Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:29 (GMT +7)
Nhân lên những tỷ phú, triệu phú nông dân
Thứ 6, 19/05/2023 | 09:15:19 [GMT +7] A A
Khuyến khích nông dân SXKD giỏi là một trong những hoạt động chính yếu của các cấp hội nông dân tỉnh. Qua thời gian dài triển khai, Quảng Ninh đã có bước chuyển mạnh về cách làm, hiệu quả, cũng như tính bền vững trong hoạt động này, góp phần tạo ra, nhân lên những hộ nông dân giàu có.
Xã có hàng trăm triệu phú, tỷ phú nông dân
Đến Quảng Tân, xã nông thôn miền núi của huyện Đầm Hà hôm nay, cảm nhận về một vùng quê nông thôn tươi đẹp, sống động, giàu có. Những ngôi nhà kiên cố, hiện đại, sân vườn to rộng, những chiếc ô tô con, ô tô tải làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hoá... là thành quả của những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả của người dân Quảng Tân. Hiện thu nhập trung bình của người dân xã trên 70 triệu đồng/năm; 80% số nông hộ đạt tiêu chí SXKD giỏi; gần 150 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, gần 350 hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Sinh kế dựa hoàn toàn vào 500ha đất nông nghiệp, mỗi mô hình canh tác của nông dân Quảng Tân đều phát triển theo chiều sâu. Tức là tăng hàm lượng khoa học, công nghệ thay vì phụ thuộc vào tài nguyên sẵn có; tăng thiết bị máy móc, giảm lao động thủ công; tăng liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi thay vì đơn lẻ, tự phát; tăng thích ứng với nhu cầu thị trường, sản xuất những thứ thị trường cần thay vì sản xuất những thứ mình có... Quảng Tân hiện có 23 trang trại, 4 tổ hội nghề nghiệp, 5 hợp tác xã; phần lớn nông hộ của xã đều nằm trong những tổ chức sản xuất nhất định. Nhiều tổ chức sản xuất lớn mạnh, mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho thành viên.
HTX Tuyền Hiền của xã chuyên về giống gà bản địa Đầm Hà. Từ một mô hình chăn nuôi nông hộ thông thường, Tuyền Hiền bắt tay với nhiều “nhà” để phục tráng, nhân bản giống gà bản địa Đầm Hà bằng cách thụ tinh nhân tạo, nuôi gà thương phẩm bằng công nghệ nhà lạnh, áp dụng công nghệ chọn lọc, ấp trứng tự động. Đến nay HTX có hệ thống liên kết cả trăm hộ gia đình tại huyện Đầm Hà và huyện Ba Chẽ, cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 150 tấn gà thương phẩm, 2 triệu con gà giống; doanh thu cao điểm lên đến chục tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng.
Sự phát triển của HTX Tuyền Hiền không chỉ khôi phục giống gà bản địa chất lượng rất cao có nguy cơ mai một, mà còn mang lại nguồn thu lớn cho HTX, mang lại thu nhập cao cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền, năm 2022 vinh dự được Trung ương Hội Nông dân trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”
Tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều xã nông thôn giàu có, nông dân tỷ phú, triệu phú như xã Quảng Tân. Theo Hội Nông dân tỉnh, hiện có trên 63.000 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi. Qua khảo sát bước đầu, ít nhất trên 80% trong số này đạt các tiêu chí đề ra, trong đó kỳ vọng 50% trở lên số hộ đạt thu nhập 200-300 triệu đồng/năm, 30% đạt mức thu trên 300-500 triệu đồng/năm, còn lại đạt trên 500 triệu đồng, trên 1 tỷ đồng/năm/hộ.
Chuyển mạnh về cả tư duy nhận thức và hành động
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Trung ương Hội Nông dân phát động từ năm 1990, được các cấp hội nông dân các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, vào cuộc mạnh mẽ. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác, xây dựng tổ chức sản xuất nhóm có liên kết, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm... là những hoạt động căn bản Hội Nông dân tỉnh để hiện thực hoá phong trào. Trên cơ sở này, nông dân được trang bị những kỹ năng trúng, đúng, những điều kiện cần và đủ để có thể triển khai mô hình sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới tạo ra giá trị tích luỹ.
Những năm gần đây, Quảng Ninh triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP..., giúp cho hệ thống hạ tầng nông thôn miền núi được cải thiện, các vùng sản xuất tập trung được quy hoạch, trở thành lực đẩy rất lớn, dư địa làm giàu rộng mở của nông dân, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân SXKD giỏi toàn tỉnh, hình thành những mô hình SXKD sáng tạo, chủ động, nhân lên những triệu phú, tỷ phú nông dân.
Không ít nông dân trong tỉnh đã bắt kịp xu hướng số hóa, tự động hóa, công nghệ hóa, cơ giới hóa, chuyên môn hóa. Sản phẩm, giá trị nông sản hiện không phụ thuộc vào diện tích canh tác, mà là trình độ canh tác; không phụ thuộc vào số lượng, mà là chất lượng sản phẩm. Nông dân không còn “chân lấm, tay bùn”, thay vào đó là tác phong công nghiệp, là sự chủ động, tự tin, giám sát, điều hành online, mua bán điện tử, là những ông chủ nông nghiệp... Những nông sản được gắn sao OCOP, trở thành thương hiệu quen thuộc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là thành quả của quá trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới... của tỉnh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()