Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:14 (GMT +7)
Những nghị quyết tạo cơ sở cho sự phát triển
Thứ 3, 04/06/2013 | 06:21:13 [GMT +7] A A
Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh, diện tích rộng tới trên 7.000km2, có nhiều khả năng phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và có nhiều khoáng sản chưa được khai thác. Nhưng quá trình kháng chiến lâu dài lại bị thiên tai, bão lụt tàn phá nặng nề nên sản xuất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, khu công nghiệp khai thác than đang trên đà phát triển, kéo theo sự phát triển của công nghiệp điện, cơ khí v.v.. dân số cơ học tăng nhanh, tạo nên mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa việc phát triển kinh tế địa phương để có nhiều lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (chưa nói đến công nghiệp phụ trợ) để phục vụ công nghiệp khai thác than của Tổ quốc, đời sống thợ mỏ và nhân dân trong tỉnh.
Làm thế nào để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác những tài nguyên phong phú của địa phương? Làm sao cho các ngành công, nông, lâm, ngư nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển một cách toàn diện để có thêm điều kiện phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước và cải thiện đời sống nhân dân? Đó là điều lo nghĩ, trăn trở sâu sắc của lãnh đạo Tỉnh uỷ Quảng Ninh những năm đầu thành lập tỉnh.
Làng quê Yên Hải ngày một đổi mới. Ảnh: TRẦN MINH |
Khoảng đầu quý II-1964, trong một cuộc họp giao ban các Ban của Tỉnh uỷ, tôi có phản ánh về việc Hợp tác xã Yến Hải, khu Hà Nam, huyện Yên Hưng khoanh bãi biển, Đầm Nhà Mạc đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản phát triển tốt, cua, tôm, cá sinh sản rất nhanh... Ba ngày sau, Văn phòng Tỉnh uỷ có ý kiến tôi đưa các đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh uỷ và Bùi Thuỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đi thăm hợp tác xã trên.
Qua thăm khu Hà Nam, ra Đầm Nhà Mạc mặc dù phải đi thuyền nan, lội bãi biển nhưng thấy đầm đầy cá, tôm, cua đua nhau bơi lội, triển vọng phát triển rất tốt đẹp, đồng chí Nguyễn Thọ Chân và đồng chí Bùi Thuỷ rất vui. Làm việc với Huyện uỷ Yên Hưng đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nên chủ trương: “Biến khu Hà Nam thành biển cá, vựa lúa, rừng dừa”. Mọi người rất tán thành và sôi nổi bàn các biện pháp thực hiện.
Một thời gian ngắn sau phong trào đắp đầm nuôi tôm cá ở Đầm Nhà Mạc phát triển nhanh, Hợp tác xã Hoà Bình quai đầm rộng hơn chục lần đầm của Hợp tác xã Yến Hải, hải sản cung cấp cho tỉnh và ngành Than, ngành du lịch ngày một nhiều. Năng suất lúa ở khu Hà Nam tăng mạnh, nhiều hợp tác xã đạt 5 tấn thóc/ha. Phong trào trồng dừa phát triển rộng khắp trên các bờ mương đã cho hàng tấn quả ngọt. Tiếp đó lãnh đạo tỉnh còn đi khảo sát tình hình sản xuất và đời sống ở nhiều nơi trong tỉnh. Tổ chức nhiều đợt tập trung cán bộ xuống huyện, xã giúp cơ sở tiến hành cải tiến, quản lý hợp tác xã, củng cố cơ sở và xây dựng kế hoạch, phương hướng sản xuất, ra một số chỉ thị, nghị quyết về cải tiến, quản lý hợp tác xã, phát triển công nghiệp địa phương v.v...
Ngày mồng một Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ (2-2-1965) Bác Hồ về thăm và vui tết với nhân dân, cán bộ Quảng Ninh. Trong buổi mít tinh, Bác chúc tết đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, chúc mừng và cảm ơn các đồng chí chuyên gia đang tận tình giúp đỡ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khen ngợi việc hợp nhất hai tỉnh thành công tốt đẹp. Người nhắc đến cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã phải làm khẩn trương hơn, phải đẩy mạnh công tác thuỷ lợi và việc nuôi, đánh cá, thi đua với hợp tác xã Hoà Bình. Đẩy mạnh hơn nữa tết trồng cây v.v.. Các ngành khác như thương nghiệp, công nghiệp địa phương, văn hoá giáo dục phải cố gắng và tiến bộ hơn nữa. Bác khen cán bộ công nhân ngành Than đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than và tặng “cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” của Người cho ngành Than.
Ngày 23-2-1965, Tỉnh uỷ họp ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 1965 nêu rõ “Kiên quyết tập trung lực lượng cho sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cá, muối và một số ngành nghề như may mặc, cơ khí v.v..
“Tuy tỉnh mới được thành lập, lại bị chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tàn phá nhưng do có phương hướng đúng đắn, lãnh đạo quyết tâm khắc phục mọi khó khăn nên công nghiệp địa phương vẫn phát triển đều đặn, tốc độ tăng hàng năm là 5%. Sản phẩm công nghiệp địa phương của tỉnh đã phục vụ và trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế địa phương, yêu cầu xây dựng và hơn 40% hàng tiêu dùng trong tỉnh... (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập 3 - trang 250).
Nguyễn Huy Trợ
(Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()