Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 06:21 (GMT +7)
Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân
Thứ 2, 13/06/2022 | 07:12:41 [GMT +7] A A
Trong phiên làm việc sáng 13/6 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị cấm; người đại diện, quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật, sai sót chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Sau nội dung này, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010), quy định về: trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; thanh tra viên; hoạt động thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước; thanh tra nhân dân./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()