Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:52 (GMT +7)
Những ngư cụ và hình thức cấm sử dụng trong khai thác thủy sản
Thứ 2, 11/09/2017 | 11:06:29 [GMT +7] A A
Trong số báo trước, Báo Quảng Ninh đã giới thiệu cùng bạn đọc một số ngư cụ và hình thức cấm sử dụng trong khai thác thủy sản. Sau đây, Báo Quảng Ninh xin giới thiệu tiếp một số ngư cụ và hình thức cấm sử dụng khác.
5. Lưới kéo tầng đáy: Trong quá trình đánh bắt, giềng chì của lưới kéo chuyển động chà xát với đáy biển làm phá vỡ các cấu trúc đáy biển như thảm cỏ biển, rạn san hô…, làm hư hỏng môi trường sống của các sinh vật tầng đáy và gần đáy. Ngoài ra, lưới kéo đáy còn đánh bắt nhiều loài cá non, cá tạp không có giá trị kinh tế ngoài mong muốn của con người.
6. Te (xiệp): Tương tự như lưới kéo, trong quá trình làm việc, miệng te và một số bộ phận khác tiếp xúc với nền đáy làm phá vỡ cấu trúc tự nhiên của nền đáy. Hơn nữa, nghề te, xiệp thường hoạt động ở vùng nước gần bờ, ở các bãi bồi, nơi tập trung nhiều đàn cá đẻ trứng và cá con sinh sống.
7. Lưới đáy: Là loại ngư cụ được đặt cố định ở một vị trí nào đó, nơi có dòng chảy thường xuyên, thường là các cửa sông, gần đảo… Tuy lưới đáy không có khả năng phá hủy các cấu trúc biển nhưng lưới đáy thường có kích thước mắt lưới nhỏ và được đặt ở vị trí chắn ngang đường di cư đi đẻ của các đàn tôm, cá bố mẹ hoặc các đàn cá non trong quá trình sinh trưởng. Vì vậy, lưới đáy có tác hại làm giảm lượng bổ sung quần đàn và mức độ phong phú của nguồn lợi hải sản.
Hiện ngư dân vẫn dễ dàng mua được lồng bát quái tại các cửa hàng ngư lưới cụ ở TX Quảng Yên. Ảnh: Việt Hoa |
8. Lưới rê tầng đáy và ngư cụ ma: Lưới rê có dạng tường lưới được thả trôi theo dòng chảy trên nền đáy, quanh các bãi rạn hoặc đá ngầm. Trong quá trình trôi lưới, lưới rê có thể quét qua và làm vướng vào san hô, rạn đá. Do mắc chướng ngại vật hoặc mất phao tiêu hoặc rách cục bộ, khi thu lưới không thu hết được các phần lưới đã thả, phần lưới còn lại sẽ tiếp tục đánh bắt gây hiện tượng lãng phí vô ích. Hiện tượng một phần ngư cụ bị mất hoặc bỏ quên này vẫn còn khả năng khai thác gọi là ngư cụ ma. Ngư cụ ma từ lưới rê có thể tiếp tục tiêu diệt các sinh vật vướng vào nó đến 6 năm sau.
Ngoài ra, còn nhiều ngư cụ và phương pháp khai thác mang tính hủy diệt, có ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái các vùng biển như lưới vây, lưới rê làm chết các loài thú biển, nghề câu làm chết nhiều loài chim biển, các nghề săn bắt cá voi, hải cẩu…. Bên cạnh các ngư cụ và phương pháp có hại trực tiếp đến các hệ sinh thái biển, các hoạt động nuôi trồng, giao thông vận tải, du lịch… cũng có các ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường, sự cân bằng sinh thái và sự phong phú của nguồn lợi hải sản. (Còn nữa)
Nguồn: Bách khoa Thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()