4
18
/
968169
Quảng Ninh - Khẳng định vị trí đi đầu trong cải cách hành chính - Bài 2: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
longform
Quảng Ninh - Khẳng định vị trí đi đầu trong cải cách hành chính - Bài 2: Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

 

Xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và liên tục, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC bằng những cách làm mới, đột phá. Những mô hình hiệu quả, những giải pháp tích cực được triển khai từ tỉnh đến cơ sở đã cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Hội nghị Trung ương 8 khoá VII (tháng 1/1995) đã xác định, CCHC là trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, với mục tiêu là xây dựng một nền hành chính trong sạch có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Thực hiện chủ trương này, Quảng Ninh đã có những chỉ đạo mạnh mẽ nhằm cải cách thể chế của nền hành chính, chấn chỉnh tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh đã tìm tòi, sáng tạo; quyết liệt thực hiện thành công nhiều giải pháp về CCHC, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ.

Bắt đầu từ năm 2012, Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2014. Nhằm đẩy mạnh CCHC theo hướng tách các hoạt động cung ứng dịch vụ công với các hoạt động công quyền; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng vào phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, trong Đề án đã xây dựng Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC). Đây là mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm học được từ những trung tâm dịch vụ hành chính công của các nước tiên tiến như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản…,  Quảng Ninh đã quyết định thí điểm thành lập Trung tâm PVHCC tỉnh và 5 Trung tâm PVHCC cấp huyện (Uông Bí, Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn). Các trung tâm PVHCC đều được tổ chức theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại Trung tâm). Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015.

Từ hiệu quả những mô hình thí điểm ban đầu, tỉnh triển khai 14 trung tâm PVHCC cấp huyện và 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp xã. Việc xây dựng các trung tâm PVHCC này đã góp phần thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa thông tin về TTHC và việc giải quyết TTHC. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính cũng hiệu quả hơn,  người dân không phải mất công đi lại nhiều lần, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư, là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh từ năm 2012. Hoạt động của IPA Quảng Ninh tập trung trong 3 lĩnh vực chính: Xúc tiến đầu tư; giải quyết thủ tục đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư. Từ việc nhận diện đúng những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, IPA đã gỡ dần những “nút thắt” trong hoạt động này. Cơ quan hoạt động với mục tiêu đổi mới quy trình đầu tư theo hướng từ “trên xuống” thay vì từ “dưới lên”như trước đây. Thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư được rút ngắn khoảng 50% so với quy định của pháp luật hiện hành (từ 25 ngày xuống còn 7 ngày, có trường hợp chỉ trong một ngày); cắt giảm đầu mối làm việc, kết nối nhanh nhất với nhà đầu tư dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2012, Quảng Ninh đã triển khai Dự án xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Đến nay, Quảng Ninh đã ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, làm cơ sở triển khai mô hình thành phố thông minh trong thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đáng chú ý, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trên cả nước trong việc quy định áp dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỉnh cũng nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh (642 đơn vị); đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp (tính đến hết tháng 7/2019, Quảng Ninh đã gửi nhận 6.386.555 văn bản điện tử)...

Những đổi mới, sáng tạo của Quảng Ninh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, được trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định: Quảng Ninh đã thấm nhuần tư tưởng của Đảng, có những cách làm rất linh hoạt, sáng tạo và chủ động về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đã trở thành một trong những điển hình sáng để Chính phủ nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng. Đặc biệt từ sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và tỉnh chủ động đưa vào hoạt động 14 trung tâm hành chính công cấp huyện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Người dân bày tỏ sự hài lòng, cán bộ làm việc tại các trung tâm hành chính công thì chuyên nghiệp, tận tình. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn đạt trên 99% không chỉ là con số rất ấn tượng cho thấy Quảng Ninh đang đi rất đúng hướng.

Những năm qua, kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nằm trong top đầu cả nước. Tỉnh luôn xác định để phát triển một cách bền vững, hệ thống chính trị phải không ngừng đổi mới  tư duy, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong bầu không khí đổi mới đó, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã truyền “sức nóng” đến từng cán bộ, công chức, viên chức, huy động cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vào cuộc thực hiện CCHC.

Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: “Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC là yếu tố quan trọng để phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ. Như hiện nay, Sở đã phân công một đồng chí lãnh đạo và đồng chí Chánh văn phòng Sở tham gia Tổ công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Sở cũng công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hòm thư tiếp nhận, cử lãnh đạo thường trực trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi cũng rà soát, lựa chọn cán bộ có đủ thẩm quyền, năng lực, trình độ chuyên môn để có thể thẩm định được TTHC hoặc thẩm định, phê duyệt TTHC ngay tại Trung tâm PVHCC tỉnh khi được ủy quyền. Hiện Sở đã thẩm định tại chỗ 21/21 TTHC (đạt 100%), qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đến với Quảng Ninh”.

Đáng chú ý, đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Quảng Ninh đã và đang chủ động  triển khai Đề án mô hình thành phố thông minh, giai đoạn 2017-2020. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. Đến nay, Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; thành lập hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia Bộ Thông tin và Truyền thông làm ủy viên phản biện để thẩm định, phê duyệt đảm bảo tính thống nhất, chuyên sâu, toàn diện của Đề án. Tháng 8/2019 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Đây là trung tâm điều hành hiện đại và có quy mô tích hợp đồng bộ nhất tại Việt Nam; sẽ là “bộ não số”, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, cùng với các phần mềm sẽ được đầu tư thêm; tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về Quảng Ninh trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Quảng Ninh cũng đang triển khai ứng dụng di động “Smart Quảng Ninh”, là app chạy trên cả hệ điều hành Android và iOS, cung cấp cho người dân và du khách đến Quảng Ninh rất nhiều tính năng thông minh, hữu ích. Thông qua “Smart Quảng Ninh”, người dân có thể gửi ý kiến góp ý hoặc thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, các vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động.

Đây được coi là xu thế tất yếu mà một tỉnh luôn đi tiên phong như Quảng Ninh xác định sẽ làm và phải làm thành công trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Triển khai mô hình thành phố thông minh, các dự án, nhiệm vụ đều đặt mục tiêu chính là lấy người dân làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới cải thiện, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ du khách. Ngoài ra, chất lượng công tác quản lý của các cơ quan nhà nước sẽ được nâng cao, trên cơ sở ưu tiên đầu tư hạ tầng CNTT, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: Giáo dục, y tế...

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí hơn 300 tỷ đồng đầu tư cho 3 bệnh viện (Bãi Cháy, Đa khoa tỉnh và Sản Nhi) xây dựng mô hình bệnh viện thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội. Theo đó, tại bệnh viện thông minh sẽ không cần dùng giấy tờ, sổ sách, tất cả mọi quy trình được số hóa toàn bộ, đảm an toàn, bảo mật. Người bệnh có thẻ thông minh do bệnh viện phát hành khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hạn chế đi lại, giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân. Bệnh án điện tử giúp cho các bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp, hạn chế tối đa những sai sót y khoa. Đối với lĩnh vực giáo dục, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 511 phòng học của 46 trường đã được đầu tư tích hợp đầy đủ những công cụ dạy và học với việc kết nối các thiết bị công nghệ, giúp giáo viên dễ dàng thiết kế bài giảng, hình ảnh, học sinh dễ dàng tiếp nhận. 

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại tại trụ sở Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, bước đầu hình thành một hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng.

Thời gian tới, tỉnh đang hướng tới việc xây dựng Chính quyền số nhằm đáp ứng được 5 mục tiêu chiến lược góp phần xây dựng kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngọc Linh - Ngọc Huyền - Hà Thanh 

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu