Với tình yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, được nhân dân trên địa bàn tín nhiệm và yêu mến.
Nhiệt tình, tâm huyết với nghề
Đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng mỗi lần đến khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chị Chíu Thị Hai (thôn Nước Đừng, xã Đồn Đạc) luôn vô cùng cảm kích, biết ơn bác sĩ Thắng đã cứu sống hai mẹ con chị. Và đây cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm bác sĩ của bác sĩ Thắng. Chị nhớ lại: "Cuối năm 2016, cán bộ y tế thôn Nước Đừng gọi điện báo có ca sinh con ngay trong vườn nhà. Ngay lúc đó, tôi đã báo với Trung tâm Y tế huyện và cùng đến cấp cứu cho người bệnh. Khi vào tới nơi, hai mẹ con vẫn nằm ngoài trời mưa lạnh. Sản phụ bị băng huyết, chảy rất nhiều máu. Khi đó, tôi nhanh chóng sơ cứu cho hai mẹ con và đưa về Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, cứu sống người bệnh".
Từng trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, chị Chíu Thị Hai chia sẻ: "Sau khi tỉnh, nghe người nhà kể lại, tôi rất sợ hãi và cũng vô cùng biết ơn bác sĩ Thắng. Đến nay mỗi khi ốm tôi đều đến khám bệnh tại Trạm Y tế và rất tin tưởng các y, bác sĩ ở đây, đặc biệt là bác sĩ Thắng".
Bác sĩ Thắng cũng nhớ lại kỷ niệm khó quên khác khi phải vượt lũ sang thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc để đỡ đẻ cho một sản phụ khác. Chị kể: "Năm 2014, cán bộ y tế thôn báo cho chúng tôi có một ca sinh khó tại nhà vào buổi tối. Nghe thấy vậy, tôi và một cán bộ y tế của trạm liền chuẩn bị đồ đạc đến nhà sản phụ. Đúng vào mùa mưa lũ, nước cuồn cuộn chảy, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng phải cố gắng bơi qua dòng suối để kịp thời cứu người bệnh. Sang đến nhà sản phụ, chúng tôi mau chóng bắt tay vào việc, sau một thời gian vất vả, cuối cùng một bé gái đã chào đời trong niềm vui sướng của gia đình".
27 năm công tác tại Trạm Y tế xã Đồn Đạc, trong đó có hơn chục năm bác sĩ Thắng cùng các đồng nghiệp phải vượt núi, băng rừng đến đỡ đẻ tại nhà của nhiều sản phụ. Chị nói với chúng tôi rằng, điều làm chị đau lòng nhất là việc các bà mẹ tự sinh con tại nhà rồi tự đỡ, sản phụ không được chăm sóc cẩn thận... Vì vậy, nhiều cảnh thương tâm từ việc sinh con tại nhà thực sự làm chị day dứt.
Bác sĩ Thắng nói, công tác ở cơ sở, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn thì đội ngũ y, bác sĩ phải thực sự là những tuyên truyền viên giỏi. Và khó khăn lớn nhất của các cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay, trong đó có việc tự sinh con tại nhà.
Nhưng với lòng yêu nghề, chị Thắng đã vượt nhiều khó khăn, cần mẫn trèo đèo, lội suối lặn lội 14 thôn, 18 bản trên địa bàn xã để giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc sinh con tại cơ sở y tế. Nhiều khi họ không hiểu còn xua đuổi và có những lời nói khó nghe... Bằng tấm chân tình, trách nhiệm của một cán bộ y tế, những chuyển biến dần dần trong cộng đồng đã đến với chị.
Chị Thắng phấn khởi khoe với chúng tôi rằng, đến nay 100% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén; 98% tiêm phòng; 100% phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế. Nhiều năm liền địa bàn xã không có sản phụ hay trẻ sơ sinh tử vong khi sinh. Cùng với đó, các bà mẹ đã đưa con đi tiêm phòng đầy đủ. Người dân tự nguyện đến trạm y tế khám khi ốm đau bệnh tật; các hủ tục cúng, chữa bệnh bằng lá đã dần được xóa bỏ...
Được biết, từ năm 2000, Trạm Y tế được xây dựng mới, đồng thời các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại để phục vụ tốt công tác chuyên môn. Năm 2002, bác sĩ Thắng cũng thi đỗ và đi học tại Trường Đại học Y Hải Phòng. Cùng với đó, nguồn nhân lực được bổ sung, đào tạo, có bác sĩ công tác liên tục tại trạm. Bởi vậy, người dân càng thêm yên tâm, tin tưởng. Trạm y tế xã giờ đây là địa chỉ quen thuộc của bà con, kể cả những ngày nghỉ cũng có người đến khám bệnh.
Nỗ lực giúp người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh
Ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tại trạm, bác sĩ Thắng còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng. Đặc biệt là chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh...
Xã Đồn Đạc có địa bàn rộng, với 14 thôn, 18 bản. Có những thôn, bản cách xa trung tâm xã gần 25km, đường núi khó khăn, hiểm trở. Cùng với đó, Đồn Đạc có gần 20% hộ thuộc hộ nghèo. Vì vậy, việc cải tạo vệ sinh môi trường ở đây còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bác sĩ Thắng cho biết, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, khi mới triển khai gặp nhiều khó khăn bởi tập quán này đã ăn sâu vào nếp sống của người dân. Do đó, bác sĩ Thắng đã dùng uy tín của mình tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như tiêu chảy, giun sán, bệnh đường ruột… ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Với biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, người dân nơi đây đã nhận thấy những tiện ích của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. “Từ khi có nhà tiêu này, mọi sinh hoạt đều thấy rất tiện, sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước nữa. Không những giúp gia đình tôi sống trong môi trường trong sạch hơn, mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh tại địa phương được thực hiện ngày càng có hiệu quả”, bà Triệu Thị Tư, thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ.
Bác sĩ Thắng cho biết, Trạm Y tế xã đã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền và hướng dẫn cho học sinh trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, vệ sinh cá nhân, biết sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định... Từ những hành động nhỏ này sẽ tạo cho các em những thói quen, hình thành ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình.
Đến nay, xã Đồn Đạc đã có trên 80% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hay tiêu chảy trên địa bàn xã giảm đáng kể. Đặc biệt, xã không có những ổ dịch bùng phát như trước.
Nguyễn Hoa-Hùng Sơn
Ý kiến ()