Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:20 (GMT +7)
Những tấm gương tiêu biểu thi đua yêu nước
Thứ 5, 10/09/2020 | 08:20:57 [GMT +7] A A
Họ là những công nhân không ngừng nỗ lực, lao động sáng tạo; học sinh chuyên cần, vượt khó học giỏi; bí thư chi bộ, trưởng thôn mẫn cán, hết lòng vì dân; cán bộ phụ nữ, bí thư đoàn dân vận khéo; đồng bào DTTS vượt khó, thoát nghèo… Mỗi tấm gương là bông hoa đẹp góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước của quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chị Nguyễn Ái Việt giới thiệu những bức tranh tường do chị vẽ. |
Nữ Bí thư Chi bộ dân vận khéo
“Công việc của trưởng thôn là đi tuyên truyền, vận động bà con; đã nói thì phải làm, đi đầu gương mẫu, để bà con noi theo, không thể nói xong để đấy...” - chị Nguyễn Ái Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Nhội (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) chia sẻ.
Suốt nhiều năm qua, trên cương vị của mình, chị Việt đã không quản ngại khó khăn, "xắn tay" vào cuộc, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân tích cực chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, chị Việt đã cùng người dân trong thôn tham gia xây dựng, cứng hóa nhiều tuyến kênh mương nội đồng, đưa nước về phục vụ sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng vườn mẫu, phát triển các giống cây mới..., góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Chị Nguyễn Ái Việt (ngoài cùng, bên phải) cùng người dân tham gia vẽ tranh tường, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. |
Để làm đẹp cho không gian, cảnh quan nông thôn, chị đã kêu gọi người dân xây dựng 6 bồn hoa, trồng mới trên 6.400 cây xanh các loại, vẽ 2.100m2 tranh tường, trang sắm, đầu tư nhiều ghế đá, hệ thống đèn led chiếu sáng các tuyến đường nội thôn. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân làng Nhội cũng theo đó phát huy, mang lại đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân. Hiện thôn có 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Những đóng góp của chị Việt cho chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Chị được UBND tỉnh khen thưởng đột xuất trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017.
Nguyễn Tuấn Linh (thứ 4, phải sang) tặng máy sát khuẩn tự động cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Cậu học trò sáng chế máy sát khuẩn tự động
Đó là Nguyễn Tuấn Linh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Hà An, TX Quảng Yên. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Tuấn Linh tự mình mày mò, nghiên cứu, chế tạo máy sát khuẩn tay tự động để tặng cho bệnh viện phòng, chống dịch.
Tuấn Linh chia sẻ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, nếu là công việc có ích thì dù nhỏ bé cũng đều có giá trị...”. Bằng niềm đam mê khoa học, Tuấn Linh đã cho ra đời những sản phẩm có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng, xã hội. Chiếc máy sát khuẩn tự động của Nguyễn Tuấn Linh được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế TX Quảng Yên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đánh giá cao vì đáp ứng yêu cầu sát khuẩn nhanh, tiết kiệm dung dịch sát khuẩn, dễ sử dụng, phù hợp với mọi loại dung dịch rửa tay diệt khuẩn chuyên dụng trong ngành Y tế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo các loại cúm A, tay chân miệng, đặc biệt là virus Corona.
Nguyễn Tuấn Linh chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động. |
Tuấn Linh còn được biết đến là chủ nhân của sáng chế “Máy hút bọt làm sạch mặt ao” đoạt giải nhất tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019-2020.
Người dẫn lối thoát nghèo ở Pạc Sủi
Anh Chìu Văn Hiếng (dân tộc Dao, bản Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) từng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2018. Anh không chỉ là một bí thư, trưởng thôn trẻ, năng động, nhiệt tình với công việc của bản, làng, mà còn là người “dẫn đường chỉ lối” cho bà con Pạc Sủi thoát nghèo.
Anh Chìu Văn Hiếng (giữa) trong Lễ tuyên dương gương mặt trẻ, tài năng trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh, tháng 3/2019. |
Anh Hiếng chia sẻ: Người dân bản chủ yếu là làm nông, một số nhà thì trồng keo. Lúc nông nhàn, mọi người tranh thủ đi làm thêm; trẻ, khỏe thì đi khu công nghiệp hoặc đi phụ hồ xây dựng, đi vác keo; người lớn tuổi thì chờ lúc vụ mây thì hái quả mây về bán. Nhưng đa số thu nhập bấp bênh, những việc nặng cũng không thể làm mãi được. Việc xây dựng một xưởng thủ công mỹ nghệ ở trên địa bàn, dù quy mô chưa lớn, nhưng cũng giúp được nhiều bà con có thêm công ăn việc làm, thu nhập.
Hiện cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Hiếng có từ 14-25 lao động làm việc thường xuyên và thời vụ; thu nhập mỗi lao động từ 4-6 triệu đồng/tháng. Không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ của địa phương và một số xã lân cận, anh Hiếng còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thu hái quả mây theo hướng bền vững, để khai thác được lâu dài.
Anh Chìu Văn Hiếng hướng dẫn công nhân gia công các sản phẩm mây tre đan. |
"Nói phải đi đôi với làm, làm phải làm thật thì người dân mới tin tưởng mình và noi theo. Thoát nghèo, không còn con đường nào khác là phải chăm chỉ làm ăn, quan trọng nhất đó là dám nghĩ, dám làm" - Anh Hiếng nói.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()