Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:59 (GMT +7)
Sức sống mới, diện mạo mới
Thứ 4, 01/05/2024 | 08:31:49 [GMT +7] A A
Thực hiện thành công các chương trình MTQG về NTM, giảm nghèo bền vững... đã thực sự mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Những con đường giao thông được cứng hóa; những công trình dân sinh, điện lưới, trạm y tế, trường học, ngôi nhà ở tạm, dột nát... được cải tạo, xây mới. Chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt.
Bình Liêu từng là huyện nghèo nhất, nhì tỉnh, nhưng giờ đây đã mang một diện mạo mới. Hết năm 2023 huyện đạt chuẩn NTM, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt đô thị văn minh. Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, thu nhập bình quân đạt trên 65 triệu đồng/người/năm 2023, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020. Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thể thấp còi dưới 10%.
Người dân huyện sôi nổi tham gia các hoạt động VHTT; tự tin biến những bản sắc văn hóa thành những thế mạnh, chất liệu đặc biệt để phát triển du lịch. Từ một vùng đất chưa được nhiều người biết tới, đến nay Bình Liêu là vùng du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách.
Tiên Yên cũng là địa phương có xuất phát điểm thấp khi thực hiện các chương trình MTQG với 4 xã, 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Nhưng giờ đây Tiên Yên đã vươn mình đổi khác, là một trong 2 địa phương về đích NTM nâng cao đầu tiên cả nước; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 76,92 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, tăng 1,45 lần so với năm 2019.
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư, xây dựng mới đồng bộ, kết nối giữa các xã với trung tâm huyện và các đô thị của tỉnh. Hạ tầng trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư hiện đại. Huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; khu vực nông thôn ngày càng có nhiều hộ giàu, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM ngày càng văn minh, tiến bộ.
Dấu ấn của các chương trình MTQG hiện hữu ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trên mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội. Hơn ai hết, người dân - người thụ hưởng những thành quả này, đều cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực. Bà Hà Thị Sinh (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) chia sẻ: "Giấc mơ quê hương khởi sắc sau hơn 10 năm đã thành hiện thực. Được góp phần nhỏ bé của mình, được chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên quê hương là niềm vui, niềm tự hào của những người con được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này".
Bằng sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Quảng Ninh đã tạo đột phá lớn, vẽ nên một bức tranh NTM, giảm nghèo với nhiều gam màu rực rỡ, đầy sức sống. Hết năm 2023 Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 về đích trước 2 năm, hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo. Toàn tỉnh đang chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của trung ương theo tiêu chí thu nhập; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Những kết quả trong thực hiện các chương trình MTQG về NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã làm đổi thay sâu sắc đời sống của nhân dân. Hiện thu nhập bình quân tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước. 100% số xã miền núi có đường ôtô đến thôn, bản; 100% các xã khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ có nhà ở kiên cố; 100% hộ được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh. Hơn 1.200 ngôi nhà dột nát, xuống cấp của vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được sửa chữa, xây mới trong 3 năm (2021-2023), mang lại cuộc sống mới, niềm vui mới cho bà con dân tộc toàn tỉnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr khẳng định: Quảng Ninh thực sự là điểm sáng, điển hình của cả nước trong thực hiện các chương trình MTQG nói chung, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng. Kết quả này minh chứng cho những cách làm chủ động, sáng tạo mà địa phương đã triển khai thông qua việc đặt mục tiêu của địa phương cao hơn mục tiêu chung của quốc gia; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân.
Sức sống mới, diện mạo mới hiện hữu trong từng thôn, bản, khu phố. Đây là nền tảng vững chắc để tạo ra khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Đó cũng là cơ sở, niềm tin để tiếp thêm khát vọng của nhân dân về xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, hướng tới xây dựng hệ giá trị với 6 đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Thu Chung
- Thúc đẩy hoạt động mô hình kinh tế tập thể
- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
- Hải quan - Người gác cửa nền kinh tế
- Năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội
- 9,15% - là mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II/2024 của tỉnh Quảng Ninh
- Tạo điều kiện để kinh tế tập thể phát triển
Liên kết website
Ý kiến ()