Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:45 (GMT +7)
Để Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm logistics của cả nước
Thứ 6, 10/03/2023 | 08:33:26 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế. Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho ngành logistics phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Phát huy thế mạnh từ cảng biển
Trong lĩnh vực logistics, cảng biển chính là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng và đóng vai trò ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của cả quá trình vận tải hàng hóa. Chính vì vậy, việc phát huy hiệu quả của cảng biển sẽ là động lực để đưa Quảng Ninh trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ XNK trọng yếu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Quảng Ninh có 6 cụm cảng biển, trong đó có 3 khu vực chính gồm: Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), Hòn Gai (TP Hạ Long) và Vạn Gia (TP Móng Cái). Hiện cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, XNK hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ...
Trong giai đoạn 2016-2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Quảng Ninh tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm và năm 2022 cũng đánh dấu tín hiệu tích cực của cảng biển khi Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) thu hút được 2 hãng tàu container lớn của thế giới là Maersk Line và SITC về làm hàng. Để nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa, CICT đã đầu tư nhà kho chứa hàng mở rộng 8.000m2, đáp ứng nhu cầu lưu kho, lưu bãi của khách hàng. Hiện tại năng lực cảng biển của CICT có khả năng đón nhận tàu container lên đến 6.000 TEU, tàu hàng rời lên đến 85.000 DWT giảm tải.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, hệ thống hạ tầng cảng biển của Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít trên địa bàn tỉnh. Chính vì sự bất hợp lý này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diễn ra. Mặt khác, các bến cảng tại khu vực Quảng Ninh do nhiều nhà đầu tư vận hành khai thác, dẫn đến tình trạng khó quản lý, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, nên giá bốc xếp đang ở mức khá rẻ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối thấp với các phương thức vận tải khác cũng là một điểm trừ của hệ thống cảng biển Quảng Ninh.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chia sẻ: Quảng Ninh cần phải có hệ thống kho bãi hiện đại và quỹ đất cạnh cảng để đáp ứng nhu cầu khi vào mùa cao điểm hàng hóa. Nhất là khi Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, vì vậy hàng nông sản qua cửa khẩu Quảng Ninh cần có dịch vụ logistics về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản. Đồng thời cần nghiên cứu, khai thác các tuyến đường sắt kết nối hàng hóa XNK đến cụm cảng Cái Lân sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Đồng Đăng, Móng Cái, Lào Cai. Việc kết nối XNK từ Quảng Ninh sang Trung Quốc sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, nâng tầm chuỗi dịch vụ quốc tế.
Nhận định về lợi thế của cảng biển trong chuỗi dịch vụ logistics, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Vận tải bằng các phương tiện đường thủy giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường 70-80% so với phương án vận tải đường bộ. Hơn nữa, vận tải đường thủy còn giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Hiện nay, miền Nam và khu vực Nam Trung Bộ có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu vận chuyển sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái. Vì vậy, nếu sử dụng phương án vận tải đa phương thức bằng đường biển kết nối cảng của Tân Cảng Sài Gòn tại khu vực phía Nam tới cảng biển Quảng Ninh và sau đó là phương án đường bộ tới cảng cạn khu vực mậu biên (ICD Móng Cái), chuyển sang kết nối đường sắt vào các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc sẽ là phương thức tối ưu về giá so với đường bộ và giảm thiểu rủi ro khi các cửa khẩu bị ùn tắc.
Xác định tầm quan trọng của cảng biển, thời gian qua, Quảng Ninh tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác. Điển hình như dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái giai đoạn 1) của Công ty CP Quốc tế Vạn Ninh với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng; Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn); Nhà máy điện khí LNG (TP Cẩm Phả) có hợp phần cảng biển. Đối với những bến cảng còn lại, trên cơ sở nghiên cứu nạo vét luồng sông Chanh đang có nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong và Công ty CP KCN Tiền Phong đề xuất thực hiện có chiều dài 13km, cao độ -11m và đầu tư tổng thể xây dựng các bến cảng từ khu vực cảng hàng lỏng Yên Hưng đến hạ lưu cầu sông Chanh với chiều dài mặt bến khoảng 6,3km gồm 13 bến cảng. Tại khu bến Cẩm Phả, hiện nay Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đang đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư dự án…
Trong tương lai không xa, khi hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ được phát triển đồng bộ, các cảng biển của Quảng Ninh sẽ trở thành những cửa ngõ chính, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và vị thế của ngành kinh tế biển.
Thúc đẩy logistics phát triển đúng tầm
Khi nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến du lịch và năng lượng, bởi so với những địa phương khác trên cả nước, tỉnh sở hữu những tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên, khoáng sản, danh lam thắng cảnh... Tuy nhiên, còn một ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển, đó chính là logistics, bởi Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi cùng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 5 năm liên tiếp (2017-2021) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khẳng định: Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội, cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Thực tế những năm qua, quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Quảng Ninh đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho ngành logistics phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp lớn về logistics và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại Quảng Ninh cho rằng, việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh nói chung cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, nhận diện những điểm nghẽn, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn 2045 một cách cụ thể, với chỉ tiêu đặt ra là đưa tỷ trọng đóng góp của logistics vào ngành dịch vụ của tỉnh đạt 18-20% và đạt 8-10% GRDP của tỉnh. Hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển các KKT, KCN, CCN, trọng tâm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội Giao nhận Đông Nam Á (AFFA) nhận định: Quảng Ninh đang có những giải pháp mang tính chiến lược và định hướng được tạo lập rõ ràng. Từ kinh nghiệm của các nước ASEAN trong Hiệp hội Giao nhận vận tải, logistics ASEAN, tôi đề xuất tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động logistics, lưu thông, phân phối hàng hóa. Phát triển dịch vụ logistics theo hướng logistics xanh và đẩy mạnh việc hình thành, phát triển các khu vực kho bãi, dịch vụ logistics tại KKT cửa khẩu, KCN, các cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có các chính sách cụ thể ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển dịch vụ logistics, nhất là kết cấu hạ tầng logistics cứng và mềm; có chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực cao cho ngành dịch vụ logistics; học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics quốc tế, trong đó có các nước thành viên ASEAN.
Với nhiều động thái tích cực cộng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai các giải pháp quan trọng để đưa ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đây vừa là diễn đàn giúp Quảng Ninh chia sẻ tầm nhìn, tiếp thu những ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học về các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ. Nhưng ngược lại, đây cũng là cơ hội lớn để tỉnh giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế, chính sách của địa phương, thể hiện cam kết và quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ quan trọng này. Chúng tôi tin rằng, sau hội nghị, với 5 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các sở của tỉnh và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp về hợp tác, hỗ trợ xây dựng đề án Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045, về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics và về phát triển nguồn nhân lực logistics, Quảng Ninh chắc chắn sẽ thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững.
Hoàng Nga
- Nhiều sáng kiến hữu ích trong phát triển dịch vụ logistics
- Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh
- Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics trọng điểm của cả nước
- Phát triển dịch vụ logistics xứng tầm
- Đoàn doanh nghiệp logistics khảo sát địa bàn KCN, KKT tỉnh
- Định vị ngành logistics trong kỷ nguyên công nghệ
Liên kết website
Ý kiến ()