Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:27 (GMT +7)
Phát triển mạnh mẽ Chính quyền số
Thứ 5, 28/12/2023 | 11:59:38 [GMT +7] A A
Với quyết tâm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết, kiên trì, liên tục triển khai toàn diện các nội dung nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của Đề án Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số từ giai đoạn trước. Trong đó, việc ứng dụng ngày càng sâu rộng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các lĩnh vực chính trị, KT-XH nói chung và lĩnh vực hành chính công nói riêng của tỉnh đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Nhờ hàng loạt các kế hoạch, đề án, chương trình được xây dựng và triển khai đồng bộ, quyết liệt, năm 2023, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Tiêu biểu: Tỉnh cung cấp được 1.605 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.783 TTHC của tỉnh trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó có 1.121 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp). Đáng chú ý, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ ngày càng tăng cao. 11 tháng đầu năm 2023 đã có 650/1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ, đạt tỷ lệ 59%; lũy kế đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh có gần 366 nghìn hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trực tuyến toàn trình (chiếm tỷ lệ 83%).
Cùng với đó, tỉnh đã tích hợp, kết nối thành công 1.154 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 56,7%) - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số dịch vụ công, số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết. Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân và cán bộ trong giải quyết TTHC.
Đánh giá về tính ưu việt, thuận tiện trong việc tỉnh ngày càng cung cấp được nhiều TTHC dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chị Phạm Thị Huệ (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), chia sẻ: Thường xuyên phải giải quyết các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tôi đánh giá rất cao việc tỉnh đã và đang cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp, nhất là đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. TTHC của công ty tôi hiện 100% không phải dùng đến giấy tờ, không phải nộp hồ sơ bản cứng, kết quả cũng được trả online với chữ ký số và dấu số đầy đủ tính pháp lý, đúng thời hạn, có khi còn sớm hơn. Ngay sau đó chúng tôi có thể sử dụng kết quả online tiến hành quảng bá, đưa sản phẩm đến với khách hàng và làm thông báo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để phục vụ công việc.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình hiện đang được tỉnh triển khai có 3 ưu điểm nổi trội, đó là: Tổ chức, cá nhân có thể ký số điện tử khi nộp hồ sơ TTHC; cơ quan có thẩm quyền trả kết quả giải quyết TTHC bản điện tử có đầy đủ chữ ký số, dấu số và có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy như trước; đa dạng hình thức thanh toán trực tuyến. Đây chính là một trong những thành phần quan trọng nhất giúp cấu thành nên nền tảng của Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ công trực tuyến toàn trình không chỉ hiện thực hóa tiến trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh mà còn tạo cơ sở vững chắc trong việc chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Trong tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số sẽ là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội và sự hài lòng của người dân trên địa bàn.
Năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực, triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; rà soát, đơn giản hóa các TTHC trong nội bộ tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC... Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC và việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Đồng thời tiếp tục rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()