Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:42 (GMT +7)
Nỗi lo trẻ em bị xâm hại
Thứ 6, 29/05/2020 | 05:07:14 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, xâm hại trẻ em luôn là một trong những vấn đề nhức nhối, khiến dư luận xã hội bức xúc, làm cho những gia đình có trẻ em luôn phải sống trong cảnh lo lắng, bất an. Mặc dù được các ngành chức năng, địa phương tích cực vào cuộc phòng, chống, thế nhưng một điều đáng buồn là số vụ xâm hại trẻ em vẫn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt rất nhiều vụ do người quen, người thân gây ra.
Theo thống kê từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Cũng trong giai đoạn này, cơ quan điều tra, khởi tố 7.119 vụ, 7.211 bị can liên quan đến xâm hai trẻ em.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nhìn vào những con số trên cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em đang ở mức báo động cao, đáng lo ngại. Nguyên nhân dẫn đến số vụ có chiều hướng gia tăng được cho là một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc và chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có những nhiệm vụ còn chưa thực sự hiệu quả. Quá trình triển khai thi hành Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan, một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm; việc xử lý một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong phòng, chống xâm hại trẻ em còn chưa chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em cả về cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước thực trạng đáng lo ngại về xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm".
Bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước. Chính vì vậy, tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em là rất cần thiết, đồng hành là xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm xâm hại trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó một phần việc vô cùng quan trọng là giáo dục, hướng dẫn cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng nhận diện, phòng, chống hành vi xâm hại, để từ đó trẻ em có thể tránh xa, phòng và tự bảo vệ mình trước những đối tượng xấu.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()