Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:05 (GMT +7)
Phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 4, 09/02/2022 | 10:02:04 [GMT +7] A A
Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước (đứng thứ 18/63 tỉnh thành), với gần 436.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, có trên 370.000ha đất có rừng, thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.
Vụ trồng rừng năm nay, hộ anh Triệu Kim Bằng, thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long đã chuyển đổi 4ha rừng trồng keo của gia đình sang trồng cây dổi. Anh Bằng chia sẻ: Được thành phố tuyên truyền về chuyển đổi diện tích rừng sang trồng rừng lâu năm, tôi thấy đây là biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ và phát triển rừng. Không giống như cây keo chỉ trồng mấy năm rồi thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến sinh thái và đất đai, với diện tích rừng trồng thay thế là cây dổi sẽ là điều kiện để chúng tôi phát triển kinh tế, môi trường lâu dài và bền vững cho cả thế hệ mai sau.
Cùng với hộ gia đình anh Bằng, từ đầu năm 2021, TP Hạ Long đã rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích rừng sản xuất của các đơn vị nhà nước đang quản lý, diện tích rừng sản xuất giao cho dân mà có thể triển khai trồng rừng gỗ lớn. Đến nay các xã, phường có rừng của Hạ Long đã tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn với các giống: Dổi, long não, lát... Hiện 7 xã, phường có rừng, người dân đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn hoặc chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với tổng diện tích trên 200ha.
Những năm qua, bảo vệ và phát triển rừng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng được cả hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm với những cơ chế, giải pháp tiên phong. Nổi bật, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở này, các giải pháp đặc thù về lâm nghiệp của tỉnh đã được triển khai đồng bộ trên các nội dung: Quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng; quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; quản lý động vật hoang dã và chim di cư; chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; phát triển rừng gỗ lớn; chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng... Việc giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng rừng, đất rừng được triển khai bài bản. Trong 2 năm 2020 và 2021, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý trên 200 vụ vi phạm các quy định về lâm nghiệp, trong đó, xử lý 190 vụ hành chính và 12 vụ xử lý hình sự. Hiện diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh đều tăng dần qua mỗi năm. Đơn cử như năm 2021, toàn tỉnh trồng trên 12.300ha rừng, tăng gần 11% so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để thực hiện những mục tiêu lâu dài về phát triển rừng bền vững, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp khôi phục, phát triển, mở rộng một số khu rừng đặc dụng. Trong đó, mở rộng diện tích gắn với bảo vệ hệ sinh thái tại di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long, rừng Quốc gia Yên Tử, khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu; rừng phòng hộ tại các địa phương như tại núi Cao Xiêm, Ngàn Chi (Bình Liêu), Phong Dụ, Đại Dực (Tiên Yên)... Cùng với đó, thực hiện các phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, đưa mục tiêu cấp chứng chỉ rừng vào kế hoạch phát triển lâm nghiệp hằng năm.
Mặt khác, ưu tiên mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn với 24.000ha tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đông Triều, Hải Hà... Đồng thời chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long và Tiên Yên; đầu tư xây mới 1 vườn ươm giống công nghệ cao có công suất trên 10 triệu cây/năm. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển các cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như cây hồi, quế, ba kích và dược liệu khác. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Quảng Ninh kiên quyết không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác; sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng...
Nguyễn Thanh
- Phát triển lâm nghiệp bền vững
- Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
- Phát triển lâm nghiệp bền vững
- Chủ động nguồn giống cho phát triển lâm nghiệp
- Khởi động chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững
- Chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững
- Quảng Ninh ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()