4
18
/
847584
Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
longform
Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển


 

 

Những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Từ linh hoạt các chính sách ưu đãi, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ cho DN trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua đó, DN ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.

 

 

Trong chương trình phát triển KT-XH hằng năm, Quảng Ninh luôn đề cao nhiệm vụ phát triển, hỗ trợ DN với những mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, phát triển 25.000 DN. Để tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN nói riêng và vì sự phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, Quảng Ninh đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ về hỗ trợ, đồng hành cùng DN.

Điển hình, từ năm 2014 tới nay, Quảng Ninh tổ chức 10 cuộc gặp gỡ với hơn 4.500 nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, giải quyết gần 800 kiến nghị của DN. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng chủ động phối hợp tổ chức hội nghị gặp gỡ DN để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN; tổ chức diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề “Cùng cam kết - cùng hành động - cùng phát triển”, chương trình Cafê doanh nhân... qua đó đã thu hút nhiều DN tham gia.

Đặc biệt, những đề xuất, kiến nghị của DN đều được các sở, ban, ngành, địa phương trả lời cụ thể bằng văn bản và công khai quá trình giải quyết trên các trang điện tử của đơn vị (website, fanpage DDCI Quảng Ninh và cổng thông tin điện tử - chuyên trang hỗ trợ DN của tỉnh). Đây cũng là kênh tương tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng DN...

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển ổn định. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, các hiệp hội doanh nghiệp đã tổng hợp gần 200 ý kiến, kiến nghị của DN gửi các sở, ngành chức năng tháo gỡ. 

 

Bên cạnh đó, định kỳ 2 lần/năm, UBND tỉnh tổ chức làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội DN tỉnh để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN trong hoạt động SXKD. Cùng với định hướng về chủ trương của tỉnh trong phát triển DN, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nêu cao vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN...

Ông Tạ Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, cho biết: “Tôi đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trong lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và đồng hành cùng DN. Đặc biệt, khi có phản ánh của cộng đồng DN đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và có giải pháp tháo gỡ nhanh nhất...”

Những năm qua, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương văn phòng không giấy tờ, đến nay 100% TTHC của tỉnh được tiếp nhận, giải quyết và được máy tính hoá trên môi trường mạng.

Việc quản lý, giải quyết TTHC cho người dân, DN được thực hiện tập trung, thống nhất, công khai minh bạch, từ chỗ hầu như không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (năm 2015), đến nay tỉnh đã cung cấp trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (1.515 dịch vụ), trong 2 năm triển khai đã có trên 33.000 hồ sơ trực tuyến. Hiện tỷ lệ đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử là 25%, tỷ lệ DN khai thuế điện tử đạt 99%, nộp thuế điện tử đạt 95%...

Bên cạnh những tiện ích trong hỗ trợ tổ chức, công dân giải quyết TTHC như: Ứng dụng nhắn tin tự động thông báo kết quả giải quyết hồ sơ; qua tổng đài tư vấn giải đáp TTHC với người dân và DN... nhiều thủ tục được cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết nên tạo nhiều thuận lợi cho DN. Đơn cử, thời gian làm thủ tục thành lập DN giảm còn 1 ngày so với quy định; chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan giảm 6 ngày; chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng tiếp cận điện năng, thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh giảm 11 ngày so với Nghị quyết 19/NQ-CP...

Ngoài các kênh trên, tỉnh còn chú trọng nắm bắt thông tin, kiến nghị của DN về chất lượng điều hành, phục vụ của cơ quan nhà nước qua nhiều kênh. 2018 là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh triển khai đánh giá chất lượng năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh thông qua bộ chỉ số DDCI. Phạm vi khảo sát ngày càng rộng và năm nay dự kiến lấy ý kiến từ 4.500-5.000 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, SXKD, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn... Thông qua kết quả lấy ý kiến sẽ giúp chính quyền địa phương nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về hoạt động của mình trong điều hành kinh tế và sự hài lòng của DN đối với cơ quan nhà nước...

Trong 3 năm gần đây (2016-2018), Quảng Ninh liên tiếp giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX). Năm 2017, Quảng Ninh xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời đứng vị trí thứ nhất trong Bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). 

Đặc biệt, mới đây tại Tokyo (Nhật Bản), Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng ASOCIO 2018 cho 31 cơ quan, tổ chức, DN xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên. Tỉnh Quảng Ninh là một trong 4 cơ quan, tổ chức, DN của Việt Nam được vinh danh trong hạng mục “Chính phủ số xuất sắc”...

Với sự hỗ trợ của tỉnh và nỗ lực không ngừng của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngày càng đi vào ổn định. Năm 2018, số DN đăng ký thành lập mới ước đạt 2.450 DN (tăng 5,4% so với cùng kỳ, bằng 85% kế hoạch), với tổng số vốn đăng ký là 24.000 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ); 95 đơn vị chuyển đổi loại hình nhằm tái cơ cấu lại DN, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, có 523 DN từng gặp khó khăn phải ngừng hoạt động nay đã hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ, nâng tổng số DN đăng ký trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước là 17.560 DN, vốn đăng ký ước đạt 169.144 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ sự đóng góp to lớn của DN thông qua kết quả phát triển KT-XH của tỉnh những năm gần đây. Đến thời điểm này, chỉ tiêu KT-XH của tỉnh theo nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh năm 2018 ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/11 chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước tăng 11,1%, vượt 0,9% so với kế hoạch, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây.

Nổi bật, từ kinh nghiệm, cách làm trong xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gắn kết đến với thị trường quốc tế, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Với tinh thần quyết tâm, phát huy nội lực trong cả hệ thống chính trị, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã khánh thành, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng đúng dịp Quốc khánh 2/9. Công trình khẳng định thành công của Quảng Ninh trong cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển…

Cùng với Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cùng nhiều công trình hạ tầng khác đang gấp rút hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng dịp cuối năm nay. Đồng thời chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng nhiều công trình động lực khác… Từ huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến của các dòng vốn đầu tư, đây là cơ hội cho các DN nhỏ, DN tư nhân phát triển theo quy luật cộng sinh.

Xây dựng niềm tin với DN một cách bền vững, thiện chí, Quảng Ninh đã thu hút ngày càng nhiều các DN, nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn. Điển hình là các nhà đầu tư: Toray (Nhật Bản), Amata (Thái Lan), Công ty CP Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong) và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam như: Vingroup, Sun Group, FLC, My Way, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc, Tập đoàn Thành Công... Riêng từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 50 dự án, tổng đăng ký đầu tư 23.618 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.

 

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Ninh, cho biết: Những năm gần đây, cộng đồng DN trong tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Đặc biệt, những chính sách linh hoạt cùng hoạt động hỗ trợ DN về mặt bằng, vốn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông... đã tạo thuận lợi tối đa cho DN và nhà đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cam kết không ngừng nỗ lực trong hoạt động SXKD, chấp hành đúng chủ trương, định hướng về phát triển KT-XH của tỉnh...”

Bày tỏ quan điểm sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng DN, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Sự thành công của DN chính là thành công của tỉnh. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn luôn đồng hành cùng sự phát triển của DN; lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các DN, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực SXKD, phát triển DN bền vững. 

Bài, ảnh: Nguyễn Huế - Đỗ Phương

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu