Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:17 (GMT +7)
Quảng Ninh làm theo Bác
Thứ 5, 25/07/2013 | 02:49:05 [GMT +7] A A
Là vùng đất phên giậu cửa mở cho cả vùng, cả nước; vùng đất có bề dày truyền thống giữ nước và dựng nước, giàu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh nên Quảng Ninh được Bác Hồ quan tâm chỉ đạo từ rất sớm. Từ những năm bôn ba năm châu bốn biển tìm con đường cứu nước, Bác Hồ đã viết báo lên án bọn đế quốc Pháp bóc lột công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh đến cùng cực. Bằng nhiều hình thức, Bác Hồ luôn quan tâm đến phong trào thợ thuyền ở Việt Nam, nhất là công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh...
Vào cuối tháng 2 năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở khu mỏ Mạo Khê được thành lập gồm 5 đảng viên, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Bí thư chi bộ. Sau đó, ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông... lần lượt các chi bộ Đảng được thành lập làm nòng cốt lãnh đạo công nhân trong các hầm mỏ, nhà máy, và nhân dân đứng lên đấu tranh với bọn đế quốc phong kiến. Từ 5 đảng viên ban đầu của tổ chức Đảng ở vùng đất là một trong “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có trên tám vạn đảng viên, sinh hoạt ở gần tám trăm tổ chức cơ sở Đảng ở khắp các vùng, miền, địa bàn, dân cư, không còn trắng tổ chức Đảng ở vùng sâu, hải đảo như những năm trước đây. Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ đảng viên so với dân số vào tốp cao nhất các tỉnh, thành trong cả nước.
Sáng Mồng Một Tết Ất Tỵ 1965, công nhân mỏ than Quảng Ninh tặng Bác hòn than thứ 4 triệu tấn. Ảnh tư liệu. |
Quảng Ninh được lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với Đảng bộ, đồng bào, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê chưa đầy đủ, sinh thời Bác Hồ đã về Quảng Ninh bảy lần và tác động qua báo chí, thư tín với công nhân, lực lượng vũ trang, nông dân của Vùng mỏ trên ba mươi lần. Có việc làm của Bác Hồ lúc sinh thời ở địa bàn Quảng Ninh đã mở đầu công cuộc đấu tranh cách mạng giành lại nền độc lập thống nhất cho dân tộc Việt Nam và hướng tới hội nhập Quốc tế. Ngày 24-3-1946, Bác Hồ đã đến Vịnh Hạ Long, tới chiến hạm của Pháp, với tư thế là Người đứng đầu nước Việt Nam độc lập, hội đàm với Đô đốc G.T.Đắc-giăng-li-ơ, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương để thoả thuận tiếp một số điều khoản thực hiện Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946... Và ngày 22-1-1962, Bác Hồ mời Giecman-ti-tốp, thiếu tá, Anh hùng vũ trụ Liên Xô (cũ) tham quan Vịnh Hạ Long. Để ghi nhớ mối tình hữu nghị này, Bác Hồ đã đặt tên cho hòn đảo mang số 42 trong Vịnh Hạ Long là đảo Ti Tốp.
Đặc biệt với Quảng Ninh khi Người còn sống (năm 1968), Bác Hồ đã cho dựng tượng Người ở quần đảo Cô Tô - nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Một vinh dự nữa là ngày 30-10-1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (khoá II) kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính và Bác Hồ kính yêu đã đặt tên cho tỉnh chúng ta là tỉnh Quảng Ninh. Từ đó đến nay, tỉnh Quảng Ninh tròn 50 năm, phấn đấu theo lời căn dặn của Bác Hồ, Quảng Ninh đã trưởng thành vượt trội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo vững chắc vùng địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam.
Ngành Than, sản lượng than thương phẩm từ 3 triệu tấn năm 1963 (mới hợp nhất), đến nay đã sản xuất gần 45 triệu tấn than thương phẩm mỗi năm. Quảng Ninh từ một tỉnh ngân sách thu không đủ chi, chủ yếu là nhờ vào sự chi viện của Trung ương, đến nay Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 5 về thu ngân sách cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Ninh hiện là địa phương có tốc độ đô thị hoá cao, duy nhất là tỉnh có 4 thành phố trực thuộc là: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả. Lợi thế về vùng đất con người Quảng Ninh, cùng với tinh thần “kỷ luật đồng tâm” của lực lượng công nhân Vùng mỏ, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2005-2010) và lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010-2015), đều đã ra Nghị quyết, quyết tâm đến năm 2015 đưa Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trước mục tiêu cả nước 5 năm.
Đinh ninh lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, nhiều đơn vị, cá nhân được gặp Bác Hồ đã phấn đấu không ngừng, trở thành chiến sĩ thi đua, Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động qua các thời kỳ. Theo tổng hợp của ngành chức năng, các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang của Quảng Ninh đã đạt con số hàng chục... Riêng ngành Than, năm 2005 đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động và toàn ngành đã có 14 đơn vị trực thuộc và 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý này. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toàn ngành Than có 12 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sơ kết ba năm thực hiện việc: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (tháng 1-2010) Quảng Ninh đã vinh dự có hai cá nhân và một tập thể tiêu biểu được tuyên dương toàn quốc.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và ngày 17-5-2013 nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thủ đô Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...”. Trọng tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị là quán triệt thật sâu sắc đến mỗi cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) nhất là Nghị quyết IV (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhằm làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thực sự là “công bộc” của dân như Bác Hồ hằng mong muốn. Quảng Ninh cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở sơ kết hai năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã và đang chỉ đạo cả hệ thống chính trị trên địa bàn, nghiên cứu sâu sắc các Nghị quyết: Số 9 (ngày 9-2-2007) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về: “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 54 (14-9-2005) của Bộ Chính trị về: “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, kết luận số 47-KL/TW (6-5-2009) của Bộ Chính trị về “Kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII và những chủ trương, giải pháp phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”; thông báo số 108 (1-10-2013) của Bộ Chính trị về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái”.
Ở vùng đất từng được Bác Hồ và Trung ương Đảng đều đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Quảng Ninh đang chuyển mình toàn diện để xứng đáng với sự quan tâm đó. Và Quảng Ninh đã thực sự trở thành một ngọn cờ đầu trong cả nước về thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn Đảng bộ lúc sinh thời và di chúc của Người mà Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã nguyện phấn đấu làm theo.
Sơn Kông Khôi (Hội viên Hội CCB Việt Nam)
Liên kết website
Ý kiến ()