường Cẩm Bình, ông Nguyễn Đức Ứng ở phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả); gia đình anh Trần Văn Hải ở phường Hà Lầm, gia đình cụ Phạm Văn Doãn ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long); gia đình ông Đỗ Văn Quang ở phường Vàng Danh (TP Uông Bí); gia đình ông Hoàng Gia Trung, gia đình chị Uông Thị Thảo, gia đình anh Nguyễn Quang Huy (TX Đông Triều) v.v.. Cá biệt, có những gia đình có từ 6 người trở lên đều đang là công nhân mỏ, như: Gia đình anh Vũ Ngọc Chung, gia đình anh Mạc Anh Hùng đều là những thợ lò ở Mạo Khê.
Hiện nay, gia đình truyền thống 3 thế hệ trở lên ở Quảng Ninh còn không nhiều, phần lớn là gia đình cơ bản hay gia đình hạt nhân (2 thế hệ). Những gia đình này thường sống tập trung ở những khu chung cư ngành Than. Và đa số các gia đình này, bố mẹ là những cặp vợ chồng trẻ ra Quảng Ninh lập nghiệp sau thời kỳ đổi mới.
Những năm gần đây, các đơn vị ngành Than như: Than Dương Huy, Than Quang Hanh, Than Hạ Long, Than Nam Mẫu, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê… đã đầu tư xây dựng những khu chung cư dành riêng cho công nhân rất khang trang. Trong những khu chung cư đó, ngoài những căn hộ độc thân ra thì những gia đình thợ mỏ 2 thế hệ sống quần tụ với nhau rất gắn bó, tình cảm.
Các gia đình thợ mỏ ở Quảng Ninh hiện nay đa số xuất thân từ nông thôn, nông dân với đặc thù văn hoá làng xã đậm đặc. Bởi thế, gia đình thợ mỏ là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hóa vùng miền và tạo thành kết cấu làng xã mới trên đất mỏ. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, nhận định: Vùng mỏ hội tụ người dân từ nhiều nơi khác đến đem theo văn hóa, họ vừa tiếp thu, vừa giữ gìn văn hóa riêng. Họ là đối tượng rất quan trọng trong nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Cũng chính họ sáng tạo ra ca dao dân ca. Ca dao Vùng mỏ là tiếng hát của những người công nhân, nói về công nhân cũng vì như thế…
Cũng chính vì bản sắc văn hóa đậm đà đó mà dù đời sống ca kíp bận rộn nhưng không thể làm văn hóa gia đình bị phá vỡ. Thậm chí, các gia đình thợ mỏ hiện nay còn thể hiện sự hoà trộn, giao thoa văn hóa nhiều vùng miền với văn hoá bản địa, tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân Vùng mỏ. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, nhìn nhận: Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa văn hoá các vùng, miền. Văn hoá Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ đất ấy. Nhưng vùng đất mới đã rèn luyện con người, con người phải hòa nhập vào Vùng mỏ này để tạo ra những nét văn hoá mới.
Gia đình thợ mỏ Quảng Ninh là kiểu gia đình chịu ảnh hưởng nhiều bởi nếp sống ca kíp mệt nhọc. Tuy nhiên, cũng chính nếp sống ca kíp hiện đại đã có tác động tốt đến cuộc sống công nhân, làm thay đổi tư duy người công nhân theo hướng tích cực. Và đây cũng là nền tảng để giáo dục thế hệ sau tình yêu lao động, ý thức tổ chức kỷ luật.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Mạo Khê, cho biết: "Nhiều gia đình thợ mỏ vẫn đang truyền lửa cho con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, kế nghiệp xây dựng và phát triển Vùng mỏ giàu mạnh hơn nữa. Gia đình nhiều thế hệ làm mỏ là một minh chứng rõ ràng cho ý thức phát huy truyền thống và làm tròn trách nhiệm cá nhân đối với quê hương".
Phạm Học
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Móng Cái: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Những di sản văn hoá thời Lê
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
- Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trong thời đại mới
- Tôn vinh di sản văn hóa qua thời trang
Liên kết website
Ý kiến ()