Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:14 (GMT +7)
Phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên: Cần có những giải pháp mạnh, đồng bộ
Thứ 2, 15/07/2013 | 05:38:22 [GMT +7] A A
Thanh niên, thiếu niên là lực lượng đông đảo trong xã hội, là tương lai của đất nước. Tuy nhiên, gần đây tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong một bộ phận thanh, thiếu niên (TTN) diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cả về số lượng, mức độ, tính chất nguy hiểm, tác động không nhỏ đến tình hình ANTT và sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng trong tỉnh, từ năm 2007 đến tháng 6-2012, TTN từ 14 đến 30 tuổi có 11.512 đối tượng vi phạm pháp luật bị khởi tố, chiếm 79,98% tổng số đối tượng bị khởi tố trong toàn tỉnh và có xu hướng tăng. Từ năm 2008 đến 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 864 vụ vi phạm pháp luật do 1.318 đối tượng ở lứa tuổi chưa thành niên gây ra, chiếm 23,2% so với tổng số vụ án hình sự xảy ra. Trong đó có 154 vụ, 224 đối tượng là trẻ em (dưới 16 tuổi), tập trung vào các loại tội phạm: Giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 4,5% tổng số vụ án giết người); cướp tài sản (chiếm 29,4% tổng số vụ án cướp tài sản); cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, hiếp dâm, mua bán trái phép chất ma tuý, môi giới mại dâm; trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tham gia đánh bạc; một số vụ phá huỷ công trình an ninh quốc gia. Tình trạng TTN bỏ học, tụ tập sống lang thang, tàng trữ sử dụng vũ khí gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... chủ yếu ở các địa bàn Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Cơ quan điều tra đã khởi tố 421 vụ, 650 bị can; xử lý hành chính 255 vụ, 422 đối tượng; trong đó đưa đi trường giáo dưỡng 138 đối tượng, giáo dục tại địa phương 164 lượt đối tượng, giao cho gia đình quản lý 132 đối tượng.
Học sinh xã Hải Lạng (Tiên Yên) trong lớp học kỹ năng sống dịp hè 2013. |
Cũng theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng TTN nghiện hêrôin tuy đã được kiểm soát, không phát sinh đối tượng mới, nhưng gần đây tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp, ma tuý đá, thuốc lắc... có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Tình trạng bạo lực học đường có tính chất ngày càng phức tạp. Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 169 HS tham gia vào các vụ đánh nhau. Tình hình vi phạm trật tự ATGT trong TTN cũng diễn biến rất phức tạp. Trong các năm 2011, 2012 xảy ra 119 vụ TNGT và 83 vụ va chạm giao thông liên quan đến TTN (chiếm trên 44% số vụ), làm chết 136 người, bị thương 185 người. Tình trạng TTN điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm… ngày càng tăng. Vụ TNGT thương tâm xảy ra trưa 23-4-2013, trên QL18A, đoạn qua phường Đại Yên (TP Hạ Long) làm 4 nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng đi trên một chiếc xe máy bị chết tại chỗ là ví dụ điển hình.
Tuy các cấp, các ngành đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm trong TTN nhưng vẫn còn đó nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Cách thức tuyên truyền thì đơn điệu, chưa tác động mạnh và làm chuyển biến nhận thức, hành vi của TTN. Năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm nói chung còn yếu. Công tác điều tra, tổ chức xét xử công khai, lưu động các vụ án điểm liên quan đến TTN còn ít, chưa đủ sức răn đe. Trong khi thiếu điểm vui chơi lành mạnh cho TTN thì công tác quản lý nhà nước về văn hoá còn sơ hở, do đó các loại hình văn hoá phẩm độc hại đã tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ...
Trước thực trạng trên, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh sẽ trình tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về một số mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong TTN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014-2015. Mục tiêu là: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của TTN; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm nhằm từng bước kiềm chế, tiến tới giảm vi phạm pháp luật và tội phạm; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục, định hướng và xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn giúp TTN phát triển toàn diện. Mục tiêu này được cụ thể hoá bằng 5 nhóm chỉ tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó đặt lên hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong TTN; xây dựng và triển khai một số mô hình điểm về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong TTN. Giải pháp cụ thể là hàng năm, UBND tỉnh đề xuất bố trí dự toán kinh phí phù hợp để tổ chức các hoạt động: Mở các lớp học giáo dục kỹ năng ứng xử pháp luật, lớp năng khiếu; xét xử lưu động vụ án điểm liên quan đến tội phạm là TTN; tổ chức các sân chơi về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; biên tập và tăng số lượng phát hành các bản tin tuyên truyền về phòng chống tội phạm; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng mô hình điểm. Mong rằng với việc ban hành nghị quyết này, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong TTN sẽ được ngăn chặn.
Đỗ Ngọc Hà
Liên kết website
Ý kiến ()