4
18
/
899540
Ở nơi ánh đèn luôn sáng
longform
Ở nơi ánh đèn luôn sáng

 

Có một nơi ánh đèn luôn sáng và cửa không bao giờ khóa. Nơi ấy có những ánh mắt, khuôn mặt đầy lo lắng, mệt mỏi, xen lẫn sợ hãi, bất lực. Ở nơi đó, có những "cuộc chiến" đầy kịch tính của y, bác sĩ cấp cứu nhằm giành giật mạng sống của bệnh nhân từ tay… thần chết.

0 giờ ngày 6/12/2018, màn đêm yên tĩnh bị “xé toang” bởi tiếng còi hú của xe cấp cứu, tiếng í ới gọi nhau, tiếng khóc và những bước chân vội vã. Phía sau cánh cửa phòng cấp cứu quanh năm không bao giờ khép của Bệnh viện Bãi Cháy, 11 bệnh nhân bị tai nạn giao thông với đủ các loại chấn thương đau đớn rên la, cần được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời.

Báo động đỏ toàn viện đã được kích hoạt. Bác sĩ Lê Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, trực tiếp chỉ đạo tăng cường hơn 30 y, bác sĩ thuộc các khoa khác nhau phối hợp cùng kíp trực khám, hội chẩn và phẫu thuật cho các nạn nhân. 4 phòng mổ của bệnh viện ngay lập tức sáng đèn. Các bác sĩ đã tiến hành đồng thời 4 ca mổ cho 3 bệnh nhân người Hàn Quốc và một bệnh nhân Việt Nam, kịp thời xử trí các chấn thương sọ não, trật khớp háng và đa chấn thương (sọ não, hàm mặt, xương chậu). Đến 5 giờ cùng ngày, cả 4 bệnh nhân đều được phẫu thuật thành công; các bệnh nhân khác cũng đã được thăm khám và điều trị ổn định. Người nhà bệnh nhân ngồi bên ngoài vui mừng khôn xiết và rối rít cảm ơn các y, bác sĩ.


Nụ cười rạng rỡ của ông Mark Harvey Elovitz, du khách người Mỹ, 80 tuổi cũng là món quà vô giá dành cho các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ nửa vòng trái đất đến Hạ Long du lịch cùng gia đình, nhưng thật không may ông Mark bị nhồi máu cơ tim. Tiên lượng đây là ca bệnh nặng cần can thiệp, Bệnh viện Vinmec Hạ Long đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Can thiệp và Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để có hướng xử trí kịp thời. Bác sĩ Trần Quang Định, Trưởng Khoa Can thiệp và Phẫu thuật tim mạch, cùng các cộng sự đã nhanh chóng đặt stent thông động mạch liên thất trước để bổ sung máu lưu thông lên tim, cứu sống bệnh nhân.

Có những ca cấp cứu tưởng chừng “tử thần” đã giành được phần thắng như trường hợp của ông Vũ Quý M. (50 tuổi, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long). Trong ngày đầu nhập viện, ông Vũ Quý M. đã liên tục 4 lần ngừng tim, chết lâm sàng gần 1 giờ. Nhưng nhờ sự nỗ lực, kiên trì của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục thổi ngạt, ép tim, sốc điện, trái tim của người bệnh đã hồi sinh trở lại.

Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Bệnh nhân ngừng tuần hoàn 4 lần, có lần tim ngừng đập gần 1 tiếng đồng hồ, chỉ còn 1% hy vọng sống sót. Theo phác đồ của thế giới, nếu hồi sức 30 phút mà đánh giá bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục thì đành phải ngưng hồi sức. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trường hợp này là bệnh cấp tính, bệnh nhân vốn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý mãn tính trước đó nên kíp cấp cứu đã kiên trì đến cùng, áp dụng tất cả các biện pháp với hy vọng “còn nước còn tát”. Đặc biệt là nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức tích cực như ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy, chúng tôi đã kịp thời cứu sống bệnh nhân và không để lại di chứng.


Những trường hợp cấp cứu, giành lại mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần như trên chỉ là một vài trong số hàng nghìn ca mà các y, bác sĩ Quảng Ninh thực hiện trong năm qua. Với nỗ lực chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, ngành Y tế Quảng Ninh đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, ngang tầm tuyến Trung ương ở các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản, nhi, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu... Đã có trên 2.100 kỹ thuật được chuyển giao từ Trung ương về tỉnh. Quảng Ninh đã xây dựng được những trung tâm y tế điều trị chuyên sâu trong các lĩnh vực phẫu thuật và can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy), hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi)...

Nhờ làm chủ các kỹ thuật cao, chuyên sâu, năm 2018, tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương của Quảng Ninh giảm chỉ còn khoảng 1%. Người bệnh được kịp thời chẩn đoán, điều trị ngay tại địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên, tỷ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong. Người nghèo, người yếu thế, vùng sâu, vùng xa của tỉnh có cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Nguyễn Hoa - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu